InnovGreen đã tạo “việc làm ổn định cho dân”?

– Công ty InnovGreen hùng hồn tuyên bố, mục tiêu chính trong việc đầu tư trồng rừng dài hạn tại Việt Nam là “đưa lại lợi ích cho người dân và chính quyền địa phương”. Khi mới triển khai được 3 năm, Cty IG Quảng Ninh lại có báo cáo rằng đã tạo công ăn việc làm “thường xuyên, ổn định” cho người dân với mức thu nhập khá cao (2,2 – 2,5 triệu/tháng). Tuy nhiên, thực tế không như vậy…

LTS: Tháng 3/2010, loạt bài “Giao đất rừng cho công ty nước ngoài” khởi đăng trên báo VietNamNet đã thu hút sự chú ý của công luận. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm ngừng cấp phép các dự án, thẩm tra lại tòan bộ quy trình cấp phép trong việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài.

Nhóm phóng viên VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để chấm định vị các địa bàn xung yếu, phác thảo nên bức tranh tổng quát và lắng nghe tiếng nói của người dân các địa phương đang được xem là đối tượng hưởng lợi của các dự án trồng rừng này.

Xin giới thiệu loạt bài “Công ty InnovGreen đang làm gì trên biên giới của chúng ta?” để độc giả có thể hiểu thêm về một siêu dự án trồng rừng sát khu vực biên giới.

Trong báo cáo về “tình hình triển khai kế hoạch trồng rừng của Cty TNHH 1 thành viên InnovGreen Quảng Ninh” (Cty IG) gửi UBND tỉnh này vào tháng 12/2009 có đề cập đến vấn đề “đã tạo công ăn việc làm thường xuyên và ổn định cho người dân địa phương với thu nhập bình quân của người dân hàng tháng là 2,2 đến 2,5 triệu đồng”.

Trước đó, trong phần thuyết trình dự án tại Sở KHĐT Quảng Ninh ngày 9/2/2007, trước đông đảo các ngành chức năng, đại diện của Công ty GreenElite đã nói: Khi đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ cao cấp tại Quảng Ninh sẽ đưa lại 5 lợi ích: Công ty; người dân bản địa; quốc gia (không ghi rõ là QG nào); thế giới và lợi ích cho chính quyền địa phương.

Đáng chú ý, vị đại diện của nhà đầu tư nước ngoài này còn nhấn mạnh, trong các lợi ích trên thì “mục tiêu chính của công ty là lợi ích cho người dân bản địa và lợi ích cho chính quyền địa phương”?

Những dòng chữ trong báo cáo của Công ty InnovGreen tại Quảng Ninh khiến những người có kiến thức kinh tế ít ỏi cũng không thể không đặt vấn đề. Bởi thông thường, vấn đề đầu tư để sinh lợi cho doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu. Chẳng lẽ mang hàng trăm triệu USD đầu tư vào Việt Nam đầu, doanh nghiệp này nhắm tới mục tiêu chính như vây?

Thực sự mục tiêu chính mà lãnh đạo công ty có nguồn gốc nước ngoài vào thuê đất trồng rừng dài hạn tại Việt Nam này nói có đúng như vậy?

Làm thuê cho Cty IG thu nhập cao hơn lãnh đạo xã?

Chúng tôi mang thông tin trên đến tìm hiểu tại xã biên giới Hải Sơn, thuộc TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Hiện Công ty IG Quảng Ninh cũng đã tiến hành trồng hơn 400ha trong tổng số hơn 1000 ha được cấp phép tại xã này.

Dòng sông Ka Long phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bên kia sông là xã Na Lư, thuộc Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), còn bên này là các xã Bắc Sơn, Hải Sơn..., thuộc Móng Cái, Quảng Ninh. Ngay sát đường biên, tại xã Hải Sơn, Cty InnovGreen đã tiến hành trồng 400ha trong tổng số hơn 1000ha được cấp giấy phép đầu tư - Ảnh: Duy Tuấn

Dòng sông Ka Long phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bên kia sông là xã Na Lư, thuộc Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), còn bên này là các xã Bắc Sơn, Hải Sơn..., thuộc Móng Cái, Quảng Ninh. Ngay sát đường biên, tại xã Hải Sơn, Cty InnovGreen đã tiến hành trồng 400ha trong tổng số hơn 1000ha được cấp giấy phép đầu tư - Ảnh: Duy Tuấn

Ông Phùn Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) đã phải bật cười khi đọc báo cáo “Tình hình triển khai dự án đến tháng 12/2009” của Cty IG Quảng Ninh.

Ông nực cười bởi vì với người dân ở địa phương ông, thu nhập bình quân mỗi tháng chỉ tính bằng con số trăm nghìn, thậm chí có người chỉ làm ruộng, bám vào rừng chỉ đủ ăn mà nay lại thấy có gần 100 người được Cty IG trả lương tháng lên tới 2,5 triệu.

Nếu đúng vậy thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc có gần 100 người nông dân trong xã có thu nhập bình quân cao hơn lương của ông và lãnh đạo xã (?!)

Ông Huy cho biết thực tế tại địa phương mình, khi dự án vào thì lúc đầu giúp được 20-30 người dân với kiểu làm thuê qua người trung gian. Hết vụ trồng rừng cũng có nghĩa là họ hết việc. Chỉ đơn thuần là người làm công, không có hợp đồng gì ràng buộc với công ty này.

Ông Phùn Văn Huy, Phó chủ tịch xã Hải Sơn: Được như báo cáo của Cty IG đã tốt. Thực tế làm gì có chuyện 60-80 người dân xã Hải Sơn có thu nhập như thế. Nếu vậy thì thu nhập của họ cao hơn lương của lãnh đạo xã à? - Ảnh: Trường Giang

Ông Phùn Văn Huy, Phó chủ tịch xã Hải Sơn: Được như báo cáo của Cty IG đã tốt. Thực tế làm gì có chuyện 60-80 người dân xã Hải Sơn có thu nhập như thế. Nếu vậy thì thu nhập của họ cao hơn lương của lãnh đạo xã à? - Ảnh: Trường Giang

Trong khi đó, tại bản báo cáo của Cty IG gửi UBND tỉnh Quảng Ninh tháng 12/2009 nói rõ đã tạo công ăn việc làm cho những địa phương mà dự án có mặt đều ghi rõ kết quả: Công ty đã tạo công ăn việc làm ổn định và thường xuyên cho người dân địa phương với mức thu nhập bình quân 2,3 đến 2,5 triệu đồng. Cụ thể tại xã Hải Sơn có 60-80 người được hưởng lợi ích như vậy.

Ông Huy cho biết: Làm gì có, chỉ có thời vụ thôi. Được thế thì đã tốt. Thỉnh thoảng mới được thuê trồng rừng. Hợp đồng làm ổn định lâu dài thì không có. Nếu đúng thế thì lương của dân trong xã cao hơn cả lương Phó Chủ tịch xã như tôi à?

Bản thân ông Huy là Phó Chủ tịch xã phụ trách trực tiếp lĩnh vực nông lâm nghiệp cũng biết rất ít thông tin về việc Cty IG vào trồng rừng trên địa bàn xã mình quản lý. Thông tin ông có được về Cty IG chỉ là công ty này được phép trồng 400ha trong trong tổng số hơn 1000ha đất rừng tại thôn Pò Hèn.

Tiểu khu 346 tại xã Hải Sơn, nơi công ty InnovGreen được phép trồng rừng lâu năm. Trong biên bản thẩm tra đất của các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh có ghi: Nguồn gốc đất thuộc BQL rừng phòng hộ Móng Cái, là đất rừng tự nhiên, có phần được quy hoạch cho đất Quốc phòng - Ảnh: Duy Tuấn

Tiểu khu 346 tại xã Hải Sơn, nơi công ty InnovGreen được phép trồng rừng lâu năm. Trong biên bản thẩm tra đất của các cơ quan chức năng ở Quảng Ninh có ghi: Nguồn gốc đất thuộc BQL rừng phòng hộ Móng Cái, là đất rừng tự nhiên, có phần được quy hoạch cho đất Quốc phòng - Ảnh: Duy Tuấn

Cuối năm 2008, cty này bắt đầu trồng rừng, nhưng mãi đến cuối 2009, ông mới được mời vào tham quan khu rừng trồng của cty này để “đi xem rừng nó trồng thế nào”!

Còn tại xã Quảng Thành (huyện Hải Hà), một địa phương nằm ngay cạnh Quốc lộ 18. Năm 2008, Cty này được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp “sổ đỏ” thời hạn 50 năm với diện tích 80ha trong số 400ha dự kiến và đã tiến hành trồng rừng.

Anh Đặng Xuân Duy, Chánh VP UBND xã cho biết: “Dự án đã thực hiện 3 năm nhưng việc tạo công ăn việc làm cho dân địa phương thì chưa có gì. Ban đầu người dân không nắm được mục đích của dự án và họ sẽ được hưởng lợi từ dự án này. Người dân rất tiếc khi rừng cũ bị chặt hạ, vì đó là nơi họ thường vào lấy củi, lấy gỗ phục vụ cuộc sống”.

“Làm láo báo cáo hay”?

Không chỉ người dân không được hưởng lợi ích như trong báo cáo của Cty IG mà đến “nhà thầu” cũng phải kêu lỗ sau khi hợp đồng trồng rừng thuê cho Cty này. Thậm chí còn không được trả đủ tiền thưởng như đã hứa.

Trần Văn Hây, một người dân xã Hải Sơn: Tôi nhận khoán trồng rừng cho InnovGreen nhưng bị lỗ nên tôi không làm nữa. Sau đó lực lượng trồng rừng chủ yếu là người ngoài xã, dân chúng tôi làm gì được "việc làm ổn định", thu nhập 2,5 triệu/ tháng như báo cáo của công ty này. Làm láo báo cáo hay rồi? - Ảnh: Trường Giang

Trần Văn Hây, một người dân xã Hải Sơn: Tôi nhận khoán trồng rừng cho InnovGreen nhưng bị lỗ nên tôi không làm nữa. Sau đó lực lượng trồng rừng chủ yếu là người ngoài xã, dân chúng tôi làm gì được "việc làm ổn định", thu nhập 2,5 triệu/ tháng như báo cáo của công ty này. Làm láo báo cáo hay rồi? - Ảnh: Trường Giang

Năm 2009, anh Trần Văn Hây (thôn Lục Chắn, xã Hải Sơn) nhận tập hợp nhân công trồng rừng thuê cho cty này tại xã Hải Sơn. Hình thức là cty hợp đồng với nhà thầu, số nhân công làm thuê thì chỉ hưởng được tiền công theo ngày.

“Mình chỉ có hợp đồng giao khoán với cty thôi, không có hợp đồng lao động, có chuyện gì về lao động mình phải chịu. Cty giao khoán mỗi ha là 4 triệu đồng nhưng mà lỗ do tiền ăn và xăng xe cao nên tôi không làm nữa. Công việc chủ yếu là phát, dọn, trồng. Mỗi đợt mình thuê khoảng 20-30 người”, anh Hây nói.

Anh Hây tiếp tục cho biết: “Hơn 400 ha đã trồng thì chủ yếu người bên ngoài địa phương làm chứ trong xã không làm. Thực tế không như báo cáo của IG về tạo công ăn việc làm như anh nói đâu, bọn em đi làm ở đây nên biết. Thậm chí còn nói nhau nặng nề với nhân viên của công ty. Làm láo báo cáo hay rồi’.

Rừng bạch đàn của Cty InnovGreen tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà. Khu vực trồng rừng ở Quảng Thành gần với đường 340 đi lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, khoảng cách là 20 km, đi xuống đường 18 là 2km - Ảnh: Duy Tuấn

Rừng bạch đàn của Cty InnovGreen tại xã Quảng Thành, huyện Hải Hà. Khu vực trồng rừng ở Quảng Thành gần với đường 340 đi lên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, khoảng cách là 20 km, đi xuống đường 18 là 2km - Ảnh: Duy Tuấn

“Trong khoảng thời gian hợp đồng mà mình làm kịp thì Cty IG thưởng cho 5 triệu, nhưng khi mình hoàn thành thì bị trừ mất hơn 1 triệu. Nhiều lúc mưa gió công nhân phải nằm chờ trong rừng cả tháng, lấy đâu ra mà lãi nữa” – anh Hây nói.

Còn theo anh Nguyễn Viên Tuyền, cán bộ văn phòng UBND xã Quảng Thành, thì tại huyện Hải Hà (nơi có dự án trồng rừng của Cty IG) chỉ có anh từng là nhân viên chính thức của IG Quảng Ninh. Sau 2 năm làm việc, anh bị điều chuyển sang tỉnh khác, biết rằng sẽ không thể sống với mức lương 2,5 triệu, nên anh đã xin nghỉ.

Nói về hiệu quả kinh tế của việc trồng rừng theo “cách của Cty IG”, anh Tuyền cho biết: “Theo cảm nhận của tôi thì khó có thể lấy lại được nguồn vốn đầu tư trồng rừng vì đầu tư rất lớn. Sẽ khó thu hồi vốn chứ chưa nói đến lãi…”.

D. T. – T. G. – H. S.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/xahoi/201011/innovGreen-da-tao-viec-lam-on-dinh-cho-dan-947930/

This entry was posted in Bô-xít, kinh tế, Môi Trường. Bookmark the permalink.