Ác mộng ám ảnh sau thảm họa bùn đỏ

Một tháng sau thảm họa sinh thái ở Hungary, cư dân Kolontár và Devecser – hai vùng chịu hậu quả nặng nề nhất của bùn đỏ – vẫn sống trong tâm trạng không biết ngày mai sẽ ra sao.

Những vết chân đọng lại trong bùn khô - Ảnh: Móricz Simon (“Tự do Nhân dân”)

Những vết chân đọng lại trong bùn khô - Ảnh: Móricz Simon (“Tự do Nhân dân”)


Chừng nào chưa có lời đáp cho câu hỏi thực chất khu vực bị bùn đỏ tàn phá có thể tiếp tục tồn tại được không, chừng ấy rất khó nói đến chuyện tái hội nhập vào đời sống mới, đó là ý kiến đồng nhất của đa số các nạn nhân bùn đỏ.

Sống trong sợ hãi

Ký giả Cseri Péter của “Tự do Nhân dân”, tờ nhật báo lớn nhất của Hungary, đã có bài phóng sự khi về thăm “miền đất chết” kể trên, một tháng sau sự cố tràn bùn.

Đêm đêm tôi cứ bừng tỉnh, mồ hôi đầm đìa. Trong mơ, tôi thấy lại những hình ảnh, khi tôi phải chạy lên gác thượng để tránh cơn lũ bùn tràn đến, tôi phải bó gối ở đó trong nhiều giờ và hãi hùng nghĩ đến cái chết”, một phụ nữ làng Kolontár kể lại trong phòng chờ của Khoa Tâm thần, Bệnh viện Ajka.

Theo chẩn đoán, bà bị khủng hoảng tinh thần sau sang chấn, một rối loạn tâm lý, biểu hiện bằng các triệu chứng lo âu rõ rệt sau khi phải đương đầu với sự kiện gây tổn thương và vẫn tiếp tục kéo dài sau đó khi sự kiện đã kết thúc từ lâu. Đây là căn bệnh hay gặp ở những người từng trải qua các biến cố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần, thể chất như thiên tai, chiến tranh, bạo hành, tai nạn…

Tái thiết tại TP Devecser - Ảnh: Móricz Simon (“Tự do Nhân dân”)

Tái thiết tại TP Devecser - Ảnh: Móricz Simon (“Tự do Nhân dân”)

Người phụ nữ ấy chỉ bị mất ngủ và thường xuyên bị những cơn ác mộng ám ảnh, nhưng những người khác thì còn mắc chứng trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích, dễ dẫn đến hành động hung hãn, hoặc run tay và biếng ăn. Chỉ ít tuần sau tai nạn bùn đỏ, đã có 50 cư dân Kolontár và Devecser phải tới Khoa Tâm thần Bệnh viện Ajka để điều trị.

Họ đều là bệnh nhân mới, đa phần có những triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn. Chúng tôi đã biết trước rằng sẽ như thế, thậm chí, chúng tôi còn tính rằng trong mấy tuần tới, sẽ còn thêm nhiều bệnh nhân cần Viện giúp đỡ. Trước mắt, Viện còn đủ khả năng điều trị cho lượng lớn bệnh nhân này”, Viện trưởng Nyári Ildikó cho biết.

Còn Fata Hortenzia, bác sĩ tâm thần của Viện, thì cho biết: khủng hoảng tinh thần do lũ bùn đỏ gây ra ở từng bệnh nhân có sự khác nhau rất lớn, do đó có thể chữa trị bằng nhiều cách. Có người cần dùng thuốc, nhưng có bệnh nhân chỉ cần người khác nghe họ kể đi kể lại về những trải nghiệm kinh hoàng vừa qua là đủ.

Cũng có người phải điều trị dài ngày, chẳng hạn một phụ nữ làng Kolontár, có chồng thiệt mạng trong cơn lũ bùn. Khi tỉnh dậy và nhận ra chỉ còn lại một mình, bà đã chìm trong hoảng loạn và tìm cách tự sát.

Thể hiện bản lĩnh
Điều thú vị là tấn thảm kịch bùn đỏ cũng cho thấy một thái cực khác: đối với những người có bản lĩnh, mọi sự không đến nỗi quá trầm trọng.

Konkoly József, cư dân TP Devecser chỉ cần vài ngày để vượt qua được cơn khủng hoảng. Ngôi nhà bị ngập trung bùn của ông hay được thấy trong các bản tin thời sự: trên bức tường hướng ra mặt phố ông đã dùng bùn đỏ viết hàng chữ rất lớn “Kösz MAL – bontható” (Cám ơn MAL, có thể dỡ rồi đấy – MAL Zrt. là viết tắt của Tập đoàn Nhôm Hungary), và “Tiszta udvar, rendes ház” (Gọn nhà, sạch phố).

Một nét hóm hỉnh trong hoạn nạn - Ảnh: mạng stop.hu

Một nét hóm hỉnh trong hoạn nạn - Ảnh: mạng stop.hu


Cho đến nay, hàng rào ngôi nhà của Konkoly đã bị dỡ nên không còn thấy cuốn sách giáo khoa “Hóa hữu cơ” dành cho các trường trung học chuyên nghiệp về kỹ thuật mà chủ nhà giăng lên đó như lời cảnh tỉnh về bùn đỏ. Trả lời báo chí, Konkoly cho rằng nếu trong những tình huống khó khăn, con người còn giữ được khiếu hài hước thì sẽ không có vấn đề gì cả.

Từng là quân nhân, đã phục vụ trong quân ngũ tại Bosnia và Iraq trên tư cách thành viên một phái bộ kỹ thuật nên với tôi mọi thứ đều có thể xử lý được. Tôi đã quen với phản ứng nhanh nhạy và không chần chừ khi cần quyết định”, Konkoly József chia sẻ.

Và, trong thực tế, Konkoly cũng đã chứng tỏ bản lĩnh và sự quyết đoán của mình: ông là nạn nhân đầu tiên của bùn đỏ, chưa đầy 2 tuần sau sự cố, trên tư cách cá nhân, đã đệ đơn kiện MAL Zrt.

Trong khi cư dân Kolontár và Devecser còn đang bận tâm với việc ước chừng thiệt hại, các văn phòng luật sư thì chạy ngược xuôi để vận động thân chủ, Konkoly và luật sư của ông đã tận dụng một điều khoản ít được biết đến của luật định để khiến Tòa án TP Budapest buộc MAL Zrt. phải trả tức thì cho nguyên đơn 10 triệu Ft (trong tổng số hơn 19,5 triệu Ft mà Konkoly đòi hỏi).

Đây cũng là một phán quyết mang tính tiền lệ của cơ quan tư pháp Hungary, khi không thông qua việc thẩm vấn các bên và bất kể việc MAL Zrt. có kháng cáo hay không, như một trường hợp đặc biệt, tòa vẫn buộc bị đơn phải bồi thường trước một phần thiệt hại để nguyên đơn có thể đảm bảo những nhu cầu tối thiểu hàng ngày và có nơi ăn ở.

Người cựu binh Konkoly József hy vọng rằng ông sẽ nhanh chóng được nhận khoản tiền bồi thường và nhờ đó, ông có thể chủ động hơn nhiều trong việc tái thiết cuộc sống so với những cư dân thụ động chờ đợi nhà nước cấp nhà mới, hoặc cho đổi nhà ở địa phương khác.

Bất ổn vì tương lai mù mịt

Không thể chịu đựng được sự bất ổn này, hàng tháng sau khi vụ bùn đỏ xảy ra mà chúng tôi vẫn chưa biết mọi thứ sẽ ra sao”, một cư dân làng Kolontár, ông Lehmann Róbert phàn nàn, ngôi nhà ông ở là một trong những bất động sản bị bị bùn đỏ hủy hoại đầu tiên. “Nhà tôi sẽ bị phá, điều đó đã được quyết định, nhưng tôi chưa biết các chuyên viên tư pháp định giá nó như thế nào. Chừng nào chưa biết sẽ được bồi thường bao nhiêu, chừng ấy tôi chưa ký chấp thuận giấy phép dỡ nhà”.

Trong cuộc thỏa thuận đầu tiên, Lehmann và một số đồng hương chọn giải pháp sẽ ở lại làng trong khu dân cư mới do nhà nước xây dựng. Tuy nhiên, họ vẫn chưa biết nơi ở trong tương lai của họ bao giờ được hoàn thành, lớn nhỏ ra sao và ngay các bản vẽ thiết kế họ cũng chưa được xem.

Thời gian đầu sau thảm họa, dường như đa số cư dân sinh sống tại địa bàn tai nạn đều muốn rời nơi đây. Tuy nhiên, đến nay, đa số đã đổi ý định và cho biết, họ sẽ ở lại.

Có thể nhận thấy quá trình này sau mọi thảm họa: với thời gian, chỉ một số ít cư dân thực sự rời nơi mình đang sống. Dầu vậy, trong sự cố bùn đỏ thì tình hình lại khác, vì câu hỏi khu vực bị bùn đỏ tàn phá có thể tiếp tục sống được không sẽ không được giải đáp trong một thời gian dài”, đó là khẳng định của ông Adányi László, lãnh đạo chương trình phòng chống thảm họa của Hội Từ thiện Malta (Hungary).

Cây cầu mới tại làng Kolontár bắc qua con suối vẫn đỏ ngầu vì bùn - Ảnh: Bócsi Krisztián (“Tự do Nhân dân”)

Cây cầu mới tại làng Kolontár bắc qua con suối vẫn đỏ ngầu vì bùn - Ảnh: Bócsi Krisztián (“Tự do Nhân dân”)

Đây cũng là nỗi băn khoăn của những người muốn rời làng: do các nguồn tin không thống nhất, họ không thể biết được rằng xét về dài hạn, bụi bùn đỏ có để lại những hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? Cho dù sau 1 tháng, chừng 10 héc-ta đất ở các khu dân cư thuộc hai làng đã được dọn quang, nhưng cách đó chỉ một đoạn, hàng ngàn héc-ta vẫn chìm trong bùn đỏ.

Tất nhiên, những ai muốn ra đi cũng còn nhiều toan tính khác, như ông Orbán Gábor, một cư dân TP Devecser.

Ngôi nhà vườn 160 m2 của chúng tôi vừa được sửa lại, thế mà nó bị bùn đỏ phá tan tành rồi, đa số động sản của chúng tôi cũng đi toi. Nhà nước có hứa là sẽ xây ở vùng ven thành phố những căn hộ mới 100 m2, trị giá 25 triệu Ft – thế nhưng giá thị trường của những ngôi nhà này là bằng không vì có bán đi cũng chẳng ai mua. Thế thì tốt nhất là chúng tôi đi nơi khác, tại đấy nhà cửa còn giữ giá được”, ông chia sẻ.

Kolontár và Devecser có tồn tại được hay không trong tương lai, điều đó không chỉ phụ thuộc vào bùn đỏ. Một câu hỏi lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trước nay vẫn là nguồn sống của rất nhiều cư dân địa phương, có trụ lại được không sau thảm họa. Ông Marton Zoltán điều hành một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo công ăn việc làm cho 6 người. Lũ bùn đỏ chỉ làm hư hại một ngôi nhà nơi doanh nghiệp của ông hoạt động, phần kho tàng ít bị ảnh hưởng.

Vài ngày sau cơn lũ, ông Marton đã mở lại cửa hàng, nhưng từ ấy đến giờ không hề có người mua, cho dù khu vực nơi ông kinh doanh không bị chặn. Hiện đang bị nguy cơ phá sản đe dọa, ông Marton cho rằng, nếu trong thời gian tới khách hàng không trở lại thì ông sẽ không tránh khỏi sập tiệm.

Chợ bán đồ cũ ở TP Devecser cũng gần như bị khai tử. Hơn 200 gia đình ở đây làm nghề kiếm và bán đồ cũ, khả năng sinh kế của họ giờ đây bị giảm thiểu. Già nửa cư dân trong khu vực bị bùn đỏ tràn qua ở Devecser là người sắc tộc Tzigane, đa phần làm nghề buôn bán đồ cũ. Bùn đỏ đã cuốn đi tất cả nguồn hàng của họ, họ cũng phải bỏ những chuyến sang Áo, Đức mua hàng vì phải lo dọn dẹp bùn đỏ.

Không biết đến bao giờ, cuộc sống bình thường mới trở lại với cư dân “miền đất chết” ấy?

(*) Bài viết đã đăng trên “Sài Gòn Tiếp Thị”.

H. L .

Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2625

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.