“Bắc Kinh không nguôi giận”, là đầu đề của một bài xã luận được tuần báo New York Times bằng tiếng Pháp của Le Figaro, tuyển chọn và tóm lược. Bỏ ngoài tai tất cả, sự hung hăng của Trung Quốc là không có giới hạn. New York Times cho biết : Bắc Kinh đã yêu cầu các nước châu Âu tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình vào ngày 10/12 tới, tại Oslo cho ông Lưu Hiểu Ba, nhà ly khai Trung Quốc, hiện đang bị cầm tù.
Chính quyền Trung Quốc muốn giành được ảnh hưởng và sự kính nể, thông qua con đường đe dọa. Trước hết, Bắc Kinh dọa nạt Ủy ban trao giải Nobel, với thông báo việc trao giải có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy. Tuy nhiên, Ủy ban đã không bị lay chuyển.
Dù sao, Trung Quốc đã gặt hái được một thành công trong trường hợp tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki-moon. Trong cuộc gặp vừa qua với chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Ban Ki-moon đã không đề cập đến việc giải Nobel Hòa bình bị bắt giam. Trong khi đó, chính phủ Pháp cho biết vấn đề nhân quyền đã được nêu ra trong cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước tại Paris. Công chúng không biết trường hợp ông Lưu Hiểu Ba có được đề cập đến trong dịp này hay không, nhưng Paris đã cử đại diện tham dự lễ trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba tại Na Uy.
Một thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng thông báo rằng những người tham gia vào lễ trao giải, “sẽ phải hứng chịu những hậu quả ». Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng giải Nobel Hòa bình là « lá bài chính trị mà Hoa Kỳ và một số nước châu Âu sử dụng, vì họ lo sợ trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc”, nhằm mục tiêu làm Trung Quốc mất ổn định.
Ông Lưu Hiểu Ba, giảng viên đại học 54 tuổi, nhà văn và nhà phê bình xã hội, là người Trung Quốc đầu tiên nhận được giải thưởng cao quý này. Lòng dũng cảm và tài năng mang lại hòa bình của ông thật là hiếm có. Trong cuộc biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989, ông đã thực hiện một đợt tuyệt thực, rồi đứng ra thương thuyết để các sinh viên có thể được phép rút ra khỏi quảng trường, trước một đội quân hàng nghìn binh sĩ có trang bị vũ khí, mà không xảy ra đụng độ nào.
Kể từ đó, bất chấp việc bị bắt bớ thường xuyên, ông đã không chịu im lặng. Việc chính quyền vừa kết án ông Lưu Hiểu Ba 11 năm tù, vì tội danh tuyên truyền lật đổ, là để trừng phạt việc ông đã tham gia soạn thảo bản Hiến chương 08, kêu gọi cải cách dân chủ, và chấm dứt chế độ độc đảng.
New York Times nhận xét: Sự giận dữ của Trung Quốc một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy rõ, giới cầm quyền độc đoán tại Bắc Kinh đã giận quá mất khôn, họ đã bị mất liên hệ với thực tế. Chính vì thế, bài báo kết luận: Xã hội Trung Quốc lại càng cần đến tự do.
T. T.