Khoảng trống trong giám sát Tập đoàn kinh tế

(VEF) – Hầu hết, các Tập đoàn kinh tế độc quyền đều không công bố thông tin với bất kỳ hình thức nào, dù pháp luật yêu cầu.

Khoảng trống của sự minh bạch trong doanh nghiệp Nhà nước đã bộc lộ rõ khi Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương công bố kết quả điều tra về quản trị doanh nghiệp trong doanh nghiệp Nhà nước.

Giám sát của Tập đoàn: vừa không minh bạch, vừa khó khách quan

Ông Trần Tiến Cường, Trưởng Ban cải cách đổi mới doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, hầu hết các DNNN, kể cả các  Tập đoàn kinh tế độc quyền đều chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch thông tin.

Với riêng các DNNN lớn, các Tập đoàn kinh tế độc quyền, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, nhiều đơn vị hoàn toàn không công bố công tin với bất kỳ hình thức nào, đặc biệt là thông tin mà pháp luật buộc phải công bố cho công tác giám sát.

Ví dụ như chính sách quản lý rủi ro của DN, thưởng cho cán bộ chủ chốt, thông tin về giao dịch kinh doanh của thành viên HDDQT, chủ tịch công ty.., về mua bán cổ phần… Và cũng theo xu hướng này, các thông tin cần cho giám sát từ bên ngoài cũng không được các DN này công bố.

Doanh nghiệp Nhà nước hạn chế minh bạch thông tin (ảnh: phạm Huyền)

Doanh nghiệp Nhà nước hạn chế minh bạch thông tin (ảnh: phạm Huyền)

Còn lại với các DNNN nói chung, nhiều lĩnh vực “nhạy cảm”, quan trọng trong hoạt động dường như bị đại đa số các DN này “giữ kín”.

Có thể thấy điều này qua các “tỷ lệ” như chỉ có 27% DN là có công bố thông tin về mua bán cổ phần trong công ty, 28% DN có công bố về các giao dịch hợp đồng, 35% DN công bố thù lao cho thành viên HĐQT, 42% DN công bố thưởng cho thành viên HĐQT và chính sách rủi ro cũng chỉ có 26% DN công bố.

Công cụ giám sát của chủ sở hữu NN tại đây hầu hết là… dựa vào báo cáo. Trong khi, việc báo cáo đầy đủ lại rất hạn chế, chưa kể tính trung thực của báo cáo.

Do đó, việc giám sát nội bộ gần như không hiệu quả mà chỉ trông chờ vào giám sát bên ngoài. Theo nhóm nghiên cứu, tới 29% DN trả lời không bao giờ đánh giá kết quả hoạt động của các GĐ, TGĐ. Và ở các DN có đánh giá thì số các TGĐ, GĐ bị điểm kém là hầu như không đáng kể.

Với nhiều nội dung quan trọng, rất ít DN cho biết chủ sở hữu NN có thực hiện giám sát. Ví dụ như 28,9% chủ sở hữu NN giám sát việc thành lập các công ty con cháu, 21,1% có giám sát tình hình đầu tư vào tài chính, ngân hàng bất động sản, chứng khoán, 28,9% có giám sát về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. 31,6% có giám sát việc kinh doanh ngành ngoài, và các rủi ro.

Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, có thể trong các TĐKT, ban kiểm soát của các DN này đa số là kiêm nhiệm vai trò quản lý, khó khách quan. Chưa đến 30% DN mà ban kiểm soát có giám sát các giao dịch hợp đồng… của DN liên quan tới các thành viên HĐQT.

Cần tách bạch nhiệm vụ công ích trong các Tập đoàn

Ông Trần Tiến Cường phân tích, mục tiêu hiện nay của DNNN, nhất là các Tập đoàn rất đa dạng, không phải chỉ có kinh tế là chủ yếu, còn cả mục tiêu chính trị xã hội, làm nhiệm vụ công ích. Do đó, khi chưa rõ mục tiêu giao cho Tập đoàn kinh tế Nhà nước nên những tiêu chí để giám sát, cũng chưa rõ, chưa đầy đủ. Kết quả của việc giám sát, cụ thể là hiệu quả Tập đoàn kinh tế Nhà nước sẽ lẫn lộn.

Ông cho rằng: “Đó là một nội dung cần cải thiện trong giám sát về DNNN. Ví dụ, DN có thể có hiệu quả, nhưng hiệu quả ấy ngầm chứa trong nhiệm vụ chính trị được giao. Nếu trừ đi phần làm nhiệm cụ công ích đó thì rõ ràng, sẽ thấy được hiệu quả của doanh nghiệp”.

Nhiệm vụ công ích đè nặng lên DN xăng dầu (ảnh: Phạm Huyền)

Nhiệm vụ công ích đè nặng lên DN xăng dầu (ảnh: Phạm Huyền)

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho rằng: “Không nên kỳ vọng một số ngành mà Tập đoàn Kinh tế  Nhà nước được như DN bên ngoài. Ví dụ, VNPT làm viễn thông, đến giờ, viễn thông cố định là lỗ, nhưng VNPT vẫn phải làm, dù là ở vùng sâu, vùng xa, một tháng chỉ vài chục nghìn cước. Nếu DN đơn thuần kinh doanh thì không ông nào làm như thế.

Điều này cho thấy, cần cụ thể hóa nhiệm vụ chính trị xã hội. Khi lượng hóa, rõ ràng DNNN có chỗ không bằng bên ngoài. DNNN của ta là loại hình đặc thù, dù muốn hay không vẫn phải chấp nhận, ông Tuấn Anh nói.

Mập mờ ông chủ sở hữu, khó qui trách nhiệm

Đặc biệt một vấn đề quan trọng nổi lên là quan hệ giữa chủ sở hữu và DN trong các DN đặc thù này.

Ông Trần Tiến Cường cho biết, 23% DN cho biết vai trò quản lý NN và quản lý chủ sở hữu NN vẫn chưa được tách bạch.  Tới 21% DN cho biết chủ sở hữu NN hành xử… giống cơ quan hành chính hơn là một nhà đầu tư kinh doanh. Tới 6% DN vốn 100% Nhà nước còn cho rằng, chủ sở hữu Nhà nước đã buông lỏng quản lý.

Chính vì thế, vốn NN được giao cho các Tổng công ty, Tập đoàn, là các tổ chức kinh tế thuần túy, nhưng chưa được coi là vốn sở hữu của tổ chức này mà chỉ là vốn NN chung chung, vì thế, rất khó xác định chủ sở hữu thực sự. Đặc biệt là khi DNNN này “xảy ra chuyện”.

Ông Nguyễn Trọng Hiệu, Cục phó Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kê hoạch đầu tư, đánh giá cao nghiên cứu này và cho biết, cơ chế hiện nay đang thiếu một đầu mối, cơ quan giám sát tổng hợp các vấn đề tập đoàn. Thực tế khi  xảy ra Vianashin, cơ quan Bộ cũng cảm thấy kiểm soát khó tìm hết cả sở KHĐT, các cơ quan mà không nắm được hiện Vinashin  thực chất có bao nhiêu công ty con cháu? Con số 200 công ty là chỉ là có đăng ký kinh doanh.

Ông Trần Xuân Lịch, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bày tỏ, đối với DNNN, tùy số lượng còn không nhiều nhưng lại nắm một nguồn lực rất lớn của quốc gia. Điều đáng lo là rốt cục, chủ sở hữu lại không rõ ràng.

“Sau vụ Vinasshin, ai cũng bảo tôi có trách nhiệm nhưng rốt cục không rõ là ai. Vấn đề cốt lõi của DNNN ta chưa làm rõ, mặc dù cải  cách nhiều. Nghiên cứu điều tra này đặt ra lời ngỏ cho một đề án vần tiêp tục nghiên cứu  là tách vai trò chủ sở hữu NN ra khỏi hoạt động kinh doanh của DN”, ông Lịch nói.

Viện phó này cũng nhấn mạnh, “xác định rõ chủ sở hữu, có một ông chủ đích thực rồi thì khi DN hoạt động trục trặc thì ông ấy phải chịu trách nhiệm, phải biết được. Điều này cần phải giải quyết vấn đề đó sau 1-2 năm tới.”

Tuy nhiên, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Đổi mới Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ chia sẻ, Nhà nước cần có cơ chế khác, để có thể thay thế cán bộ tốt hơn phát huy năng lực của người tài. Vì hiện, cán bộ ở DNNN, Tập đoàn vẫn dùng theo cơ chế như công chức Nhà nước, chỉ thay thế khi hết tuổi về hưu, hoặc có sai phạm nghiệm trọng. Trong khi đó, nếu xuất hiện một nhân tố làm tốt hơn thì không có cách nào thay thế cán bộ cả.

Tới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương sẽ công bố chính thức kế quả điều tra trên với mong muốn, sẽ chấm dứt tình trạng loay hoay quản lý Tập đoàn hiện nay mà sẽ có những đột phá trong giám sát Tập đoàn, DNNN nói chung.

P. H.

Nguồn: http://vef.vn/2010-11-13-khoang-trong-trong-giam-sat-tap-doan-kinh-te

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.