Tuy nhiên, nếu xem xét thật kỹ lưỡng các tác phẩm của ông để lại, chúng ta có thể tìm thấy những nét phác họa của một cương lĩnh chính trị được ẩn giấu trong bản thảo của một bài thơ.
Bài thơ dài 500 câu có tên là “Tỉnh quốc hồn ca II”, được sáng tác vào khoảng năm 1922, nhưng mãi đến đầu thập niên 1980 mới được công bố.[2] Ở phần cuối của bài thơ, có một đoạn được đặt trong dấu ngoặc kép gồm 16 câu thơ, qua đó tác giả vạch ra một “dự án chính trị” hoàn toàn gắn kết một cách logic với những điều ông đã trình bày qua nhiều tác phẩm văn thơ hay bài phát biểu khác.[3] Bằng cách đối chiếu ngôn ngữ của Phan Châu Trinh với những khái niệm chính trị của ngày nay, tôi sẽ cố gắng giải mã bản cương lĩnh chính trị vắn tắt ấy, nhằm làm sáng tỏ mục tiêu, phương hướng chính trị mà nhà dân chủ hàng đầu của nước ta đã vạch ra vào đầu thế kỷ 20 – dựa trên kinh nghiệm của bản thân và thực tế của nền dân chủ Pháp.
Có thể điểm qua những nét lớn của dự án chính trị ấy như sau:
Mục tiêu trước mắt là đòi tự trị:
“Chánh tự trị bắt đầu hứa trước,
Định hạn kỳ phỏng ước mấy năm.
Chủ trương đã có chỉ nam,
Trăm điều tự khỏi lỗi lầm sai ngoa.
Để có thể hiểu “chánh tự trị” là gì, chúng ta phải đọc lại một tác phẩm có tên là Pháp-Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp-Việt đã liên hiệp, có thể gọi tắt là Tân Việt Nam). Đây là một bản thảo chưa hoàn tất được sáng tác trong quãng thời gian 1910-1911 nhưng chưa hề được công bố trước thập niên 1990. Một trong những lý do khiến Phan Châu Trinh không hoàn tất và công bố tác phẩm này có thể là do tác giả không muốn làm sứt mẻ uy tín của nhà yêu nước Phan Bội Châu – biểu tượng của cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam vào thời đó.
Trong tác phẩm này, Phan Châu Trinh viết: “Nay đem trong cả nước giả chia làm hai đảng: một là đảng cách mệnh, hai là đảng tự trị. Người phát khởi đảng cách mệnh là Phan Bội Châu, người phát khởi đảng tự trị là Phan Châu Trinh.”[4] Ở một chỗ khác, ông viết: “Nay thử đem trong nước giả chia làm hai đảng: một là đảng chủ trương chủ nghĩa bài Pháp độc lập, hai là đảng chủ trương chủ nghĩa cậy Pháp tự trị; nhưng tóm lại lúc bấy giờ thật chưa thành hình thức đảng phái.”[5]
Căn cứ vào các đoạn văn trên, chúng ta thấy rõ điểm khác biệt căn bản về mục tiêu chính trị và phương pháp đấu tranh giữa hai nhà yêu nước lớn của nước ta hồi đầu thế kỷ 20. Trong khi Phan Bội Châu chủ trương “bài Pháp” (đuổi Pháp) để giành độc lập thì Phan Châu Trinh lại chủ trương “ỷ Pháp” (dựa vào Pháp) để đòi tự trị. Nói cách khác, Phan Bội Châu coi giành độc lập, đánh đuổi thực dân Pháp là mục tiêu tiên quyết, phải giải quyết rốt ráo mục tiêu này trước khi giải quyết các vấn đề khác; còn Phan Châu Trinh lại chủ trương giành độc lập bằng hai giai đoạn: trước tiên đòi thiết lập chế độ tự trị, giai đoạn sau mới tính đến việc giành độc lập hoàn toàn. Có thể tóm tắt chủ trương của Phan Châu Trinh là “ỷ Pháp cầu tự trị” (dựa vào Pháp để đòi tự trị).
Thiết lập chế độ đại nghị:
Đòi tự trị đồng nghĩa với việc đòi quyền điều hành việc nước. Vấn đề cốt lõi của quy chế tự trị là thiết lập một chế độ đại nghị mà thiết chế trung tâm là một Nghị viện:
Có Viện thay mặt quốc dân,
Có quan trách nhậm đại thần phụng công.
“Viện thay mặt quốc dân” chính là Nghị viện hay Quốc hội do nhân dân bầu ra. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất trong một quốc gia theo chế độ đại nghị (parliamentary system, régime parlementaire).
Nhưng nói “quan trách nhậm đại thần” (quan trách nhiệm đại thần) là có ý nghĩa gì?
Trong lá thư ngỏ gửi Vua Khải Định ngày 14.7.1922 (“Thư thất điều”), có một đoạn văn có thể giúp ta hiểu thêm về điểm này. Giải thích về vai trò của các ông vua trong các chế độ quân chủ lập hiến hoặc Tổng thống (Giám quốc) trong các chế độ cộng hòa ở châu Âu thời đó, Phan Châu Trinh viết:
“Còn theo các học thuyết Âu châu mà nói, sao gọi là nước? là hiệp dân lại mà thành nước; sao gọi là triều đình? là những người được uỷ quyền cho, phải thuận theo ý muốn của dân mà làm những việc lợi dân ích quốc.
Ông vua hay là ông Giám quốc, chẳng qua là người thay mặt cho một nước, cũng như một người tổng lý thay mặt cho một hiệu công ty mà thôi.
Ai đã chịu cái trách nhậm (trách nhiệm) ấy, đã được hưởng cái lợi quyền, thì phải làm cho hết cái bổn phận mình đối với dân, đối với nước; nếu không thế, thì cũng phải bị phạt, bị tội như mọi người vậy.
Ấy, tự do, bình đẳng là nghĩa thế, mà các nước văn minh thì nay phải đặt quan Nội các tổng trưởng (tức là Tể tướng) để thay quyền vua hay Giám quốc để chịu lỗi với dân là thế.”[6]
Qua đoạn văn này, ta có thể hiểu: ở các nước Âu châu thời đó, Vua hay Giám quốc (tức Tổng thống) tuy là nguyên thủ quốc gia, nhưng chỉ giữ vai trò tượng trưng cho chủ quyền quốc gia, chứ không có quyền hành lớn như Tổng thống ở Hoa Kỳ. Để giữ cho Vua hay Tổng thống khỏi dính líu đến công việc điều hành cụ thể và như thế có thể dễ dàng phạm sai lầm và bị bãi chức, người ta giao việc điều hành Chính phủ cho một người khác, nhằm “thay quyền vua hay Giám quốc để chịu lỗi với dân”. Nhân vật đó chính là “quan Nội các tổng trưởng”, tức là Thủ tướng.[7] Trong câu thơ nói trên, “quan trách nhiệm đại thần” chính là để chỉ chức vụ Thủ tướng.
Từ điển Đào Duy Anh giải thích “phụng công” là “chuyên lấy việc công làm trọng”. Hai câu thơ trên hàm ý: Nghị viện hay Quốc hội (Viện) thay mặt nhân dân cả nước (quốc dân), còn Thủ tướng (quan trách nhiệm đại thần) là người chịu trách nhiệm trước Nghị viện, và cho dù là người thuộc đảng phái nào, khi được cử nắm trọng trách đứng đầu cơ quan hành pháp, người này cũng phải lấy cái chung làm trọng (phụng công), không thể chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của cá nhân, dòng họ, phe phái hay đảng chính trị của mình.
Mô hình của một chính phủ dân chủ trong đó Thủ tướng (người đứng đầu bộ máy hành pháp) do Nghị viện bầu ra và chịu trách nhiệm trước Nghị viện chính là mô hình được gọi tên là chính phủ chịu trách nhiệm (responsible government): chính phủ phải được sự tín nhiệm của Nghị viện và chịu trách nhiệm trước Nghị viện. Trong trường hợp bị Nghị viện bất tín nhiệm thông qua một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm (vote of non-confidence) hoặc Thủ tướng không giành được đủ số phiếu trong một cuộc biểu quyết tín nhiệm (vote of confidence), chỉ có hai giải pháp: hoặc Thủ tướng từ chức, hoặc Thủ tướng giải tán Nghị viện để tiến hành bầu lại một Nghị viện khác.
Mô hình đó chính là thể chế chính trị của nước Anh quân chủ lập hiến, và cũng là thế chế chính trị của nước Pháp dưới thời Đệ tam Cộng hòa (Troisième République) – thời mà Phan Châu Trinh sống lưu vong tại Pháp. Vào thời đó, Tổng thống Pháp do Nghị viện bầu (chứ không phải do toàn dân bầu) và không trực tiếp tham gia vào bộ máy hành pháp như dưới thời Đệ ngũ Cộng hòa (Cinquième République).[8]
Xây dựng chế độ pháp trị:
Phan Châu Trinh chủ trương áp dụng luật của nước Pháp thay cho luật pháp cũ (mô phỏng theo luật pháp của Trung Quốc) :
Pháp luật dựa Lang sa làm chủ,
Lợi quyền cùng nghĩa vụ cho cân.
Tại sao pháp luật phải dựa vào Lang sa (tức nước Pháp)?[9] Trong bản kiến nghị đề ngày 4.6.1911 nói “về các điều luật và về việc thành lập toà án bổ sung”, ông viết: “Ở Đông Dương, cái tổn hại tồi tệ nhất là ở chỗ quyền hành chính và quyền tư pháp ở trong cùng một tay; vì vậy dù quan có làm hại dân, dân cũng không dám nói gì; nếu có ai dám chống lại thì tội vạ sẽ đến ngay: nhẹ thì phạt tiền hoặc khổ sai, nặng thì bị đi đày hay bị chém; đó là nguyên do sự ta thán của dân.” Do đó, ông đề nghị: “cho cải tổ lại luật pháp, lập các toà án bổ sung và phân quyền: các quan chức ngạch hành chính lo việc cai trị, quan chức ngạch tư pháp coi xử việc pháp luật. Làm như vậy, những thiệt hại mà dân chúng phải gánh chịu sẽ ngày càng bớt đi.”[10].
Trong bài trả lời phỏng vấn dành cho nhà báo E. Dejean de la Bâtie vào hạ tuần tháng 6 năm 1925, so sánh luật pháp của nước Pháp với luật pháp của Nam triều (nhà Nguyễn), ông nhận xét như sau: “Luật pháp của Pháp cho tất cả mọi người, bởi vì với nó, người ta biết phải làm gì. Nó giống như một đường xe lửa, chỉ cần đi tránh ra ngoài đường ray thì sẽ khỏi bị tàu cán phải. Nhưng ở Trung Kỳ thì chính quyền Pháp nấp đằng sau một thứ chính quyền An Nam giả hiệu. Nó hành động không trách nhiệm. Tôi lấy lại ví dụ của tôi: thay vì một đường sắt, thì người ta đã cho chúng ta một chiếc ô tô, có thể không cần biết luật lệ đi đường, đuổi theo và cán chết chúng ta tuỳ thích.”[11]
Như vậy, sở dĩ ông muốn dựa vào luật pháp của nước Pháp để xây dựng luật pháp của nước ta là nhằm để xác định một cách cân phân giữa nghĩa vụ và quyền lợi, tạo ra một hành lang pháp lý minh bạch, khiến cho người dân yên tâm, không còn phải chịu đựng một thứ luật pháp co giãn một cách tùy tiện, tùy hứng và tùy ý thích của những kẻ nắm quyền lực.
Trong một bài nói chuyện tại Sài Gòn vào năm 1925, Phan Châu Trinh đã công khai tán dương chế độ pháp trị – mà ông gọi là dân trị, và nói rõ sự khác biệt giữa pháp trị với nhân trị như sau:
“Nhân trị nghĩa là cái phép luật (pháp luật) thi hành rộng rãi hay là nghiêm nhặt tuỳ theo cái lòng vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, còn phép luật (pháp luật) tuy có cũng như không.”[12] Trong khi đó: “dân trị tức là pháp trị. Quyền hạn và bổn phận của mỗi người trong nước, bất kỳ người làm việc nhà nước hay là người thường, đều có pháp luật chỉ định rõ ràng, không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi, tự do muốn bước tới bao nhiêu cũng được, không ai ngăn trở cả. Chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền hạn của người khác thì không được mà thôi.” [13]
Nói tóm lại, chủ trương của Phan Châu Trinh là xây dựng một chế độ pháp trị, cai trị dựa trên luật pháp minh bạch chứ không dựa trên ý chí tùy tiện của cá nhân, phe nhóm hay đảng phái chính trị nào.
Thực hiện các quyền tự do căn bản:
Mục đích của chế độ tự trị là để nhân dân được làm chủ về mặt chính trị (được vào vòng chánh trị), tức là thực hiện các quyền tự do của công dân, trong đó đáng chú ý nhất là ba quyền tự do căn bản: tự do hội họp và lập hội (hội hè), tự do tư tưởng (suy nghĩ), tự do ngôn luận và báo chí (nói năng):
Để ta được vào vòng chánh trị,
Từ hội hè, suy nghĩ, nói năng.
Nói cách khác, song song với việc quyền lực chính trị được trao lại cho dân (nhân dân trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực cao nhất) là một quá trình hình thành một xã hội dân sự trong đó người dân được thực thi các quyền tự do căn bản nhất – những quyền tự do làm đầu mối dẫn đến tất cả các quyền tự do khác, mà ngày nay ta thường gọi chung là quyền con người (nhân quyền). Trong tư duy chính trị của Phan Châu Trinh, chúng ta thấy dân chủ luôn gắn liền với tự do, không hề có chút manh mối nào của thứ tư duy ngụy biện một mặt thì nói đến dân chủ nhưng mặt khác lại cố phủ nhận các giá trị chung của nhân quyền.
Từ chế độ quân chủ đi đến chế độ dân chủ là cả một bước nhảy vọt về chất, là một sự thay đổi đối với tập quán đã ăn sâu cả ngàn năm, là đi từ thân phận nô lệ của thần dân đến địa vị của công dân – người làm chủ xã hội. Cho nên dân ta phải đi từng bước, tiệm tiến và phải nhờ đến kinh nghiệm dân chủ của nước Pháp:
Cũng nên hạn chế có ngằn,
Dắt tay ta để lần lần cho theo.
Vào thời điểm Phan Châu Trinh viết những dòng thơ này (năm 1922), hầu hết các nước châu Á – kể cả Nhật Bản, vẫn chưa có được một nền dân chủ đúng nghĩa, và ngay cả ở các nước Âu-Mỹ, chế độ dân chủ cũng chưa phát triển thành thục và xác lập được vị trí vững chắc như ngày nay. Trong khi đó, hầu hết các lãnh tụ chính trị và các nhà tư tưởng của các quốc gia Á, Phi, Mỹ la-tinh lại chỉ chú ý đến chủ nghĩa dân tộc, cao lắm cũng chỉ nói đến chế độ dân chủ, rất ít người thật sự quan tâm đến các quyền tự do căn bản của người dân. Điều đáng ngạc nhiên là nhà yêu nước đất Quảng Nam mặc dù xuất thân là một nhà Nho, lại có thể tiếp thu một cách sâu sắc chủ nghĩa tự do (liberalism, libéralisme), không chỉ nhấn mạnh đến thể chế dân chủ (Nghị viện đại diện cho dân, Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Nghị viện), lại còn quan tâm đến các quyền tự do căn bản của người dân. Nhưng nếu nhìn lại toàn bộ quá trình hoạt động và phương pháp đấu tranh của ông (khai dân trí, chấn dân khí, tổ chức các hiệp hội, vận động quần chúng đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động), thì chúng ta thấy điều này hoàn toàn hợp logic.
Mặc dù không phải là một nhà lý luận chính trị, không có điều kiện nghiên cứu sâu về các khái niệm chính trị học, nhưng qua hoạt động thực tiễn, Phan Châu Trinh đã tìm ra một đường lối xây dựng dân chủ từ bên dưới, xây dựng cái mà ngày nay chúng ta gọi là xã hội dân sự, để từng bước nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là chuyển quyền làm chủ chính trị từ nhà vua sang tay nhân dân.
Xã hội dân sự chính là nền tảng vững chắc của một chế độ đại nghị; ngược lại thiết lập chế độ đại nghị chính là tạo ra những thiết chế dân chủ nhằm bảo đảm một cách đầy đủ các quyền tự do căn bản của nhân dân. Dân chủ gắn liền với mở rộng tự do và mở rộng tự do là để củng cố chế độ dân chủ. Đó chính là điều kiện bảo đảm cho một nền dân chủ có thực chất, không chỉ là dân chủ hình thức và không chỉ thu hẹp trong phạm vi của một thiểu số có đặc quyền, đặc lợi.
Về thời hạn thực hiện chế độ tự trị
Theo Phan Châu Trinh, không cần đòi hỏi nhanh hay chậm, mục tiêu chính là để người dân nước ta có thể tập dần dân chủ cho đến khi đạt được chế độ dân chủ thật sự, thay thế chế độ quân chủ bằng chế độ dân chủ:
Niên hạn chẳng kì kèo lâu chóng,
Cốt cho ta hiệu phỏng tinh thần.
Quyền vua đổi lấy quyền dân,
Chánh cang trước phải vài phần khai minh.
Việc mô phỏng (hiệu phỏng) tinh thần dân chủ của nước Pháp là nhằm đạt được sự thay đổi về quyền lực tối cao: quyền tối cao từ chỗ thuộc về nhà vua hay hoàng tộc sẽ chuyển sang tay nhân dân. Và để đạt cho được mục đích này, trước tiên cần phải làm sáng tỏ (khai minh) vài phần của chính cương (chánh cang). Theo Từ điển Đào Duy Anh, “chính cương” là “mối giềng về chính trị”. Đó là một từ thường được dùng ở nước ta vào thời đó, tương đương với cụm từ programme politique trong tiếng Pháp hay political platform trong tiếng Anh, thường được dịch là cương lĩnh chính trị.
Điều đáng lưu ý là trong bản cương lĩnh chính trị này, Phan Châu Trinh vẫn không đặt vấn đề vai trò của nguyên thủ quốc gia (nhà vua hay Tổng thống).
Có thể giải thích bằng hai giả thuyết:
Một là: Phan Châu Trinh vẫn mở ngỏ cho con đường quân chủ lập hiến: nếu vương triều nhà Nguyễn đồng ý đi theo con đường lập hiến thì Vua sẽ đóng vai trò nguyên thủ quốc gia. Nhà vua lập hiến hay Tổng thống theo kiểu nước Pháp thời đó tuy là nguyên thủ quốc gia nhưng vẫn chỉ giữ vai trò tượng trưng, quyền hành rất hạn chế; quyền lập pháp phải được giao cho Nghị viện, và quyền hành pháp được giao cho một Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
Giả thuyết thứ hai liên quan đến đề nghị tiếp theo của ông về một liên minh chính trị mà ông gọi là Liên hiệp Pháp-Việt. Trong khuôn khổ của một chế độ tự trị (dominion), nguyên thủ quốc gia có thể chính là nguyên thủ của chính quốc – tức là Tổng thống Pháp, như trường hợp Vua hay Nữ hoàng Anh đóng vai trò nguyên thủ quốc gia của một số nước như Canada, Úc hay New Zealand, v.v…
Xây dựng liên minh chính trị giữa hai nước Pháp và Việt Nam:
Phan Châu Trinh có ý định thay mặt cho nhân dân Việt Nam để đề nghị với nước Pháp dự án chính trị này. Do đó, ở phần trước của đoạn thơ 16 câu nói trên[14], ông thay mặt cho nhân dân Việt Nam bày tỏ đề nghị với nhân dân Pháp:
Nay trộm phép tỏ tình đại biểu,
Cả tiếng kêu mấy triệu Lang sa;
Hỡi xin mở lượng hải hà,
Ra tay tế độ con nhà An nam.
Nhưng để thực hiện đúng theo trình tự pháp lý, dự án chính trị này phải được chính thức thông qua hai “sam”[15] (tức hai Viện của Nghị viện Pháp) và chuyển lên cho Giám quốc (Tổng thống Pháp) phê chuẩn:
Xin trên dưới hai “sam” hiệp mặt,
Định phương châm cho chắc một bề.
Dâng lên Giám quốc thủ phê,
Hỡi xin kể thử vấn đề như sau:
Có thể coi bản cương lĩnh này là một dự án chính trị mà ông định đề nghị với nhân dân và Nhà nước Pháp. Tất nhiên, để có thể trở thành một dự án có khả năng thực thi, ông phải tìm cách truyền bá trong nhân dân để được mọi người chấp nhận, và nhất là phải thuyết phục được phái bạo động – mà người đứng đầu là Phan Bội Châu.
Theo tác giả của dự án chính trị, nếu Nhà nước Pháp chấp nhận dự án này thì phía Việt Nam sẵn sàng chấp nhận một Liên hiệp Pháp-Việt, trong đó Việt Nam coi nước Pháp là “thầy” và Liên hiệp này sẽ là một liên hiệp bền vững giữa hai quốc gia Á và Âu:
Được như thế thỏa tình ao ước,
Nghĩa thầy trò sau trước yếm âu.
Lợi quyền chung chạ dài lâu,
Trắng vàng một họ, Á Âu một nhà.[16]
Như Phan Châu Trinh đã nhấn mạnh trong một lá thư gửi cho một du học sinh, khái niệm “thầy-trò” mà ông sử dụng có nghĩa là thầy dạy và học trò, hoàn toàn không có nghĩa là “thầy-tớ” (chủ-tớ). Ông hoàn toàn không chấp nhận quan hệ chủ-nô. Trong khi coi nước Pháp là quốc gia dân chủ đi trước cần học hỏi kinh nghiệm, ông hoàn toàn bác bỏ chế độ thực dân coi thuộc địa như một thân phận nô lệ.
Một liên hiệp chính trị như vậy sẽ giúp cho cả hai nước vượt qua được hận thù trong quá khứ để xây dựng hòa bình:
Một tung hô Lang sa vạn tuế,
Hai tung hô vạn tuế Việt nam.
Sao cho hai nước đồng tâm,
Bỏ ca trường hận chép ngâm thái bình.
Sở dĩ Phan Châu Trinh tin vào con đường này là vì ông tin vào chế độ dân chủ ở Pháp, vào những người Pháp có tư tưởng cởi mở ở Đông Dương và ngay tại chính quốc, chứ ông không tin vào “giặc Pháp” (tức thực dân Pháp, colonialistes) như một số người thường xuyên tạc. Trong thâm tâm, ông vẫn tin tưởng vào phong trào cánh tả ở Pháp – chủ yếu là cánh tả ôn hòa, mà tiêu biểu là Đảng Cấp tiến (Parti radical) và nhất là Đảng S.F.I.O. – tiền thân của Đảng Xã hội (Parti socialiste) ngày nay.
Mặc dù là một nhà nho, là người dân của một nước bị đô hộ, Phan Châu Trinh không hề có tư tưởng bài ngoại. Ông phân biệt rất rõ: nhân dân Pháp tại chính quốc hoàn toàn khác với thực dân Pháp mà người ta thường thấy ở thuộc địa:
Nghĩa đồng bào, tự do bác ái,
Lòng Lang sa rộng rãi biết bao;
Các anh thuộc địa lòng nào?
Làm hùm làm hổ khác nhau lạ lùng![17]
Lòng tin đó không chỉ là kết quả suy ra từ lý luận, mà còn là bài học được rút ra từ thực tế. Chính là nhờ những người Pháp có đầu óc cấp tiến tại Đông Dương như ký giả Babut, đại úy Roux, hoặc các chính khách cánh tả tại Pháp như Francis Pressensé, Marius Moutet, v.v… mà ông đã hai lần thoát khỏi cảnh tù ngục. Lòng tin đó hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của một nhà hoạt động chính trị đã từng bị tù tội chứ không phải chỉ là lòng tin ngây thơ hay xốc nổi.
Như thế, ta thấy Liên hiệp Pháp-Việt mà Phan Châu Trinh đề ra là một giải pháp “giành độc lập bằng con đường bất bạo động”, một giải pháp đấu tranh chính trị dựa vào sức dân là chính, chứ không phải là đường lối xin xỏ dân chủ, cầu xin độc lập hay “xin giặc Pháp rủ lòng thương”, như nhận định sai lầm và xuyên tạc của một số người có ác ý.
*
* *
Mặc dù bản cương lĩnh chính trị này đã bị bỏ quên trong một thời gian dài, nhưng ngày nay khi đọc lại, chúng ta không khỏi ngạc nhiên vì tính chất thời sự của nó. Tạm gác vấn đề “Liên hiệp Pháp – Việt” để dành lại cho một dịp khác, trong bài viết này tôi tập trung chủ yếu vào những mục tiêu thuộc lĩnh vực “nội trị”. Đối chiếu với tình hình thực tế hiện nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy một điều: mặc dù đã bước sang thế kỷ 21, chưa có mục tiêu nào trở thành hiện thực trên đất nước của chúng ta.
Chỉ nói riêng về ba quyền tự do căn bản (tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội), cho đến nay Đảng Cộng sản vẫn bằng cách này hay cách khác tìm cách hạn chế đến mức tối đa, không cho phép người dân thực thi. Mặc dù về mặt hình thức, Việt Nam đã có Quốc hội và Thủ tướng, nhưng Quốc hội không do dân bầu ra mà do Đảng cử trước, dân bầu sau. Trong thực tế, người dân chỉ được bầu phiếu tín nhiệm hay chọn lựa trong số những người mà Đảng đã chọn lựa trước – thông qua một hình thức phản dân chủ được mệnh danh là hiệp thương. Quá trình hiệp thương này được điều hành bởi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc – một tổ chức không do dân bầu ra nhưng lại được trao quyền chọn lựa, sàng lọc danh sách ứng cử viên. Kết quả của quá trình đó là một Quốc hội không đại diện cho dân mà chỉ nhân danh nhân dân để đại diện cho Đảng. Thủ tướng đáng lẽ là người do Quốc hội bầu ra và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trong thực tế lại do Đảng cử ra và chịu trách nhiệm trước Đảng.
Bộ Chính trị – cơ quan quyền lực cao nhất trong nước, hành xử hoàn toàn ngoài phạm vi của pháp luật, bởi lẽ cho đến nay không có bộ luật nào tại Việt Nam quy định quyền hạn, trách nhiệm của Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Và cũng vì thế, không một người dân nào, không một tổ chức chính trị hay xã hội nào có quyền kiện Bộ Chính trị.
Quyền uy của Bộ Chính trị chẳng khác nào quyền uy của một Thiên tử dựa trên Thiên Mệnh (Mạng Trời), nhân dân không được quyền bàn đến. Điều trớ trêu là mỗi khi bị chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng hay Phó Thủ tướng chỉ cần nêu lý do “đây là đường lối của Đảng, là chủ trương của Bộ Chính trị”, lập tức tất cả các đại biểu Quốc hội đều im tiếng, chẳng khác nào các quan lại của thời Trung cổ phải chắp tay bái lạy trước phán quyết sau cùng của đấng quân vương – cho dù đó là phán quyết tùy tiện, bốc đồng.
Gần đây, một số cán bộ hưu trí (trong đó có ông cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc) do bức xúc trước tình hình các cấp lãnh đạo của Đảng chà đạp lên luật pháp, đã đề xuất việc hình thành luật về Đảng. Mặc dù những người đề xuất giải pháp này tỏ ra có thiện chí, nhưng xem ra về phía người dân, không mấy ai tin tưởng vào tính khả thi và hiệu quả của nó. Thử hỏi cơ quan nào sẽ soạn luật về Đảng và sau đó, cơ quan nào có đủ khả năng kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm? Do đó, có thể coi đây là một sáng kiến mang tính lãng mạn và không tưởng. Ý nghĩa của giải pháp này thực ra là “Đảng tự đặt ra luật cho chính mình, tự kiểm tra và tự xử lý chính mình”. Và cũng tựa như lời thề trước Trời Đất của các đấng “thiên tử” đời xưa, một khi họ nuốt lời, người dân chẳng còn cách nào khác hơn là ngửa mặt lên trời mà thốt lên hai tiếng: “Trời ơi!”.
Có thể nói sau khi đã lật đổ chế độ quân chủ của nhà Nguyễn, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lén lút tái lập một cơ quan quyền lực tương tự như Hội đồng Cơ mật (Privy Council) của thời quân chủ – một cơ quan quyền lực không do dân bầu ra và hoạt động hoàn toàn bí mật, vượt khỏi tầm kiểm soát của nhân dân. Chính cơ quan này (Bộ Chính trị) đã vô hiệu hóa cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất (tức là Quốc hội) và đôi khi biến Thủ tướng và Chính phủ trở thành hữu danh vô thực. Trong tình hình “người có trách nhiệm lại không có quyền, người có quyền lại không có trách nhiệm” thì nói đến “Nhà nước pháp quyền” chẳng qua cũng chỉ là dùng lời lẽ đường mật để lừa gạt một đứa trẻ con. Hiến pháp hay luật pháp còn có ý nghĩa gì khi một số người nắm quyền lực trong thực tế lại lọt ra ngoài vòng luật pháp, đứng trên pháp luật?
Điều đáng nói là toàn bộ nội dung của cương lĩnh chính trị mà Phan Châu Trinh trình bày qua 16 câu thơ nói trên mặc dù đã được viết cách đây gần một thế kỷ, nhưng nội dung của nó không hề lỗi thời mà ngược lại, có thể được coi là quá mới mẻ, quá táo bạo đối với phần lớn các nước Á, Phi và Mỹ Latinh hiện nay. Lý do căn bản là sự trỗi dậy của phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc trong suốt thế kỷ 20 đã dẫn đến kết quả hầu hết các nước thuộc địa và lệ thuộc đều được giải phóng, nhưng độc lập dân tộc đã không đem lại tự do cho mỗi công dân và cũng không đem lại được những chế độ dân chủ đích thực. Tại các quốc gia mới hình thành, sự phấn khởi tự hào do nền độc lập đem lại đã nhanh chóng tan biến dưới các chế độ độc tài bị che đậy bằng nhiều thủ đoạn cưỡng bức và đàn áp tinh vi. Các toàn quyền, thống đốc da trắng ra đi nhường chỗ cho các “toàn quyền, thống đốc người bản địa” luôn miệng nói dân chủ nhưng quyết tâm giành lấy địa vị ăn trên ngồi trốc, nhân danh dân tộc và dựa vào thành tích chống thực dân như một lý lẽ biện minh cho việc họ có độc quyền nắm quyền lực chính trị, chẳng khác gì các triều đại quân chủ ngày xưa căn cứ vào Mạng Trời hay công lao dựng nước, giữ nước để giành quyền thừa kế cho dòng họ, con cháu của mình. Thuyết Thiên Mệnh và các nghi thức cổ truyền bị phá bỏ để nhường chỗ cho những nghi thức mới hiện đại hơn, nhưng bản chất độc tài, chuyên chế thì không có gì thay đổi, thậm chí trên một số mặt còn tệ hại hơn so với các chế độ quân chủ truyền thống.
Chính trong hoàn cảnh đó, bản Cương lĩnh chính trị của Phan Châu Trinh trở thành bài học sống động đối với những người còn ưu tư với vận mệnh của đất nước. Hơn bao giờ hết, chúng ta nhận thức được tính cấp bách của công cuộc duy tân cần phải tiến hành trong những thập niên đầu thế kỷ 21 này. Công cuộc duy tân đó phải bắt đầu bằng việc cải cách hệ thống chính trị theo hướng dân chủ tự do, bởi vì Nhà nước và hệ thống chính trị hiện nay chính là khâu yếu nhất, là sản phẩm lạc hậu, cổ hủ mà Đảng Cộng sản đã áp đặt lên xã hội ta, làm trì trệ sự phát triển về mọi mặt. Không thay đổi được hệ thống chính trị đó thì cho dù có áp dụng những biện pháp khoa học – kỹ thuật tiên tiến, những phương pháp quản lý kinh tế hiện đại, đất nước ta cũng không có hy vọng cất cánh hay hóa rồng được. Không thay đổi được hệ thống chính trị đó thì tất cả những chỉ tiêu phát triển cho dù có giành được cũng chỉ nhằm phục vụ cho một thiểu số tham nhũng, thối nát, ăn bám, chứ không phải nhằm để phục vụ cho quảng đại quần chúng nhân dân. Nói cách khác, một nước Cộng hòa cho dù có độc lập nhưng không có tự do thì nhân dân không thể có hạnh phúc. Và hơn thế nữa, như thực tế của những thập niên vừa qua đã chứng minh: không có tự do, dân chủ thì khả năng bảo vệ độc lập, bảo vệ chủ quyền của quốc gia cũng trở nên mong manh, yếu ớt.
Suy cho cùng, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí là để đạt đến tự do, dân chủ. Chỉ có chế độ dân chủ mới đem lại cho dân tộc ta cái chìa khóa để bước vào thời đại mới một cách vững vàng. Chỉ có chế độ dân chủ mới có thể huy động được một cách trọn vẹn tài trí và sức lực của nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền dân tộc và tiến hành thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Việt Nam vào hàng ngũ các quốc gia văn minh trên thế giới.
Đà Lạt, 14.7.2010 – 25.10.2010
MAI THÁI LĨNH
Tài liệu tham khảo chính:
– TS Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, bản in lần thứ hai, Nxb Văn hóa – Thông tin, 2006, 1262 trang.
– Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập 1, Nxb Đà Nẵng, 2001.
– Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập 2, Nxb Đà Nẵng, 2003, 809 trang.
talawas 2.11.2010
http://www.talawas.org/?p=26516
[1] Lê Thị Kinh, Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, tập II, sđd, tr. 242
[2] Theo Giáo sư Huỳnh Lý thì bài thơ này đã được công bố vào năm 1925 trên tờ Việt Nam hồn, một tờ báo của kiều bào tại Pháp, nhưng chứng cứ về điều này vẫn chưa được công bố. Xem Tuyển tập Phan Châu Trinh (Tuyển tập), sđd, tr. 334.
[3] 16 câu thơ đó (477-492) được đăng ở trang 368 trong Tuyển tập.
[4] Tuyển tập, tr. 581
[5] Tuyển tập, tr. 594.
[6] “Thư thất điều”, Tuyển tập, sđd, tr. 651-652
[7] Ở nhiều nước châu Âu, Thủ tướng được gọi là “Bộ trưởng thứ nhất” (premier ministre, prime minister), đứng đầu Nội các (cabinet).
[8] Từ năm 1962, nước Pháp đã chuyển sang một mô hình mới trong đó quyền lực của Tổng thống được tăng cường, thường được gọi là mô hình hỗn hợp (régime mixte, hybrid system) hay nửa-tổng thống (régime semi-présidentiel, semi-presidential system).
[9] Vào thời đó, người Việt hay gọi nước Pháp là Pháp-lang-sa, phiên âm của chữ France.
[10] Lê Thị Kinh, sđd, tập I, quyển 3, tr. 37-38
[11] Lê Thị Kinh, sđd, tập II, tr. 537
[12] Tuyển tập, tr. 977
[13] Tuyển tập, tr. 985
[14] Tuyển tập, tr. 367
[15] Trong tiếng Pháp, Hạ viện được gọi là “Chambre des députés” (Viện dân biểu) hay “Assemblée Nationale” (Quốc hội). Hai “sam” ám chỉ hai Viện của Nghị viện Pháp (Parlement français): Viện dân biểu hay Quốc hội (tức Hạ viện) và Viện nguyên lão (Sénat, tức Thượng viện). Trong bản thảo, tác giả ghi “cham”, viết tắt của chữ “chambre”.
[16] Tuyển tập, tr. 370
[17] Tuyển tập, tr. 350