Thiếu tướng Nguyễn Hữu Anh
Người lính già ở 16A Lý Nam Đế, Hà Nội
Đây là câu hỏi lớn cần khẩn trương có lời giải công khai, thẳng thắn, nghiêm túc, minh bạch, đầy đủ của những người có trách nhiệm cao nhất bởi đây là vụ tiêu cực siêu nghiêm trọng từ trước đến nay.
Sự đổ vỡ Vinashin mà Uỷ ban Kiểm tra Trung ương phát hiện, tiếp đó cơ quan pháp luật đã bước đầu khởi tố bắt tạm giam một số người để điều tra vừa qua trên diễn đàn Quốc hội rất nhiều đại biểu đã phân tích các sai phạm và nguyên nhân đổ vỡ.
Thực ra những việc làm nói trên mới chỉ là màn dạo đầu, khai hỏa, bóc vỏ ngoài …
Cuộc tiến công làm rõ những tiêu cực sai phạm nghiêm trọng của Vinashin có thể ví như một trận công đồn, chỉ khi nào đột phá được vào trung tâm, đập tan ổ đề kháng cuối cùng thì trận đánh mới kết thúc thắng lợi. Hoặc cũng có thể ví như một ván cờ chỉ khi nào tướng bị chiếu mà không còn nước gỡ thì ván cờ mới thắng.
Trên diễn đàn Quốc hội vừa rồi, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu: những sai lầm xảy ra ở Vinashin mình nó không thể làm được mà phải có kẻ tiếp tay! Và các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi: ai đứng đằng sau Vinashin? Ai bật đèn xanh cho Vinashin mua những con tàu nát? Ai cho Vinashin đầu tư tràn lan vô nguyên tắc? Ai bảo kê cho cho Vinashin vay vốn nước ngoài, và vay vốn lớn các ngân hàng? Ai lờ cho Vinashin bổ nhiệm, sử dụng cán bộ quản lý sai nguyên tắc? Vốn thật sự thất thoát là bao nhiêu? Bao nhiêu nghìn tỷ đồng vào túi các cá nhân?…
Để làm rõ những câu hỏi ấy, công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra cần được tiếp tục tiến hành khẩn trương, quyết liệt trên diện rộng, cả trong và ngoài Vinashin. Phải đi vào tận ngóc ngách, ngọn nguồn, không được phép khoanh vùng. Tuyệt nhiên không thể có vùng cấm trong cuộc truy tìm lợi dân ích nước này. Chớ có chần chừ, chậm chừng nào thì vỏ bọc càng dày, càng cứng, khó cho công tác điều tra chừng ấy. Bởi vậy biện pháp là tạm đình chỉ một số chức danh nào đó có liên quan đến Vinashin; và bằng cách nào đó để có một cơ quan điều tra đủ khả năng và điều kiện là việc cần thiết tạo thuận lợi cho công tác điều tra.
Khi những tiêu cực sai phạm đã được phanh phui làm rõ thì việc xử lý kỷ luật phải hết sức nghiêm minh, cả kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và trừng trị trước pháp luật. Lâu nay trong xử lý các tiêu cực, tham nhũng, Bộ Chính trị, Chính phủ thường hô to: “Không loại trừ một ai, bất kể người đó giữ cương vị nào”.
Mong rằng với vụ tiêu cực Vinashin, lời hứa nói trên sẽ đi đôi với hành động./.
Hà Nội, 11-11-2010
N. H. A.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN