TT – Báo The Chinanews dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Sản xuất nhôm Trung Quốc (Chinalco) cho biết nhằm đáp ứng nguồn cung ổn định cho các công ty sản xuất nhôm nội địa, hằng năm Trung Quốc phải nhập một lượng bôxit khá lớn, chiếm 1/3 tổng trữ lượng bôxit trong nước.
Quốc tế hóa chiến lược kinh doanh
Bôxit được dùng để sản xuất nhôm, hiện Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới. Tuy vậy, nguồn dự trữ bôxit của nước này chỉ chiếm 2% trong trữ lượng toàn cầu và hơn 1/3 nguồn cung cấp bôxit hằng năm cho Trung Quốc là từ nhập khẩu. |
Chỉ trong năm 2009, như Hãng tin Bloomberg đưa tin, các công ty Trung Quốc đầu tư 32 tỉ USD, một số tiền kỷ lục để mua lại quyền khai thác các nguồn năng lượng và tài nguyên khắp thế giới. Trong năm 2010 không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh dừng lại trong cuộc trường chinh này.
Chính vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn nên ngay từ năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm đổ bộ khai thác bôxit ở nước ngoài theo kế hoạch “quốc tế hóa chiến lược kinh doanh” cho các doanh nghiệp.
Năm 2006, Nhật báo Trung Quốc cho biết Chinalco đã giành được hợp đồng trị giá 3 tỉ USD đầu tư phát triển mỏ bôxit ở vùng Aurukun phía bắc Cape York, Úc. Mỏ này có trữ lượng lên đến hàng trăm triệu tấn. Trung Quốc để mắt đến Úc bởi đất nước này có trữ lượng bôxit chiếm 22% trữ lượng của thế giới.
Sau đó một năm (2007), Công ty nhôm Chalco là thành viên của Chinalco đã được hỗ trợ để tiến sang các nước Nam Mỹ. Chalco đạt được thỏa thuận xây dựng một nhà máy luyện nhôm ở Companhia Vale de Rio Doce của Brazil trị giá 1 tỉ USD, để mở rộng khai thác nguồn nguyên liệu bôxit sang các nước Nam Mỹ. Song song chiến lược tìm kiếm bôxit ở Nam Mỹ, Trung Quốc đã vươn xa đến cả lục địa đen châu Phi, nơi còn nhiều nguồn khoáng sản nguyên sơ.
Chi tiền đổi quyền khai thác mỏ
Ở lục địa đen châu Phi, Trung Quốc đã đổ những khoản tiền rất lớn vào để đầu tư cơ sở hạ tầng bất chấp những bất ổn về chính trị, điều kiện khai thác khó khăn ở đây vốn dĩ đã làm cho các nhà đầu tư phương Tây rút đi trong gần 20 năm qua.
Nhật báo Bissau của Guinea – Bissau ngày 25-10-2010 cho biết các dự án thăm dò khai thác khoáng sản, đặc biệt là bôxit của nước này có thể sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp Trung Quốc, bởi phía Trung Quốc đang đổ một số tiền khá lớn để hậu thuẫn về “khả năng kỹ thuật và tài chính” cho một số lĩnh vực của Guinea – Bissau, đây được xem là đòn “tranh thủ” tình cảm với Chính phủ Guinea – Bissau, một quốc gia giàu bôxit vào hàng bậc nhất thế giới.
Tập đoàn sản xuất nhôm Chinalco là một trong những tập đoàn nghiên cứu khai thác bôxit ở nước ngoài mạnh nhất và đang manh nha đầu tư vào đây. Theo nhật báo Bissau, đầu năm 2010 Bắc Kinh đã hỗ trợ Guinea – Bissau hơn 1 triệu USD để trang bị cho dinh thự chính phủ do liên doanh của Trung Quốc xây dựng.
Bên cạnh đó còn nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng có bóng dáng của Trung Quốc hỗ trợ về tài chính trị giá hàng triệu USD. Adelino Mano Queta, ngoại trưởng Guinea – Bissau, cho biết “nước này mong muốn ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác hơn nữa với Trung Quốc trước khi kết thúc năm 2010”.
Trước đó Bộ trưởng khoáng sản Guinea Mohamed Thiam cho biết trong năm năm, từ năm 2009, Trung Quốc sẽ đầu tư 7-9 tỉ USD để giúp nước này xây dựng cơ sở hạ tầng ở các hạng mục giao thông chính, xây dựng hệ thống mạng lưới điện quốc gia và hệ thống dẫn nước sạch.
Ông Thiam khẳng định đổi lại các gói hỗ trợ khổng lồ trên, Trung Quốc được nhận quyền khai thác mỏ khoáng sản tại Guinea. Hãng Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã ký gửi 150 triệu USD ở Ngân hàng Trung ương Guinea nhằm đầu tư xây dựng hai trạm phát điện ở nước này. Điện là một trong những nguồn năng lượng chủ yếu để khai thác bôxit. Được biết, hơn một nửa khoáng sản bôxit của thế giới tập trung ở Guinea.
Mới đây, trong tháng 10-2010 tờ báo ngành nhôm Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước nên liên kết lại và tận dụng các nguồn tài nguyên bôxit của các nước gần với Trung Quốc. Trong đó, đặc biệt chú ý đến con số 125 triệu tấn bôxit vẫn gần như nguyên vẹn mà Bộ Tài nguyên khoáng sản Lào vừa công bố trong tháng 10-2010 vừa qua.
Trong cuộc trường chinh tìm kiếm bôxit ở các nước láng giềng, Trung Quốc dường như đã chuẩn bị lót đường cho cuộc tìm kiếm này bằng những gói đầu tư ưu đãi và linh hoạt thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng ở khu vực Nam Lào, nơi mà tài nguyên bôxit tập trung nhiều ở cao nguyên Bolaven (Nam Lào). Ngoài ra, nguồn bôxit ở tỉnh Mondulkiri (Campuchia) cũng đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong quá trình khai thác bôxit tại các quốc gia thì Trung Quốc phải “nhập gia tùy tục”, cụ thể là dự án của Chinalco ở mỏ bôxit Aurukun (Úc). Khi dự án trên được triển khai, Chinalco đã gặp nhiều sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường của Úc.
Trong quá trình xây dựng, Chinalco phải chịu sự giám sát của cơ quan môi trường Queensland về sự phát triển của hệ động thực vật xung quanh. Tại thời điểm đó, như báo Australian đưa tin, các nhà quan sát đánh giá nếu hệ sinh thái xung quanh công trường Aurukun suy giảm thì ngay lập tức dự án phải dừng lại, và Chinalco phần nào đã tuân thủ nghiêm luật của nước sở tại để hoạt động.
Mới đây, ngày 30-6-2010, chính quyền bang Queensland đã chấp thuận cho Tổng công ty nhôm Trung Quốc Chinalco rút khỏi dự án khai thác bôxit ở mỏ Aurukun tại bang Queensland sau gần ba năm khai thác ở đây.
Lý do rút khỏi dự án này như Chinalco cho biết là do dự án Aurukun có quá nhiều bất lợi trong việc mở rộng khai thác. Tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, Chinalco rút khỏi dự án trị giá 2,58 tỉ USD này là do biến động của thị trường nhôm thế giới.
Mỹ Loan tổng hợp