TTCT – Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, nếu nhiệt độ tăng thêm 2-3ºC sẽ có hàng chục ngàn hecta đất bị xâm nhập mặn, hàng triệu hecta đất trồng lúa bị mất… Những kịch bản tưởng như ở “thì tương lai” ấy lại đang hiện ra ngày một rõ nét…
Ngồi trước cửa nhà, nhìn những đợt sóng biển đánh vào bờ đê, lão nông Tư Ánh (Nguyễn Văn Ánh) lo lắng cho đoạn đê đang trong tình trạng gia cố tạm ở ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, Kiên Giang. Ông nói: “Sóng biển ngày càng dữ, mỗi lần đánh ập vào bờ rút ra lại mang theo từng mảng đất lớn, lâu ngày bờ đê bị xé, có khi bị ăn đứt luôn nên nước mặn tràn vào phá”.
Biển mặn đang nuốt châu thổ sông Cửu Long…
Mùa mưa bão năm 2007, gia đình ông Tư Ánh đã một lần trắng tay vì sóng biển đánh vỡ đê, nước mặn tràn vào làm lúa chết héo, hơn 200 gốc nhãn rụng lá chết đứng, các ao cá nước ngọt thành ao nước mặn.
Tuyến đê dài hàng trăm kilômet ven biển Tây bắt đầu từ Hà Tiên (Kiên Giang) kéo dài đến tận Rạch Chèo (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) như lá chắn ngăn sóng dữ và nước mặn tràn vào đất liền song nay đã “bị thương” nhiều đoạn, có đoạn sạt lở nghiêm trọng, nhất là ở những cửa biển như Hương Mai (U Minh), Ðá Bạc, Sông Ðốc (Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
“Sóng biển đánh đứt dãy rừng phòng hộ rồi ngoạm bờ gây vỡ đê. Khoảng 5km đê đang bị sạt lở, có đoạn 1.200m sạt lở nghiêm trọng phải xử lý khẩn cấp, lực lượng cứu hộ đê phải túc trực thường xuyên” – ông Nguyễn Long Hoai, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết.
Tình trạng đất bị “hà bá” nuốt không chỉ ở đê biển Tây mà còn diễn ra gay gắt tại các con sông. Đã hơn ba tháng trôi qua nhưng ông Trương Thanh Tuấn (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) vẫn chưa quên được đêm kinh hoàng xảy ra vụ sạt lở bên bờ sông Cửa Lớn cướp đi bốn mạng người, nhà ông và nhiều nhà hàng xóm đổ ùm xuống sông. Những năm gần đây, người dân ở các tuyến sông gần cửa biển luôn nơm nớp lo sợ nhà bị trôi xuống sông thình lình như vậy.
Kết quả quan trắc ba năm gần đây ở Cà Mau cho thấy vào thời điểm cuối tháng 10 và đầu tháng 11, nước sông ngày càng dâng cao. Năm 2007, Cà Mau thiệt hại 4.886ha nuôi trồng thủy sản và lúa, năm 2008 là 10.622ha, năm 2009 là 14.795ha. “Dân sống ven biển phản ảnh nước dâng ngày càng cao. Số liệu quan trắc của chúng tôi cho thấy đỉnh triều đã cao hơn 0,5cm so với năm năm trước” – ông Lai Thanh Ẩn, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu, cho hay.
Ông Nguyễn Hải Châu, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh Bến Tre, khẳng định Bến Tre đã bắt đầu “thấm đòn” khí hậu thay đổi. Mặn xâm nhập nội đồng ngày càng gay gắt vào mùa khô. Còn ông Thái Thành Lượm, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Kiên Giang, lo lắng môi trường sống của quần thể các hệ sinh thái tự nhiên rất phong phú nơi này sẽ “làm mồi” đầu tiên khi nước biển dâng. Kiên Giang được dự báo nằm trong danh sách những tỉnh bị ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu.
Năm 2009, Bến Tre bắt đầu xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng xu thế nhiễm mặn và chuyển dịch cây trồng. “Nhưng đây là vấn đề lâu dài, tác động cả hiện tại và tiềm tàng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ và đầu tư để xây dựng chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu. Trước mắt là xây dựng nhà máy và hệ thống cấp nước ngọt, hệ thống đê sông, biển, cống đập ngăn mặn, các dự án trồng rừng thủy lợi phục vụ nông nghiệp” – ông Châu nói.
Ở Kiên Giang, ông Lượm đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm với biến đổi khí hậu, nâng cấp hệ thống đê, xây dựng các cống, kênh để phòng xâm nhập mặn, tăng vành đai rừng ngập mặn lên 500-1.000m để đủ sức phòng hộ. Tỉnh cũng đang tìm cách xây dựng mô hình nhà ở, mô hình canh tác, chăn nuôi thích nghi với việc nước biển dâng.
Việt Nam cần một kịch bản biến đổi khí hậu khác?
Hơn một năm trước (tháng 6-2009), Bộ Tài nguyên – môi trường công bố kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam. Có thể xem đây là một lời cảnh báo chính thức mang tầm quốc gia về những nguy cơ từ biến đổi khí hậu mà Việt Nam phải đối mặt cho đến cuối thế kỷ 21.
Ba kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam được xây dựng trên cơ sở các kịch bản phát thải khí nhà kính ở ba mức thấp, trung bình và cao với số liệu tính toán theo từng cột mốc thập kỷ: 2020, 2030, 2040 đến năm 2100.
Theo kịch bản phát thải cao của bộ thì vào cuối thế kỷ 21, lượng mưa hằng năm có thể tăng khoảng 9-10% ở Tây Bắc, Đông Bắc, 10% ở đồng bằng Bắc bộ, Bắc Trung bộ và 4-5% ở Nam Trung bộ, 2% ở Nam bộ và Tây nguyên so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Lượng mưa các tháng cao điểm mùa mưa sẽ tăng 12-19% ở cả các vùng phía Bắc và Nam Trung bộ, trong khi khu vực Nam bộ và Tây nguyên chỉ tăng 1-2%.
Đối với nước biển dâng, một số nghiên cứu gần đây cho rằng mực nước biển toàn cầu có thể tăng 50-140cm vào năm 2100. Riêng các kịch bản cho Việt Nam tính rằng “vào giữa thế kỷ 21 mực nước biển có thể dâng thêm khoảng 28-33cm và đến cuối thế kỷ mực nước biển có thể dâng thêm 65-100cm so với thời kỳ 1980-1999. Trong tương lai gần, dự báo đến năm 2020 mực nước biển ở nước ta có thể dâng cao thêm 11-12cm và đạt mức tăng 28-33cm vào năm 2050”…
Dựa trên các kịch bản nước biển dâng, bộ đã bước đầu xây dựng bản đồ ngập cho khu vực TP.HCM và ĐBSCL. Theo đó, khi nước biển dâng 65cm (mức thấp), diện tích ngập ở ĐBSCL là 5.144km2 (12,8%), và ở mức 100cm (cao) thì ngập sẽ trải rộng trên 15.116km2, tương đương 37,8% diện tích toàn vùng. Riêng khu vực TP.HCM, theo dự báo với mực nước biển tăng 65cm, diện tích ngập rộng khoảng 128km2 (6,3%) và nhấn chìm 473km2 (23%) nếu dâng mức 100cm.
Thực tại phũ phàng hơn kịch bản
Trên thực tế, những hiểm họa mang tên biến đổi khí hậu không đợi lâu đến thế mà đã và đang đổ ập xuống nhiều vùng, cướp đi nhiều sinh mạng và gây ra vô số thiệt hại nghiêm trọng. Chỉ một trận mưa kéo dài ba ngày vào tháng 10-2008 đã dìm nội thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận trong biển nước, làm chết 17 người, gây tê liệt giao thông và hủy hoại nông nghiệp đáng kể. Trong ba ngày đó, lượng mưa đo được tại Hà Nội là hơn 500mm, tại Hà Đông hơn 800mm.
Và khi hai cơn lũ liên tiếp đổ xuống miền Trung đầu tháng 10 vừa qua đã hiển hiện rất rõ sự bàng hoàng, bất ngờ của con người trước những biến cố thiên nhiên chưa từng dữ dội như vậy.
Tuần qua, lũ lụt lại tràn ngập các tỉnh Nam Trung bộ. Đêm 31-10-2010, lượng mưa đo được ở Ninh Thuận từ 100-200mm, Phan Rang lên tới 274mm. TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã hứng một trận mưa hơn 500mm kéo dài nhiều giờ khiến nhiều phường bị nhấn chìm, giao thông đường bộ lẫn đường sắt bị tê liệt.
Đồng thời, tin tức về các dòng sông, suối cạn nước, trơ đáy tại khu vực Tây nguyên liên tiếp xuất hiện. Còn tại Nam bộ – vựa lúa và vựa cá ĐBSCL – người dân miệt đồng khắc khoải chờ lũ về. Mùa nước nổi trắng đồng – một đặc ân mà tạo hóa bao đời nay ưu ái tặng cho cư dân của đất chín rồng – càng lúc càng nhạt nhòa.
Ngày 2-12-2008, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ban hành. Hai bộ Tài nguyên – môi trường, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho hay đã có hàng loạt nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch ứng phó… Các địa phương trong cuộc như TP.HCM và Cần Thơ cũng đang lo đầu tư nghiên cứu, tìm giải pháp thích ứng cho từng kịch bản.
Nhưng thực tế phũ phàng cận kề của không ít thảm họa thiên nhiên đã “gõ cửa” ầm ầm, không còn là chuyện của những cột mốc thập kỷ như bộ hình dung. “Nước đã đến đầu gối”, dân Việt Nam ở nhiều vùng đang phải “quẫy đạp” thật sự để chống chọi từng ngày, mỗi thảm họa lại ở mức độ khốc liệt khác nhau với đầy rẫy bất ngờ, bàng hoàng và mất mát.
Trong khi chờ đợi và hi vọng những giải pháp mà kế hoạch dài hạn ứng phó với biến đổi khí hậu phát huy tác dụng, có lẽ cũng nên nghĩ tới những kịch bản và giải pháp ứng phó quyết liệt hơn trong ngắn hạn trước những diễn biến khôn lường của thời tiết, chí ít để không còn cảnh bị động chống chọi và những lời đổ lỗi cho “mưa lịch sử”, cho “lũ bất ngờ”!
Nước biển dâng cao ở Bạc Liêu
Từ trung tuần tháng 10 đến nay, tuy mới vào đầu con nước, triều cường và mực nước biển dâng cao tại Bạc Liêu đã gây ngập nhiều nhà dân, nhiều tuyến giao thông, hoa màu. Theo TTXVN, tại các địa phương giáp cửa biển như huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu, triều cường lên cao tràn qua các bờ bao, đường sá làm nhiều nhà dân ngập sâu. Ở các cửa sông dọc tuyến đê biển Đông, nước biển tràn sâu vào nội đồng gây thiệt hại nặng. Không chỉ ở các huyện đầu nguồn, triều cường cũng đe dọa diện tích trồng lúa của các huyện vùng sâu, xa các biển như Giá Rai, Phước Long, Hồng Dân… Nhiều lão nông ở đây cho biết triều cường năm nay về sớm và cao hơn khoảng 50cm so với mọi năm. |
NGUYỄN TRIỀU – TẤN THÁI