Thế thì sung sướng quá! Bởi vì cách bảo đảm 100% an toàn cho bô xít Tây Nguyên là… dừng ngay dự án này! Chắc chắn sẽ có hàng vạn người tình nguyện lên Tây Nguyên “dọn dẹp” lại những khu rừng đã vỡ, trả Tây Nguyên lại cho Tây Nguyên! Nước ta sẽ “đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn” như Bác đã dạy!
Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Dương Văn Hòa cho biết sau sự cố ở Hungary, tập đoàn đã chi 2 tỷ đồng bổ sung hệ thống dự phòng ngăn lũ bùn đỏ và sẵn sàng đầu tư thêm để đảm bảo an toàn hồ bùn đỏ ở mức tối đa.
Ông Hòa khẳng định như vậy trong chuyến khảo sát các dự án bô xít Tây Nguyên cuối tuần qua, với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao các bộ ngành liên quan cùng các chuyên gia. Đây là chuyến khảo sát quy mô lớn đầu tiên được tập đoàn tổ chức, sau những lo lắng của dư luận về sự cố hồ bùn đỏ Hungary và nguy cơ tương tự tại các dự án bô xít Tây Nguyên. Tham gia đoàn khảo sát có lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công Thương, đại diện Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, Bộ Công an cùng các chuyên gia luyện kim, khai quặng và thủy lợi.
Khu vực Tây Nguyên hiện có hai dự án sản xuất alumin, với công suất tương đương nhau 650.000 tấn alumin một năm trong giai đoạn đầu. Trong đó, Dự án Alumin Nhân Cơ (thuộc xã Nhân Cơ, Đăk Rlấp, Đăk Nông) có tổng vốn đầu tư 11.624 tỷ đồng (sau thuế), được triển khai từ tháng 10, mới thực hiện khâu thăm dò địa chất khu vực lòng hồ bùn đỏ, san lấp mặt bằng và xây dựng các hạng mục phụ trợ phục vụ công tác thi công.
Dự án tổ hợp bô xít – nhôm Lâm Đồng (nằm trên địa bàn huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng – còn gọi là dự án alumin Tân Rai) đang trong giai đoạn thi công nước rút để có thể vận hành thử nghiệm vào đầu năm tới. Với tổng vốn đầu tư 11.353 tỷ đồng, dự án gồm hai phần, mỏ tuyển quặng và nhà máy alumin, lần lượt có chi phí đầu tư 1.548 tỷ đồng và 9.804 tỷ đồng.
Hồ bùn đỏ là một hạng mục nhỏ nằm trong hợp phần nhà máy alumin, tuy nhiên đây lại là công trình được quan tâm nhiều nhất, đặc biệt là công nghệ xả thải, hệ thống chống thấm, chống tràn phòng khi có thể xảy ra sự cố tương tự Hungary. Báo cáo với đoàn khảo sát, đại diện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam một lần nữa khẳng định độ an toàn của hệ thống hồ chứa thải bùn đỏ của bô xít Tây Nguyên.
Toàn bộ hồ bùn đỏ được đặt trong thung lũng, độ sâu trung bình 10 m, cách xa khu vực dân cư và hệ thống thủy văn. Bao quanh hồ là sườn địa hình tự nhiên và mặt bằng nhà máy alumin cao hơn 2-6 m so với thân đập. Để ngăn dung dịch kèm theo bùn đỏ thấm ra ngoài hồ chứa làm ô nhiễm nguồn nước, chủ đầu tư đã cho sử dụng đất sét, vải địa kỹ thuật và vật liệu HDPE có tính năng chống thấm và chịu kiềm tốt. Thiết kế chống thấm của hồ chủ yếu gồm 2 lớp, lớp thoát nước và lớp chống thấm. Hồ được chia thành nhiều khoang, cứ một khoang hoạt động sẽ phải có một khoang dự phòng, phòng khi bùn tràn ở khoang thứ nhất sẽ chảy vào khoang thứ hai.
Theo chủ đầu tư, dự án đã cập nhật các giải pháp mới trên cơ sở nghiên cứu sơ bộ sự cố hồ bùn đỏ Hungary và tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Trao đổi với báo chí hôm 7/11, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam Dương Văn Hòa cho biết, đã chi khoảng 2 tỷ đồng để tiến hành các biện pháp kỹ thuật bổ sung đảm bảo an toàn cho hồ chứa thải bùn đỏ. Đặc biệt là hệ thống cống và đường ngăn ở điểm thoát cuối cùng từ thung lũng dự kiến làm hồ bùn đỏ. Tại đây, đoạn đường ngăn đã được tâng cao thêm 1,5-2 m so với mặt đập ngăn hồ bùn đỏ, cống ngăn được nối dài thêm 10 m với hệ thống cánh có thể đóng sập xuống nếu không may vỡ hồ. Tập đoàn dự kiến sẽ xây kho dự trữ axit tại khu vực này, sẵn sàng tung ra trung hòa dung dịch kiềm trong bùn đỏ khi cần thiết.
“Chúng tôi không coi thường sự cố Hungary mà coi đây là sự cảnh báo nghiêm túc và khẩn trương chỉ đạo để rà soát, điều chỉnh các biện pháp. Chúng tôi đang nghiên cứu bổ sung thêm các biện pháp mới nếu cần thiết, cho dù có tốn kém bao nhiêu đi chăng nữa, để đảm bảo an toàn, tránh thảm họa môi trường khi xảy ra sự cố”, ông Hòa tuyên bố.
Tham gia đoàn khảo sát liên ngành, giáo sư Nguyễn Tiến, Viện trưởng Viện kỹ thuật công trình cho rằng 3 yếu tố quan trọng liên quan tới sự an toàn của hồ bùn đỏ, thứ nhất là nước vào hồ sẽ xử lý thế nào, khi thấm nước từ hồ ra bên ngoài sẽ xử lý như thế nào và vấn đề thứ ba là chân đập. “Tôi quan tâm hơn cả là độ an toàn của chân đập. Tuy nhiên, chúng tôi đã thử và tính toán độ an toàn của đập với nhiều trường hợp khác nhau, kể cả khi hồ đang làm việc mà xảy ra động đất, kết quả cho thấy an toàn kể cả với động đất cấp 7, dù ở Tây Nguyên chỉ động đất tới cấp 5”, ông nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Văn Trạch, nguyên Trưởng ban Dự án Nhôm Lâm Đồng khuyến cáo chủ đầu tư cần tính toán kỹ khi bổ sung các biện pháp, không nên quá lo ngại mà đầu tư đảm bảo an toàn hơn nhiều so với mức cần thiết, dẫn tới làm giảm hiệu quả kinh tế của dự án. “Là người người đầu tiên tham gia dự án bô xít Tây Nguyên, tôi từng tuyên bố chấp nhận đi tù nếu xảy ra sự cố hồ bùn đỏ. Đến nay, tôi vẫn tin tưởng vào độ an toàn của công trình”, ông nói thêm.
Đánh giá cao sự cầu thị của chủ đầu tư khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và bổ sung các biện pháp sau sự cố ở Hungary, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Đặng Vũ Minh cho biết sau chuyến khảo sát này ủy ban sẽ có báo cáo đánh giá trình Quốc hội về tình hình dự án. Ông đề nghị Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam cần tiếp tục thảo luận với các chuyên gia của các bộ ngành liên quan, mời gọi ý kiến đóng góp của các chuyên gia độc lập giàu kinh nghiệm, chuyên môn sâu trong chế biến, khai thác bô xít để bổ sung các giải pháp cần thiết.
“Với cá nhân tôi sau chuyến khảo sát này, có một số điểm thắc mắc đã được làm rõ, nhưng vẫn còn một số điểm cần làm rõ thêm”, ông nói.
Hiện Dự án tổ hợp Bô xít – Nhôm Lâm Đồng đã hoàn thiện gần 90% các hạng mục xây lắp để đảm bảo chạy thử không tải toàn bộ nhà máy vào tháng 2 và chạy thử có tải vào tháng 3 năm sau. Đến tháng 4/2011, nhà máy sẽ cho ra sản phẩm alumin thương phẩm. Sau dự án này, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam sẽ tập trung thi công dự án alumin Nhân Cơ.
Sau sự cố hồ bùn đỏ Hungary, nhiều nhân sĩ đã viết đơn gửi các cấp lãnh đạo đề nghị chỉ làm thí điểm dự án ở Lâm Đồng và ngừng triển khai dự án Nhân Cơ. Theo ông Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, nếu chiếu theo luật, hiện chưa có lý do để dừng dự án. Tuy nhiên ông đề nghị tập đoàn nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của dư luận, các nhà khoa học và bổ sung các giải pháp nếu cần thiết.
S. L.