Tôi đã có ý kiến trên một vài tờ báo xung quanh nội dung hai ngày thảo luận về kinh tế xã hội được truyền hình trực tiếp. Nhưng sợ các thông tin đó không đến được nhiều đại biểu nên đành có một số ý kiến qua bức thư ngỏ để chia sẻ những suy nghĩ của mình.
Trước hết tôi hoan nghênh tinh thần trách nhiệm của nhiều đại biểu khi đề cập những vấn đề nóng bỏng của đất nước với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc và triệt để, tập trung xung quanh trách nhiệm vụ việcVinasin, vấn đề điện, nợ công, vấn đề nhập siêu, vấn đề nguy cơ bùn đỏ bauxite, cả mặt được và chưa được. Riêng mặt tồn tại, đây là vấn đề theo tôi nếu không giải quyết triệt để tận gốc thì không biết tương lai nền kinh tế sẽ đi về đâu. Cử tri rất hoan nghênh những đóng góp của một số đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông, Trần Du Lịch, Dương Trung Quốc (vấn đề bùn đỏ),… làm rõ nguy cơ, hậu quả khôn lường của những sự kiện trên nếu không được giải quyết tận gốc, với những dự báo mang tính khoa học cao, với một “quan điểm động” về xu thế phát triển xấu từ hậu quả của các sự kiện trên, để không thể để xảy ra một Vinasin thứ hai, để không nợ nần đổ vỡ khiến nhân dân phải gánh chịu, để không xảy ra một Hungari thứ hai. Muốn vậy phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, từng cá nhân từ Thủ tướng Chính phủ đến các Bộ, Ban ngành liên quan, không được chỉ giải quyết phần cành ngọn, có thế mới tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm cứu vãn nền kinh tế nói chung và các tập đoàn kinh tế nhà nước nói riêng. Không nên lại lặp lại như vụ PMU 18 đến nay chẳng ra môn ra khoai. Kết quả không như mong muốn và đang đi dần vào yên lặng (!).
Tình hình sôi động tại các buổi họp theo cảm nhận của tôi là trước tình hình kinh tế đất nước, có mặt, có vụ việc đang đi dần vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, đã khơi dậy trách nhiệm của những giới thay mặt cho dân, không thể im lặng ngồi nhìn mà phải cùng chung tay, ghé vai vào gánh vác trách nhiệm để góp phần tích cực đưa nền kinh tế thoát ra khỏi tình trạng yếu kém, tiêu cực như hiện nay, mà hậu quả chẳng ai khác là người dân phải gánh chịu. Mong rằng qua kỳ họp này, nhiều đại biểu sẽ nhận lấy trách nhiệm trước dân và hơn thế nữa, đúng với vai trò người đại biểu đích thực của dân là cơ quan quyền lực tối cao của đất nước.
Bên cạnh những đại biểu đầy tâm huyết, đầy dũng khí “vì dân” có một số ý kiến tôi cho là lạc lõng, né tránh, chỉ nêu những mặt được nhưng lại tâng quá sức, và phê phán gay gắt những ý kiến phân tích mặt trái, mặt yếu kém, sai lầm. Thậm chí có ý kiến (đại biểu Hải Phòng) có tính chất xúc phạm đến Quốc hội, đến các đại biểu khi cho rằng “ù ù cạc cạc”, không hiểu gì, và còn nói: “Vinashin là một bài học quý giá” (?). Nếu thế thì nên làm nhiều vụ Vinashin hơn nữa! Tôi cho đây là một ý kiến thiếu văn hóa, dạy đời cần được phê phán. Cảm nhận của nhiều cứ tri là những ý kiến của các vị đại biểu trên mang tính “mỵ Chính phủ, mỵ Đảng”, không biết có phải để mong gì khi sắp đến Đại hội 11 của Đảng? Lập luận cho rằng sự việc đã được Bộ Chính trị kết luận, UB Kiểm tra đang làm, Chính phủ đang tìm giải pháp. Tôi cho việc Bộ Chính trị, Chính phủ sau khi phát hiện ra vấn đề đang tích cực tìm cách khắc phục để cứu vãn, không để đổ vỡ là có trách nhiệm trước dân, là đúng đắn. Nhưng thử nghĩ Quốc hội với tư cách “Cơ quan quyền lực cao nhất” lại không phải làm gì hay sao? Hay Đảng, Chính phủ nói: ” Quốc hội cứ thế mà theo”? Nếu thế thì chẳng cần vai trò Quốc hội nữa! Quốc hội có trách nhiệm tối cao trước dân và các quyết định tối thượng trong các vấn đề trên là thuộc về trách nhiệm của Quốc hội. Do vậy mà đồng chí chủ tọa buổi họp khi đề cập vấn đề “Thành lập ủy ban lâm thời điều tra vụ việc”, đã nói: “UB Thường vụ Quốc hội sẽ bàn và kết luận nghiêm túc” Như vậy là có trách nhiệm. Dù Quốc hội khóa 12 có kết thúc mà UB này vẫn chưa kết luận được thì Quốc hội khóa 13 phải chịu trách nhiệm tiếp thu tinh thần kế thừa về mặt tổ chức. Chả lẽ vụ việc xảy ra trong nhiệm kỳ, nếu không giải quyết được thì đến nhiệm kỳ sau là xong?
Một vấn đề nữa mà tôi hoàn toàn không đồng tình là các ý kiến giải trình của 3 Bộ trưởng: Bộ Tài chính về nợ công, về khả năng phá sản của Vinashin, Bộ Công thương về trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Tài nguyên Môi trường về khả năng bùn đỏ. Nghe 3 Bộ trưởng phát biểu thì có cảm nhận tình hình vẫn bình thường “trong tầm kiểm soát” (?), chưa có nguy cơ gì đáng lo ngại, trong khi tình hình buổi họp thì vô cùng nóng bỏng, chứng tỏ thái độ né tránh, thiếu trách nhiệm và nếu thế, phải chăng đến lúc đổ vỡ, bùn đỏ xảy ra như ở Hungari thì mới hết khả năng kiểm soát? Đến lúc đó thì còn gì nói nữa? Quốc hội cần hết sức nghiêm túc đối với các cơ quan được Quốc hội giao trách nhiệm mà không hết lòng vì dân vì nước, không dám nhận trách nhiệm về những sai phạm liên quan đến mình.
Cuối cùng là vấn đề bùn đỏ bauxite. Lần họp này tuy nhiều nội dung nhưng đề nghị Quốc hội không thể lướt qua, nếu cần thì họp thêm 1 ngày để có quyết sách thật đầy đủ yếu tố khoa học và đầy đủ trách nhiệm vì sự việc chưa biết khi nào mới xảy ra, nhưng đã xảy ra thì còn tai họa hơn nhiều so với các vấn đề nóng bỏng đã nêu trên. Phải có dũng khí sửa sai khi sự việc chưa muộn.
Mấy ý kiến ngắn. Mong các Đại biểu và Quốc hội lưu tâm.
Ngày 5/11/2010
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
(Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10)