Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An vừa làm một việc đang bị dư luận lên án. Đó là đem 37 bao quần áo cũ do nhiều nơi gửi đến cứu trợ bà con vùng lũ lụt, vứt cho cơ sở sửa chữa xe làm giẻ lau. Không thể biện minh bất cứ lý do gì cho hành vi đáng hổ thẹn ấy. Trách nhiệm chính hiển nhiên thuộc về bà Bùi Thị Mai, Chủ tịch Hội.
Trả lời truyền thông, bà Mai giải thích lòng vòng. Thế nhưng, cái hình ảnh bà Mai được chụp ở thời điểm bà trả lời truyền thông dường như lại nói nhiều hơn, đầy đủ hơn, chính xác hơn những lời của bà. Xin giới thiệu ra đây với quý độc giả. Nhìn qua, thấy bà diêm dúa ngỡ diễn viên chuẩn bị ra sân khấu biểu diễn, nhìn lại hiểu ngay bộ dạng ấy không thể nào tiếp xúc được với áo quần cũ cứu trợ dân nghèo. Nhìn tiếp vào kho áo quần cũ cứu trợ, khó mà không so sánh, trong kho ấy hay chính bản thân bà là giẻ rách?
Nhưng nghĩ cũng tội nghiệp cho bà. Biết đâu, do người ta đặt bà ngồi nhầm chỗ trong tình trạng hành chính hóa lan tràn ở nước ta. Bà được đặt ngồi vào cái ghế ấy mà không biết nó không dành cho người diêm dúa như bà. Ngồi trên ghế ấy, từ ngày 14-5-2008 lại có thêm trách nhiệm rất nặng nề, khi Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NĐ-CP “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”. Tiếp theo, ngày 31-7-2008, Bộ Tài chính có Thông tư số 72/2008/TT-BTC hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 64.
Với Nghị định và Thông tư ấy, mọi hoạt động cứu trợ cho người cần cứu trợ, phải tập trung hết về Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ quan Ủy ban Mặt trận thì không ai lạ gì, hầu hết ông già bà lão hoặc quan chức yếu kém từ cơ quan khác. Vậy là Hội Chữ thập đỏ phải cáng đáng phần nặng nề. Như vụ này phần nào cho thấy điều đó, mấy ông lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An ngồi phán nọ kia và quy hết trách nhiệm cho bà.
Rốt cuộc, nước ta hay xảy ra thiên tai mà đến nay vẫn thiếu cơ quan chuyên nghiệp cứu trợ thiên tai, khắc phục thảm họa. Đến mức, có mấy bao áo quần cũ mà lúng túng, không biết làm sao đưa tới người dân đang cần, dù lũ lụt đi qua đã lâu.
Dân vùng lũ nhiều người vẫn phải mặc áo quần rách. Và sự rách rưới sâu xa này nhức nhối hơn hình ảnh “giẻ rách” của bà Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nghệ An.
S. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN