Sáng 5/11 Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh cho biết, Ban chuyên án sẽ mở rộng điều tra, làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước trong vụ Vinashin. Việc đưa, nhận hối lộ (nếu có) sẽ bị đưa ra ánh sáng.
Sáng 5/11 trao đổi với báo giới bên lề Quốc hội, đại tướng Lê Hồng Anh nhìn nhận việc xảy ra tại Vinashin có nguyên nhân do mở rộng kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực nhưng không hiệu quả. Công tác quản lý lại lỏng lẻo, yếu kém nên đã dẫn theo nhiều hệ lụy.
Theo ông, công nghiệp đóng tàu giữ một vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đây là lĩnh vực chính của Vinashin nên Bộ Chính trị đã chỉ đạo cơ cấu lại doanh nghiệp theo hướng tập trung vào mũi nhọn này. Các hoạt động điều tra, thanh tra vì thế cũng nên hỗ trợ chủ trương trên. Trước khi điều tra xử lý hình sự cán bộ có sai phạm, các cơ quan chức năng phải đề nghị cấp trên thay thế nhân sự vào vị trí của người đó.
“Nếu cứ khởi tố, bắt giam mà chưa đình chỉ công tác, bàn giao công việc thì sẽ không phục vụ được việc tái cơ cấu”, ông Hồng Anh cho biết.
Bộ trưởng Công an tiết lộ thời gian tới, Ban chuyên án sẽ mở rộng phạm vi điều tra, làm rõ việc thiếu trách nhiệm của một số cơ quan quản lý nhà nước trong vụ Vinashin. Việc đưa, nhận hối lộ (nếu có) sẽ bị đưa ra ánh sáng. Khi thấy công an vào cuộc điều tra một số cán bộ tại Vinashin lo sợ bị “sờ” tới sai phạm nên đã bỏ trốn. Tất cả đang bị cảnh sát truy nã.
Bộ trưởng Công an chia sẻ, cả năm vừa qua, công an phát hiện không chỉ Vinashin mà nhiều tập đoàn kinh tế khác cũng có “vấn đề”. Cũng có ý kiến cho rằng việc này là hình sự hóa các quan hệ kinh tế, ảnh hưởng làm ăn của doanh nghiệp, quan hệ với đối tác cũng như tâm lý công nhân viên Vinashin…
“Theo quy định, chúng tôi phải báo cáo cấp có thẩm quyền, rồi thanh tra xác định tổ chức này cá nhân kia có sai phạm thì công an mới vào cuộc. Cho nên nói về trách nhiệm xử lý chậm thì cũng có, nhưng khó là do vướng cái này, cái khác”, Đại tướng thẳng thắn.
Sau hơn hai tháng khởi tố điều tra vụ tiêu cực tại Vinashin, đến nay gần 10 cán bộ cao cấp của tập đoàn đã bị bắt với cáo buộc cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Người đầu tiên bị công an khởi tố là ông Phạm Thanh Bình (cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin).
Từng được xem là quả đấm thép, con chim đầu đàn của ngành công nghiệp nặng Việt Nam, với kỳ vọng trở thành thương hiệu đóng tàu hàng đầu thế giới, Vinashin đã dần lún sâu vào nợ nần do những sai lầm trong quyết định đầu tư dàn trải, ngoài ngành.
Số nợ của tập đoàn trước thời điểm tái cơ cấu lên đến 80.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng. Trong số nợ này, một phần là trái phiếu quốc tế (bao gồm 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ), nợ đối tác và các nhà thầu trong nước |
P. L.