Trong mấy tuần gần đây, một số quần đảo nằm dọc theo Thái Bình Dương đã gây ra những cuộc cãi vã ngoại giao.
Nhật Bản nằm ở trung tâm của cuộc tranh cãi khi trước hết họ bắt thuyền trưởng của một tàu cá Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku, người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Sau đấy Tokyo lại bất bình với Nga. Nhật Bản mạnh mẽ phản đối chuyến thăm của Tổng thống Dmitry Medvedev trong tuần này tới quần đảo Kuril mà người Nhật gọi là Lãnh thổ phía Bắc.
Những đảo này bị quân Liên Xô chiếm trong giai đoạn Thế Chiến II kết thúc nhưng Nhật Bản vẫn tuyên bố chủ quyền.
Một loạt các tranh cãi khác về biển đảo thỉnh thoảng lại nổ ra, nhất là ở Biển Đông.
Động cơ của những cãi vã này khá phức tạp, từ những quan ngại kinh tế về tiềm năng dầu khí và khoáng sản dưới lòng biển tới các toan tính chiến lược và chủ nghĩa dân tộc kiểu cũ.
Sức mạnh hải quân
Nhưng đằng sau các tít báo là những khía cạnh lớn hơn.
Các nước trong vùng đang có điều chỉnh trước một nước Trung Quốc ngày càng mạnh bạo hơn.
Hoa Kỳ muốn khẳng định vai trò cường quốc ở Thái Bình Dương.
Cả Nga cũng vậy. Moscow không phải là trung tâm của cuộc chơi nhưng cũng muốn có phần ảnh hưởng ở Châu Á.
Trung Quốc hiển nhiên là đã có những thay đổi mạnh mẽ. Sự lớn mạnh về kinh tế của họ thật ngoạn mục nhưng quỹ đạo của kinh tế Trung Quốc trong tương lai vẫn chưa rõ ràng.
Cho tới nay Trung Quốc vẫn có chính sách ngoại giao lặng lẽ và coi sự giao tiếp của họ với thế giới như là cách để theo đuổi thành công kinh tế.
Chẳng hạn họ đã lập ra mạng lưới các mối quan hệ trên toàn cầu để đảm bảo rằng Bắc Kinh có các nguyên liệu thô mà nền kinh tế của họ cần.
Tuy nhiên, cách giao tiếp của Trung Quốc với thế giới đang có sắc thái mới.
Cùng với thành công là sự tự tin mới; một số người gọi là sự bạo dạn.
Điều này được thể hiện rõ nhất ở sân sau của Trung Quốc.
Tranh cãi của họ với Nhật Bản quanh chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku phải nhìn trong bối cảnh chiến lược của việc Hải quân Trung Quốc muốn vươn ra biển trong khi Senkaku đang là điểm thắt nút.
Bắc Kinh nói rõ rằng tham vọng hàng hải của họ không thể bị ngăn chặn như vậy
Họ đòi Nhật Bản phải ngay lập tức trả tự do cho thuyền trưởng tàu cá và cách Tokyo xuống thang đã làm nhiều nước trong vùng lo ngại.
Sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc là một yếu tố lớn trong tranh cãi này trong lúc Bắc Kinh muốn triển khai lực lượng hải quân ra khơi xa hơn nữa.
Vai trò của Hoa Kỳ
Trên thực tế việc Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng dùng tới vũ khí kinh tế trong tranh cãi với Nhật Bản – việc gián đoạn cung cấp đất hiếm (cho dù Bắc Kinh bác bỏ họ dùng tới sức mạnh kinh tế kiểu này) – đã gây ra lo ngại không chỉ ở Châu Á.
Sự bạo dạn mới này của Trung Quốc là lý do mà chính quyền của Tổng thống Barack Obama muốn tăng cường vai trò của họ trong vùng.
Ngoại trưởng Hillary Clinton đã tới thăm thủ đô của các quốc gia chính trong vùng khi tới Hà Nội dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á.
Và đây cũng chỉ là chuyến thăm dạo đầu cho chuyến đi quan trọng của chính ông Obama trong tháng tới.
Nhật Bản đang ngày càng muốn tăng cường liên minh hàng hải với Washington.
Trung Quốc lại cũng muốn hạn chế sự tham gia của Hoa Kỳ và họ đã từ chối đề nghị làm trung gian hòa giải của Washington trong tranh cãi biển mới nhất giữa Bắc Kinh và Tokyo.
Những căng thẳng trong vùng tạo ra nhiều vấn đề cho Washington.
Hoa Kỳ muốn trấn an những bạn bè truyền thống và khuyến khích các liên minh mới trong khi không muốn cô lập Bắc Kinh một cách lộ liễu vì sự liên hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Hoa Kỳ cũng như phần còn lại của thế giới về mặt kinh tế.
Chúng ta vẫn còn xa mới tới thế giới trong các tiểu thuyết giật gân cách đây hơn một thập niên kể về có xung đột không thể tránh khỏi giữa Washington và Bắc Kinh.
Nhưng những căng thẳng vẫn hiện hữu và xử lý chúng là thách thức ngày càng tăng cho các nhà ngoại giao của cả hai bên.
J. M.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/11/101104_asia_powers.shtml