Trung Quốc tranh thủ ASEAN để chống lại cường quốc Mỹ

The Jakarta Post

30-10-2010

Trông chờ sự hỗ trợ từ các nước ASEAN để chống lại sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã làm nhẹ lập trường của mình về các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp biên giới trên biển Đông, trong khi hứa hẹn đầu tư vào ASEAN rất lớn.

Trong chuyến viếng thăm châu Á – Thái Bình Dương để củng cố sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ cùng các lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Nga tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào thứ Bảy, trong một cuộc họp có khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu, hầu hết liên quan đến Trung Quốc.

Các vấn đề bao gồm các cuộc chiến tiền tệ toàn cầu, biển Đông và các tranh chấp lãnh thổ khác.

Để chứng minh cam kết của Hoa Kỳ nhằm cân bằng ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, hiện được xem như là đầu máy tăng trưởng của kinh tế thế giới, Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama cũng sẽ đến khu vực, [thăm] Ấn Độ và Indonesia, trước khi tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nam Hàn.

Các nhà quan sát nói rằng cuộc họp tại Hà Nội là nơi mà cả Trung Quốc và Mỹ có thể đạt được sự hỗ trợ của các nước lớn trước khi thực sự đụng độ ở G20 vào tháng tới tại Nam Hàn.

Trong một cuộc họp giữa Thủ tướng Trung Quốc, ông Ôn Gia Bảo và các lãnh đạo ASEAN tại đây hôm thứ Sáu, nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới đã đồng ý thành lập một nhóm cộng tác với ASEAN để làm rõ hơn tài liệu về ứng xử (DOC) trên biển Đông.

Trung Quốc sẵn sàng thảo luận về biển Đông với các nước ASEAN hơn là giải quyết tranh chấp biên giới với từng nước, được xem như là một cách tiếp cận mới có thể làm giảm căng thẳng trên biển, nơi được cho là có trữ lượng rất lớn về tài nguyên thiên nhiên.

Ông Ôn [Gia Bảo] nói với các lãnh đạo ASEAN rằng, Trung Quốc cố gắng tìm kiếm một “giải pháp cuối cùng” cho vấn đề biển Đông để tạo “hòa bình, hợp tác và hữu nghị” trong khu vực.

Không khí của cuộc họp là có sự hợp tác”, ông Djauhari Oratmangun, Vụ trưởng Vụ Hợp tác ASEAN – Bộ Ngoại giao Indonesia,  cho biết sau cuộc họp.

Ông Ôn cũng thông báo tại cuộc họp rằng Trung Quốc sẽ cung cấp 17 tỷ đô la vào các quỹ hợp tác khu vực để giúp các nước ASEAN nâng cao cơ sở hạ tầng của mình theo Quy hoạch tổng thể kết nối ASEAN, ngoài số quỹ đầu tư 10 tỷ đô la.

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cung cấp tín dụng trị giá $15 tỉ đô la”, ông Djauhari cho biết thêm.

Hôm thứ bảy, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sẽ chính thức nhận Hoa Kỳ và Nga làm thành viên, nghĩa là các lãnh đạo của cả hai nước có thể tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và sáu nước khác.

Indonesia, nước sẽ thay Việt Nam làm chủ tịch ASEAN trong năm tới, khẳng định hôm thứ Sáu rằng, nước này sẽ làm việc để ngăn chặn khu vực rơi vào tình trạng giống như chiến tranh lạnh, như có sự nghi ngờ lẫn nhau và [thái độ] thù địch, trong khi phấn đấu duy trì sự vắng mặt của một cường quốc vượt trội, với khả năng là Mỹ và Trung Quốc có thể sử dụng khu vực để đánh một cuộc chiến ủy nhiệm [tranh giành] ảnh hưởng.

Đối với Indonesia, việc này phù hợp với mong muốn của chúng tôi để xem sự cân bằng năng động trong khu vực của chúng tôi”, ông Djauhari nói.

Washington và Bắc Kinh đã đụng độ trong năm nay về các vấn đề bao gồm giá trị tiền tệ của Trung Quốc, Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và cuộc họp của ông Obama hồi tháng Hai với Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong.

Các mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng cũng đã căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ – đặc biệt với Nhật Bản – mà còn [căng thẳng] với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

Tuy nhiên, phát biểu tại Honolulu, bà Clinton phủ nhận rằng Mỹ đang tìm cách kềm chế Trung Quốc, khi bà bắt đầu chuyến đi hai tuần đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi đang ồn ào do sự quyết đoán của Trung Quốc trong thời gian gần đây.

A. K.

Ngọc Thu dịch từ http://www.thejakartapost.com/news/2010/10/30/china-woos-asean-counter-us-power.html

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Hoa Kỳ, Ngoại Giao, Trung Quốc. Bookmark the permalink.