(TBKTSG) – Không hẹn mà nên, trong lúc dư luận đang nóng lên với chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên và nguy cơ xảy ra thảm họa môi trường thì kỳ họp Quốc hội lần này cũng đang thảo luận dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung).
Việc xây dựng luật lần này cũng nhắm đến mục đích hạn chế, tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô, là một chủ trương được sự đồng thuận cao. Việc khai thác khoáng sản bừa bãi ở nhiều địa phương trong những năm qua đã để lại những hậu quả lớn cho môi trường, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế (xem thêm chuyên mục Sự kiện & Vấn đề tuần này trên TBKTSG: Khai thác và xuất khẩu khoáng sản thô).
Đặt trong bối cảnh đó, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên phải được nhìn nhận từ trách nhiệm của chủ đầu tư cho dù đây có là dự án cấp quốc gia. Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) được giao làm dự án này luôn khẳng định hiệu quả kinh tế cũng như đảm bảo về môi trường và tiếp tục kiên trì thực hiện dự án. Ngược lại, trước thảm họa bùn đỏ ở Hungary do khai thác bauxite, rất nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế được chuyển tải trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua, đã thể hiện một thái độ nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm, sự lo lắng về thảm họa môi trường cũng như sự an nguy của kinh tế Việt Nam nếu như các dự án khai thác bauxite vẫn tiếp tục được thực hiện.
Chưa kể đến hiệu quả kinh tế của dự án, mà ngay cả TKV cũng thừa nhận là không cao, chưa rõ ràng, chuyện an nguy môi trường không thể chỉ giao cho TKV mà phải là chuyện của toàn dân. Là doanh nghiệp, đương nhiên ưu tiên hàng đầu của TKV là hiệu quả kinh tế.
Điều đáng tiếc “sự kiện nóng” này lại không được Quốc hội đưa vào chương trình họp một cách chính thức. Trong công bố chương trình làm việc của Quốc hội kỳ họp lần này hoàn toàn không đề cập gì đến vấn đề bauxite. Trong lúc đó, phát biểu với báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên lại một mực bảo vệ cho việc thực hiện dự án bauxite, đảm bảo hai hồ chứa bùn đỏ an toàn, dù do chưa vận hành nên chỉ đảm bảo “về mặt lý thuyết”. Điều đáng ngạc nhiên là với tư cách người đứng đầu một bộ quản lý nhà nước, đáng lẽ Bộ trưởng phải giám sát các dự án bauxite tại Tây Nguyên thì lại phát biểu với tư cách như một… thành phần của dự án này.
Thiết nghĩ, từ những cảnh báo về hiểm họa môi trường diễn ra ở Hungary, một nước công nghiệp đã có kinh nghiệm khai thác bauxite hàng chục năm, và trước những ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế, những ý kiến tâm huyết của giới trí thức, Quốc hội trong kỳ họp này phải có tiếng nói chính thức để thực hiện vai trò giám sát của mình. Và nếu việc giám sát cho thấy nguy cơ tổn hại đến môi trường, không chỉ ở Tây Nguyên và cả môi trường sinh thái ở Nam Trung bộ và tỉnh Đồng Nai là có thật thì việc dừng ngay dự án khai thác bauxite là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay.
Thời báo Kinh tế Sài Gòn