Còn nhớ, đầu năm 1979 khi Trung Quốc xua 60 vạn quân tràn qua biên giới phía Bắc sang xâm lược Việt Nam thì ngay lập tức song với việc khẩn cấp chuyển hàng tiếp trợ cho Việt Nam, bao gồm các loại khí tài và nhu yếu phẩm, Tổng bí thư Liên Xô lúc đó là L.I. Brezhnev đã mạnh mẽ lên án Trung Quốc và tuyên bố, rằng Trung Quốc hãy dừng ngay việc xâm lược Việt Nam khi chưa còn quá muộn!
Hiện nay Việt Nam không (chưa?) có những Hiệp ước hữu nghị, liên minh và hợp tác toàn diện với bất cứ quốc gia nào khác giống như Hiệp ước đã ký với Liên Xô 1978. Bởi vậy, nay là thời điểm mà đối với những gì đang xảy ra ở Tây Nguyên, người Việt Nam cần phải tự mình lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu dừng dự án khai thác bauxite lại khi còn chưa quá muộn. Không ai có thể nói hộ, lo dọn dẹp mãi giúp chúng ta, khi mà hậu quả kinh tế cũng như viễn cảnh thảm họa môi trường sẽ thật là khủng khiếp mà các nhà kinh tế và khoa học đã kiên trì đưa ra rất nhiều dẫn chứng cụ thể suốt thời gian qua.
Thảm họa kinh hoàng vỡ hồ chứa bùn đỏ bauxite ở Hungary mới đây chỉ mới là một trong rất nhiều chỉ dấu cảnh báo cho Việt Nam thấy khả năng và mức độ rủi ro dễ dàng xảy ra đối với một dự án vượt trước thời gian bằng công nghệ lạc hậu. Vấn đề càng trở nên phức tạp, xuất hiện sự lo ngại xác đáng khi khai thác bauxite lại chính là các nhà thầu Trung Quốc, khi mà ngay trên đất nước họ, họ còn bất chấp cả các yếu tố bảo vệ môi trường, sức khỏe tính mạng người dân. Gần đây dưới sức ép của dư luận họ mới phải đóng cửa một loạt mỏ bauxite.
Hy vọng vào sự quan tâm bảo vệ môi trường của những đối tác dạng này là sự quá ngây thơ, và dù vô tình hay cố tình ru ngủ mình, ru ngủ dư luận thì tương lai gần nhất của đất nước cũng sẽ phải trả giá rất đắt. Các nhà quản lý Việt Nam có thể sang một số nước châu Phi như Sudan, Angola, v.v. quan sát “sự quan tâm đến môi trường” của các nhà thầu Trung Quốc. Cá nhân người viết đã từng đi tới một số thành phố Trung Quốc, vấn đề bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng của họ thật sự đáng báo động, cũng không hơn Việt Nam là bao. Những dòng sông chết dạng sông Đồng Nai sau khi Vedan đổ chất thải chưa qua xử lý xuống, những thị trấn chỉ lèo tèo vài ba cây xanh, nhiều nơi ruộng đồng khô cằn hoang hóa nơi quê hương của những nhà thầu báo hiệu bức tranh môi trường tương lai của Tây Nguyên chẳng sáng sủa gì.
Cần nhận biết thêm, nếu gộp yếu tố môi trường và an ninh quốc phòng lại, còn là người Việt Nam có lương tâm và lương tri thì không nên lẩn tránh một thực tế, sự cố vỡ hồ chứa bùn đỏ ở Hungary chỉ làm một số người chết, mang lại thảm họa môi trường và thiệt hại kinh tế to lớn cho đất nước này. Nhưng nếu bauxite Tây Nguyên có sự cố thì không chỉ cả một vùng rộng lớn bị nhấn chìm trong bùn đỏ mà còn chắc chắn có thêm dòng “bùn lạ” tràn đến kết hợp với “bùn quen” trước đó đã bám rễ, sinh sôi nảy nở ở Tây Nguyên làm biến đổi địa chính trị Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà đông đảo người dân từ mọi tầng lớp, trong đó phải kể đến hàng loạt tướng lĩnh, nhà khoa học, đặc biệt là nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nhà toán học Ngô Bảo Châu, v.v. quyết liệt lên tiếng phản đối một dự án thuộc “chủ trương lớn” như bauxite Tây Nguyên. Đây là hiện tượng xã hội vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam. Sự lo lắng, rát bỏng tâm can của những con người có tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, giống nòi cho chúng ta nhận thức sâu sắc mức độ của hiểm họa khai thác bauxite Tây Nguyên.
Thực tế cũng đã cho thấy, Việt Nam từng có nhiều chủ trương lớn trước đây như cải cách ruộng đất, vào hợp tác xã, phá bỏ nền kinh tế thị trường ở miền Nam sau 1975, v.v. và kết quả các chủ trương lớn này như thế nào thì có lẽ đã rõ. Sự duy ý chí và quyết tâm thực hiện bằng được, bất chấp các ý kiến phản bác mạnh mẽ của đông đảo các nhà khoa học, kinh tế, xã hội,… đối với dự án bauxite Tây Nguyên đang đặt ra nhiều câu hỏi khó hiểu.
Cụ thể, Việt Nam chưa tuyệt tự dòng giống tại sao phải cố sống, cố chết khai thác bauxite Tây Nguyên trong lúc công nghệ chưa phát triển và bối cảnh quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng khu vực nói chung và liên quan đến khu vực có dự án nói riêng đang có những diễn biến khó lường? Tại sao lại phải bất chấp hiệu quả kinh tế, rủi ro môi trường để khai mào một dự án mà rõ ràng ngay yếu tố cơ bản nhất như nguồn điện, nguồn nhân lực nội địa để sử dụng trong việc khai thác và chế biến alumina Việt Nam không thể đáp ứng được trong những năm tới? Phải chăng dự án khai thác bauxite Tây Nguyên không thuộc quyền quyết định của nhân dân và nhà nước Việt Nam, nó đã được bàn giao âm thầm cho ai đó toàn quyền “đạo diễn” giống như chuyện làm phim Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long? Biết đâu bauxite Tây Nguyên chỉ là một trong nhiều yếu tố có thể gây bất ổn kinh tế-xã hội, tạo sự lũng đoạn, tăng tính phụ thuộc của một quốc gia mà nạn tham nhũng hoành hành ở mức độ cao như Việt Nam?
Người viết bài này không dám có IQ cao như vị đại biểu Quốc hội nọ, và tuổi thơ không có cái may mắn được hàng ngày ngồi tàu cao tốc đến trường như các cháu bé ngoại quốc mà đại biểu thay mặt cho dân nào đó đã nhìn thấy, nhưng cũng đã đi một số quốc gia phát triển, chứng kiến ý thức phòng tránh rủi ro của người ta đến mức độ như thế nào. Tâm lý “mất bò mới rào chuồng” không bao giờ hiện hữu ở đó. Xác xuất rủi ro dù chỉ là một phần nghìn trong cuộc sống nhỏ nhặt hàng ngày người ta cũng cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng, đừng nói là một dự án lớn và liên quan đến thậm chí sự tồn vong của một dân tộc như bauxite Tây Nguyên.
Một điều nữa, dù người viết không có khả năng “thấy” trước, “thấy” sau như các nhà ngoại cảm, nhưng một điều thấy được, nếu dự án bauxite Tây Nguyên vẫn tiếp tục triển khai thì mai này khi ở “nóc nhà Đông Dương” xuất hiện những hồ chứa bùn đỏ bauxite được ví như những quả bom bẩn khổng lồ treo lơ lửng trên cao thì hàng triệu dân cư sống ở khu vực và hàng ngày hành khách Bắc, Nam qua lại dọc các tuyến đường phía dưới sẽ luôn phải cầu trời, khấn Phật để những quả “bom bẩn” và “bom lạ” không nổ tung tóe trên đầu mình bất cứ lúc nào.
Và câu chuyện chiếc xe khách xuất phát từ Tây Nguyên bị lũ cuốn trôi, bị nhấn chìm xuống sông Lam cùng 20 nạn nhân vừa qua vẻ như cũng liên tưởng tới một kết cục tất yếu của bức tranh dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Có thể ví dự án bauxite giống như chiếc xe chở khách. Do chủ trương lớn của ông chủ là phải về đến đích sớm bằng mọi giá, nên kẻ cầm tay lái bất chấp thời tiết, địa hình, bỏ ngoài tai không đếm xỉa đến những người có lương tri, bổn phận lên tiếng ngăn cản. Kẻ cầm lái coi thường tính mạng của dân, của mình đã mò mẫm đi trên con đường ngập nước với tư tưởng hên, xui 50/ 50 để rồi đâm đầu xuống sông, có lẽ theo đúng như tinh thần lời phát biểu của ông Đoàn Văn Kiển khi đang còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam: “Làm bô- xít hiệu quả hay không, chờ thực tế mới biết…!”
P. V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN