Cảm nghĩ nhanh sau khi theo dõi cuộc tranh luận chiều ngày 27/10 về dự án Bô-xít Tây Nguyên trên Diễn đàn Kinh tế Việt Nam và VietNamNet
Như chúng ta biết từ 14 giờ chiều ngày 27/10 báo điện tử VietnamNet đã tổ chức một buổi tranh luận trực tiếp về chủ đề “Nên hay không nên tiếp tục dự án bô-xít Tây Nguyên”.
Khách mời gồm:
Bên A chủ trương tiếp tục dự án gồm đại diện chính phủ ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đại diện chủ đầu tư, ông Nguyễn Thanh Liêm – Trưởng ban Nhôm – Titan của TKV.
Bên B chủ trương không nên tiếp tục gồm nhà văn Nguyên Ngọc – một trong những người đã ký tên vào bản kiến nghị xin dừng dự án, và TS. Nguyễn Thành Sơn – Giám đốc Công ty Năng lượng Sông Hồng – một thành viên khác cũng trực thuộc TKV.
Phần mở đầu, qua ông Liêm chúng ta được biết hai thông tin quan trọng hiện nay:
1. Dự án Tân Rai đã cơ bản là hoàn thành. Đến quý II/2011 sẽ bắt đầu có sản phẩm.
2. Còn dự án alumin Nhân Cơ đã kiểm tra lại các tính toán về kinh tế và mới đây cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép khởi công xây dựng.
Như vậy, nếu không có sự cố lan tràn bùn đỏ tại Hungary, không có kiến nghị thứ 2 của các nhân sỹ, mọi việc coi như đâu đã vào đó!
Chúng ta còn nhớ ngày 24/4/2009 sau khi các trí thức nhân sỹ trong và ngoài nước gởi lên kiến nghị thứ nhất, Bộ Chính trị đã họp và ra kết luận về “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bô-xít giai đoạn 2007 – 2015, có xét đến năm 2025”. Kết luận này có ghi rõ:
“Riêng Dự án Nhân Cơ, cần rà soát lại toàn bộ các vấn đề có liên quan, nhất là việc đánh giá hiệu quả kinh tế và tác động môi trường, nếu thực sự có hiệu quả và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường thì mới tiếp tục triển khai thực hiện”.
Thế là vấn đề “rà soát tác động môi trường”, “đánh giá hiệu quả kinh tế” coi như đã xong vì Thủ tướng chính phủ đã ký văn bản chính thức khởi công xây dựng.
Trong buổi tranh luận bên A lại hé lộ những thông tin làm tôi kinh ngạc!
Trước nhất việc rà soát để bảo đảm không có tác hại của môi trường, ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, đã cho hay là có làm việc với hai địa phương Lâm Đồng và Đắc Nông, thành lập hai trung tâm quan trắc với các chỉ tiêu về môi trường khi khai thác bô xít. Ông cũng thật thà nói ra là kinh phí việc thành lập các trung tâm và thực hiện đo đạc là do tập đoàn TKV cung cấp. Như vậy là Bộ TN&MT đã không thực thi qui trình thẩm định một cách nghiêm túc mà giao trứng cho ác. Thử hỏi chủ đầu tư có bao giờ tự là khó mình, tự nâng cao chi phí dự án bằng cách tạo điều kiện tối ưu cho hai trung tâm quan trắc trong việc thẩm định. Ta biết chất lượng của việc thẩm định là trình độ của cán bộ, là tính hiện đại của thiết bị. Tại sao Bộ TN&MT cho phép chủ đầu tư vừa đánh trống vừa thổì còi như vậy.
Ông Thứ trưởng còn cho hay là Bộ TN&MT cũng đã gởi một tiến sỹ tham gia Hội đồng thẩm định về việc thiết kế hồ chứa chất bùn đỏ nhẳm bảo vệ môi trường. Hội đồng này lại do Bộ Công thương cơ quan chủ quản của TKV thành lập. Hội đồng này mới vừa nhận được tài liệu báo cáo đầu tiên tháng 4 vừa qua. Báo cáo thẩm định quan trọng này lại chính do chủ đầu tư TKV đệ trình. Tại sao lại có chuyện tréo ngoe như vậy. Tại sao chủ đầu tư lại đi thẩm định dự án cho chính mình hoạch định? Vì lý do gì, chính phủ lại cho phép việc vừa đá bóng vừa thổi còi trơ trẽn này? Mà cũng tại sao chỉ có báo cáo thẩm định ban đầu chưa có qui trình tái phản biện mà chính phủ lại vội vã ra quyết định cho phép khởi công?
Đây chính là vận hành khép kín để vô hiệu hoá kết luận của Bộ Chính trị.
Thật vậy, tôi tự hỏi tại sao chính phủ không nghĩ đến một hội đồng thẩm định độc lập? Một ban thẩm định quốc tế chẳng hạn. Một việc quan trọng liên hệ đến cuộc sống của hàng triệu dân lành vùng Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, việc thẩm định do Bộ Chính trị, cơ quan cao cấp nhất của nhà cầm quyền đòi hỏi, mà khâu thực hiện sao quá vội vã và chểnh mảng như vậy?
Ông Thứ trưởng Bộ TN&MT còn nhắc đến việc thành hình một “tổ giám sát và cử một Phó Tổng cục trưởng làm tổ trưởng, trong đó có rất nhiều thành viên là những chuyên viên của Sở TN&MT địa phương và có người của bên TKV cùng tham dự”. Tôi tự hỏi tại sao trong tổ này không có mặt một nhân chứng độc lập, một nhân sỹ đã ký kiến nghị chẳng hạn? Mọi giám sát chỉ có nghĩa của nó khi tính độc lập, khách quan vô tư được bảo đảm. Không có nhân chứng độc lập mà ở đâu cũng lù lù xuất hiện người của chủ đầu tư TKV là lý do làm sao? Chỉ mỗi một việc nhỏ là trận đá bóng mà cũng có luật lệ cho việc chọn người giám biên khách quan kia mà! Ông Nguyễn Thanh Liêm của TKV còn bồi thêm: “Về tính an toàn của hồ bùn đỏ thì đã được cơ quan thiết kế, một viện tư vấn hàng đầu của Trung Quốc về lĩnh vực này và họ cũng đã làm nhiều công trình ở nước ngoài”. Rõ ràng trong quá trình thẩm định tư vấn vừa qua, mọi việc đều diễn ra chung quanh một chu trình khép kín của nhóm lợi ích đã thành hình. Thảo nào bây giờ ta mới được hé mở một chút thông tin về việc này. Tôi chưa bao giờ thấy ở đâu một thông tin nhỏ nào về việc thẩm định.
Trước câu hỏi chính xác của nhà báo Phạm Huyền:
– “Bạn đọc … có câu hỏi: Với công nghệ thải bùn ướt mà TKV đang áp dụng thì rất nhiều nhà khoa học đều nói rằng đó là công nghệ lạc hậu. Nếu chúng ta kiên quyết chọn công nghệ thải bùn khô thì hiệu quả và an toàn hơn. Tại sao trước những ý kiến đó, TKV vẫn kiên quyết chọn công nghệ thải bùn ướt?”, Ông Nguyễn Thanh Liêm đã trả lời:
“Còn hiện nay theo như chỉ đạo của Bộ Công Thương thì chúng tôi đang tiếp tục yêu cầu đơn vị tư vấn Trung Quốc phối hợp thêm với nước ngoài nghiên cứu xem xét có thể áp dụng phương pháp thải khô với điều kiện hiện nay được không. Nếu áp dụng được mà hiệu quả cả về kinh tế và môi trường thì chúng ta sẵn sàng áp dụng thôi chứ không có điều gì phải ngại cả”.
Té ra TVK chỉ yêu cầu tư vấn Trung Quốc đi tìm công nghệ mới chứ chưa dám chủ động gì cả. Rụt rè nhút nhát và bất lực như vậy mà làm chủ đầu tư một dự án liên quan đến mệnh hệ của cả dân tộc như dự án Bô xít Tây nguyên thì là chuyện khó chấp nhận. Xin nhắc kết luận của Bộ Chính trị ngày 24/4/2009 :
– “Việc lựa chọn công nghệ là một nội dung quan trọng; yêu cầu là phải sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại trên thế giới”.
Tôi bắt buộc phải nhận định ở đây là TKV coi thường quan điểm của Bộ Chính trị và họ không làm gì hết sau kết luận quan trọng này.
Ông Nguyễn Thành Sơn cũng phải thất vọng thốt lên trong buổi thảo luận :
– “Tôi rất buồn là TKV được Chính phủ giao cho thực hiện dự án lớn, nhạy cảm như thế này mà nhận thức về nguy hại về bùn đỏ như anh Liêm nói là rất lơ mơ”.
Trong phần tranh luận người ta thấy rõ đại diện TKV còn lẫn lộn việc công nghệ ướt có thể nguy hại khi khô nước và công nghệ khô bản thân nó tiên tiến hơn giảm thiểu rất nhiều nguy hại.
Về việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ, bên phản biện có lý khi cho rằng tại những địa bàn triển khai, không có địa hình thung lũng mà chỉ là những khe giữa các đồi núi, thường thích ứng với việc canh tác, có khả năng đứt gãy địa chất. Trong trường hợp này nguy cơ động đất sẽ tác hại hơn nhiều, ra ngoài những khẳng định lý thuyết mà dự án đã tính toán về hệ số an toàn. Bị đặt trước một phản biện kỹ thuật mà theo tôi rất xác đáng, ông Nguyễn Thanh Liêm của TKV đã áp dụng phép ngụy biện áp đặt như sau:
– “Tôi cũng đồng ý với anh Sơn là nguyên tắc thiết kế bùn đỏ không ai thiết kế trên những điểm đứt gãy nếu có tài liệu chứng minh nó đặt trên địa điểm đứt gãy, anh cứ đem ra đây chứng minh”.
Té ra TKV đã đứng ra thiết kế rồi nay đã bắt tay vào việc thực hiện, mà trên diễn đàn thảo luận ông Liêm lại bắt người khác đứng ra chứng minh giùm ông tính an toàn của công trình!
Điều này chứng tỏ trên thực tế TKV đã chưa bao giờ nghĩ đến nguy cơ này!
Qua cuộc thảo luận bài toán kinh tế đã rõ như ban ngày.
Chủ đầu tư còn đòi miễn thuế, còn không tính vào giá thành chi phí làm đường làm cầu của lượt đi và lượt về.
Đây là điều mà bên phản biện đã làm hiện rõ nhất! Ông Nguyễn Thanh Sơn đã rất thuyết phục sau khi đưa ra những thông số giá cả của nhiều tình huống khác nhau rồi kết luận:
– “Dự án Bô-xit không phải dự án là 5 ăn 5 thua mà 5 ăn 10 thua”.
Còn khi phát biểu:
– “Cần nhìn toàn thể vấn đề dự án bô-xít Tây Nguyên trong một cái nhìn tổng thế lớn hơn rất nhiều: kinh tế, sinh thái, môi trường, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng”, nhà văn Nguyên Ngọc với tấm lòng của mình với vùng Tây Nguyên đã khái quát chính xác vấn đề. Ông hoàn toàn thuyết phục tôi khi nhắc đến văn hoá Tây Nguyên, một bộ phận không thể thiếu của Văn hoá Việt Nam:
– “Văn hóa Tây Nguyên là văn hóa rừng, khi không còn rừng thì không còn văn hóa Tây Nguyên, chỉ còn văn hóa dỏm của Tây Nguyên thôi, văn hóa dỏm làm cho khách du lịch, cho Tây ba lô đến xem thôi. Và như vậy thì không có văn hóa thì không còn dân tộc. Và như vậy không phải ngẫu nhiên mà những vấn đề về môi trường, đất đai vừa qua đã trở thành vấn đề dân tộc ở Tây Nguyên“.
Điều mà tôi cho là quan trọng nhất lại không được đặt ra một cách đầy đủ: an ninh quốc phòng. Vì vấn đề qua nhạy cảm có yết tố “nuớc lạ” mà nhà báo Phạm Huyền né tránh chăng? Tôi cho rằng chính vì tính nhạy cảm của nó người Việt Nam ai cũng cảm thấy bất an vì dự án Tây Nguyên. Ba cái thư liên tiếp của đệ nhất công thần, anh cả của lực lượng vũ trang Võ Nguyên Giáp đều nhắc đến yếu tố này. Và chính đây là yếu tố đã thôi thúc tôi nhiều nhất khi hai lần ký kiến nghị và thiết tha mong chính phủ: không nên tiếp tục dự án bô-xít Tây Nguyên.
Liège ngày 28/10/2010
N. Đ. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN