(VNR500) – Bùn đỏ phải cần vỡ đê bao hồ chứa mới thực sự gây thảm họa, còn bụi đỏ thì chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng bay tứ tán, đe dọa tới sức khỏe của con người.
Bài viết dưới đây của hãng tin AP ghi nhận về những gì đang diễn ra ở thị trấn Point Comfort, gần vịnh Lavaca (Texax, Mỹ) cho chúng ta thấy một thảm họa khác từ phương pháp thải khô khi luyện quặng bô-xít.
Mỗi khi có một cơn gió ào qua thị trấn ven biển ở bang Texas này, những lớp bụi cáu đỏ thải ra từ một nhà máy sản xuất alumina gần đó lại tạo thành một cơn bão mù mịt những bụi là bụi, phủ kín các bãi cỏ, xe cộ và đèn đường.
Bụi đỏ, cùng với những hồ chứa bùn đỏ giáp vịnh Lavaca, là những lời nhắc nhở rằng thị trấn Point Comfort và nhà máy sản xuất alumina Alcoa ở đây chẳng hề xa xôi là mấy so với Hungary, nơi vừa xảy ra thảm họa vỡ hồ chứa bùn đỏ hồi đầu tháng này, tạo thành một cơn lũ độc hại tràn xuống các làng mạc lân cận và giết chết ít nhất 9 nhân mạng.
Nhiều người nói rằng, thảm họa ở Hungary khó có thể xảy ra ở nơi này. Nhưng, 3 nhà máy luyện alumina của Mỹ, 2 ở Texas và một ở bang Louisiana, cũng có những lo lắng ô nhiễm của riêng họ.
Trong cả hai trường hợp, phần lớn sự ô nhiễm đều đến từ những chất thải ra từ quy trình luyện quặng bô-xít sản xuất alumina. Ở Hungary, chất thải chứa chì, sắt và thủy ngân ăn da, được lưu trữ dưới dạng bùn đỏ trong hồ chứa nhân tạo. Còn ở Mỹ, các hố chứa không chứa chất thải như bùn. Thay vào đó, họ dùng phương pháp thải khô thay cho thải ướt, để biến bùn thành bụi.
Lớp bụi đỏ này được lưu trữ tại các hồ mà người dân gọi là “hồ bùn đỏ” và vào những ngày trời đầy nắng gió, chúng sẽ phát tán những lớp bụi đỏ vào không khí, tạo nên những cơn bão bụi.
Mặc dù, các nhà máy của Mỹ đã loại bỏ và tái chế phần lớn các chất ăn da, khiến chất thải ra từ quặng bô-xít đã bớt tính axit, nhưng bụi đỏ vẫn có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của những người dân xung quanh. “Chúng bám lên quần áo, nhà cửa và tất cả những gì để ngoài trời”, Elexia O. Henderson, một ông lão 75 tuổi sống gần nhà máy luyện alumina Noranda, nói.
Tuy nhiên, do những nhà máy này mang tới việc làm, nên những người dân sinh sống ở vùng này bị mắc kẹt giữa mong ước một cuộc sống chất lượng và khát khao một bầu không khí, một nguồn nước sạch sẽ.
“Hóa chất là sự tất yếu trong giai đoạn phát triển”, Sam Mannan, một kỹ sư hóa chất, nói. “Điều đó không có nghĩa là nó chỉ mang tới cho bạn quần áo, nhà cửa, xe cộ mà còn khiến bạn có nguy cơ mắc ung thư”.
Tại thị trấn Point Comfort, một số hiện tượng ô nhiễm đã xuất hiện và phát triển, chẳng hạn như lớp bụi đỏ rất lớn hay những chất độc hại đã được tích lũy nhiều năm trước khi có luật bảo vệ môi trường, như chất thủy ngân rò rỉ từ các nhà máy luyện kim đã đóng cửa, làm ô uế vùng biển trong những năm 1960 và 1970.
Cách Point Comfort khoảng 75 dặm về phía nam, ở thành phố Gregory, bụi đỏ cũng là một vấn đề xung quanh khu nhà máy sản xuất alumina Sherwin, bất kể nhà máy đã dùng máy phun nước để giữ ẩm, ngăn không cho bụi phát tán. Còn ở nhà máy Gramercy (Louisiana), có người nói rằng, bụi đỏ đôi khi che phủ mọi thứ.
Hiện chưa rõ liệu bụi đỏ có tác hại như thế nào tới sức khỏe của con người. Các nhà quản lý môi trường cho rằng, hàm lượng các kim loại nguy hiểm tiềm ẩn trong bụi đỏ có thể chưa đủ để gây ra những tác hại. Tuy nhiên, ông Mannan cho rằng, thậm chí cả những hạt bụi lành tính nhất, nhưng với số lượng lớn, cũng có thể làm tổn hại sức khỏe của những người có vấn đề về hô hấp.
Tại Texax, những gì ẩn náu dưới lớp trầm tích của vịnh Lavaca còn tạo ra mối đe dọa lớn hơn. Nằm sâu dưới lớp nước xanh thăm thẳm là hàng ngàn pao thủy ngân bị rò rỉ hàng chục năm nay, khiến vịnh này trở thành một điểm ô nhiễm dưới nước vô cùng nghiêm trọng của nước Mỹ.
“Tôi thực sự nhìn thấy những giọt thủy ngân chảy vào vịnh này”, Eddy Arnold Jr., một nhân viên đã làm việc suốt 12 năm trong một cơ sở kiềm đã đóng cửa thuộc nhà máy Alcoa, nói. “Tôi đã thông báo cho người giám sát và ông ấy nói rằng: Coi như anh chưa nhìn thấy gì nhé”.
Giai đoạn đó, Ủy ban bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) mới còn trứng nước và luật pháp còn lỏng lẻo. Tuy nhiên, mối nguy hiểm từ thủy ngân đã được biết đến. Anh Arnold nói rằng, hàng tuần các công nhân phải xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra hàm lượng thủy ngân.
Sau đó, nhà máy Alcoa, trụ sở ở Pittsburgh, đã chi gần 100 triệu USD để làm sạch vịnh biển này. Họ đã trục được 150 nghìn mét khối cặn bẩn đem chôn ở đảo Dredge rộng 400 mẫu Anh, một hòn đảo nhân tạo khổng lồ trong vịnh, Gary Baumgarten, một quan chức của EPA cho hay. Tuy nhiên, một số điểm đánh cá vẫn treo biển cấm lui tới và những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiềm tàng nếu ăn cá tôm đánh bắt ở khu vực này.
Trong những năm tháng, chất thủy ngân vẫn đang rò rỉ, Alcoa gần như thống trị cuộc sống ở Point Comfort. Hầu hết mọi người ở đây đều làm việc cho Alcoa. Ở trường, học sinh không có cây bút chì nào khác, ngoài những cây bút có dấu “Alcoa”. Alcoa cũng chi tiền cho người dân sơn lại xe ôtô, do bị các chất ăn da trong bụi đỏ làm mòn màu sơn.
Ngày nay, luật pháp của liên bang và các tiểu bang của Mỹ đã quy định chặt chẽ về việc làm sạch, các công ty phải giám sát khí thải, nước ngầm và các chất ô nhiễm khác.
Tuy nhiên, thực tế, các công ty sản xuất alumina ở Mỹ vẫn gây ra những ô nhiễm môi trường nhất định. Trong khoảng thời gian, từ 2005 đến năm 2009, các nhà chức trách bang Texas đã phạt Alcoa 152.111 USD vì 27 lỗi vi phạm khác nhau. Nhà máy alumina ở Sherwin bị phạt khoảng 48.000 USD trong cùng thời kỳ với 12 lỗi. Trong khi, các nhà quản lý môi trường ở Louisiana phạt nhà máy ở Gramercy 27.000 USD vì một vụ kiện trong 5 năm.
T. V.
Nguồn: http://vnr500.vn/2010-10-29-bui-do-tu-luyen-quang-bo-xit-ac-mong-co-thuc