“Đảng không nên quyết tất cả”

“Đảng lãnh đạo nhưng phải theo nguyên tắc để Quốc hội, Chính phủ bàn, sau đó nghe cả mặt phải, trái rồi ra quyết định. Còn nếu cứ Đảng làm thay thì các thiết chế khác thành hình thức thôi”.

Quốc hội đã dành 1 ngày họp tổ hôm qua (28/10) để góp ý vào dự thảo các văn kiện trình ĐH Đảng XI.

ĐB Nguyễn Văn Thuận (ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật):
Sao lại rụt rè “thí điểm” kết nạp DN tư nhân vào Đảng?

Để góp ý cho cương lĩnh, chiến lược và văn kiện chuẩn bị cho ĐH Đảng XI, tôi thấy vẫn có sự “lệch” giữa lý luận, nhận thức và thực tiễn.`

Tại ĐH Đảng VI, khi Đảng ta quyết định tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường, như thế ta đã thay đổi chủ nghĩa Mác, bởi chủ nghĩa Mác nói chế độ XHCN là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chỉ tư hữu về chế độ tiêu dùng. Khi chỉ có một thành phần kinh tế thì đương nhiên trên thượng tầng kiến trúc chỉ có một đảng, vì chỉ có một lợi ích.

ĐB Nguyễn Văn Thuận: Ta lại muốn tìm con đường riêng... Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Nguyễn Văn Thuận: Ta lại muốn tìm con đường riêng... Ảnh: Lê Anh Dũng

Khi đổi mới chúng ta chấp nhận 5 thành phần kinh tế nghĩa là chấp nhận đa thành phần kinh tế ở cơ sở hạ tầng. Mà hạ tầng cơ sở kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc xã hội. Vậy giờ đa thành phần kinh tế thì thượng tầng kiến trúc xã hội sẽ ra sao?

Đến ĐH Đảng IX, Đảng ta định thay đổi lần thứ hai về chủ nghĩa Mác: Động lực của sự phát triển là khối đại đoàn kết toàn dân, trên cơ sở giải quyết hài hòa các lợi ích, các thành phần kinh tế cùng tồn tại lâu dài, cấu thành một phần quan trọng nền kinh tế quốc dân.

Trong khi theo chủ nghĩa Mác thì động lực của sự phát triển là đấu tranh giai cấp, đỉnh cao của đấu tranh giai cấp là dùng bạo lực cách mạng, chuyên chính vô sản để xóa bỏ tư hữu về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Cũng ĐH IX khẳng định phát triển các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động, khi đã xác định lao động là hàng hóa là trao đổi ngang giá chứ không có ai bóc lột ai. Chúng ta có ngày doanh nhân VN, trong khi nếu hiểu theo chủ nghĩa Mác thì doanh nhân thực chất là các nhà chiếm lĩnh tư nhân về tư liệu sản xuất.

Với những thay đổi cốt lõi này, ta phải diễn đạt lại về bản chất Đảng, thực chất là thay đổi bản chất Đảng. Đảng ta quyết định không thể đa nguyên, đa đảng, vậy thì đảng là đảng của ai? Ta đã nhận thức rằng Đảng Cộng sản VN là đội tiền phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân Việt Nam. Vậy thì Đảng là Đảng của toàn dân rồi, sao lại rụt rè “thí điểm” kết nạp DN tư nhân vào Đảng?

Như vậy, giữa mục tiêu ta định hướng tới với thực tế ta đang làm không trùng nhau. Khi tiến hành đổi mới, chúng tôi là những nhà nghiên cứu, chúng tôi hy vọng đất nước đang đi theo phổ quát của thế giới, nhưng ta lại đang muốn tìm con đường riêng…

Không ai lấn ai

Một vấn đề quan trọng nữa mà chúng ta bàn nhiều trong mấy chục năm nay, là Đảng lãnh đạo nhà nước như thế nào?

Quy luật kỳ chiến tranh khác, không thể mang mọi chuyện ra QH, HĐND mà bàn được. Đảng phải thông qua cơ quan hành chính, thông qua chính phủ kháng chiến để chỉ đạo, tập hợp lực lượng, các nghị quyết của Đảng không cần chuyển thành pháp luật mà cứ thế động viên nhân dân. Yêu cầu của thời chiến là thế.

Nhưng trong xây dựng kinh tế thì không thể cứ nghị quyết của Đảng, Đảng không nên quyết tất cả. Đảng phải hóa thân vào Nhà nước, cơ quan nhà nước phải tham mưu cho Đảng quyết định. Như nhiệm kỳ này chúng ta có kinh nghiệm với quyết định đầu tư Đường sắt cao tốc. Đảng để QH thảo luận và quyết thì có một quyết định hợp lòng dân.

Nghị quyết của Đảng muốn đưa ra xã hội thực hiện phải thể hiện bằng pháp luật, nghị quyết của Đảng chỉ có giá trị với đảng viên, xã hội không có trách nhiệm phải chấp nhận.

Linh hồn pháp luật chính là đường lối chính sách của Đảng

Hoạt động của QH, HĐND còn hình thức là do yếu tố lịch sử, khi đảng ta cầm quyền thì có chiến tranh, một thời gian dài thành tư tưởng nhận thức, mới có quan niệm chỉ cần Chính phủ mạnh chứ không cần QH mạnh, chỉ cần UBND mạnh mà không cần HĐND mạnh.

Trong xây dựng nhà nước pháp quyền thì thiết chế nào cũng phải mạnh, mỗi thiết chế làm đúng việc của mình chứ không ai lấn ai.

Chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng không tuân thủ nguyên tắc. Đảng phải lãnh đạo nhưng phải theo nguyên tắc để QH, CP bàn, sau đó báo cáo lại, nghe cả mặt phải và trái rồi ra quyết định. Còn nếu cứ Đảng làm thay thì các thiết chế khác thành hình thức thôi.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội):
Nói rồi có dám làm không?

Tôi không hiểu đây có phải là cách các văn kiện ĐH Đảng của chúng ta thường viết hay không, nhưng tôi cảm thấy có nhiều điều lẫn lộn, nhiều điều mâu thuẫn và không hợp lý giữa 3 dự thảo văn kiện.

ĐB Phạm Thị Loan: "Doanh nghiệp nhà nước đóng góp bao nhiêu % GDP mà là chủ đạo?". Ảnh: Lê Anh Dũng

ĐB Phạm Thị Loan: "Doanh nghiệp nhà nước đóng góp bao nhiêu % GDP mà là chủ đạo?". Ảnh: Lê Anh Dũng

Về Cương lĩnh, tôi có nhiều quan điểm khác, tôi cho rằng chúng ta phải suy nghĩ thực sự thực tiễn. Cương lĩnh viết “Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng suốt, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh thì đương nhiên rồi, nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin liệu có còn là kim chỉ nam, là lý tưởng pháp lý mà chúng ta đi theo không? Cần phải xem lại lý luận này, nên chăng xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng những quy luật phát triển khách quan của xã hội, kinh tế phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Các văn kiện cũng chưa giải thích rõ khái niệm “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”, có mâu thuẫn gì với nhau không, phát triển nó bằng cách nào. “Nền kinh tế thị trường” cũng mâu thuẫn với “kinh tế nhà nước là chủ đạo”. Chúng ta nên xác định kinh tế toàn dân, trong đó có kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, mới là chủ đạo, kinh tế nhà nước là định hướng. Nhà nước đóng vai trò quản lý, kiểm soát tất cả nền kinh tế, các doanh nghiệp NN chỉ đóng vai trò dẫn đường. Thử hỏi các công ty NN hiện đóng góp bao nhiêu phần trăm GDP, giải quyết bao nhiêu công ăn việc làm mà gọi là chủ đạo?

Phải giao rõ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi cho các doanh nghiệp NN. Những gì mà kinh tế toàn dân không làm được thì DNNN mới đứng lên gánh vác, hỗ trợ, bù đắp. Phải xác định vai trò của họ, giao nhiệm vụ và có kiểm soát, xác định trách nhiệm là họ phải đóng góp thế nào cho xã hội, nền kinh tế, ngân sách với những phương tiện họ có trong tay. Hiện nay chưa có cơ chế cho các DNNN nên rất khó để kiểm soát trách nhiệm của họ.

Cái hay là trong văn bản lần này đã viết ra những thực tại trong xã hội, nhưng nói rồi có dám làm không, dám thay đổi không?

Khánh Linh – Thủy Chung ghi

Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201010/dang-khong-nen-quyet-tat-ca-944907/

This entry was posted in Đảng CSVN, kinh tế, quốc hội. Bookmark the permalink.