Chưa bao giờ có một cuộc vận động nào sôi nổi, cuốn hút sự quan tâm của người dân Việt, bất kể là trong hay ngoài nước, như Kiến nghị dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Càng ngày càng có nhiều người lên tiếng ủng hộ Kiến nghị, trong đó có cả những nhà chính trị nổi tiếng như Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Tuy nhiên, trở lực vẫn sừng sững. Ý kiến sau đây của TS Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho thấy trở lực đó là có thật, ngay trong Quốc hội – một cơ quan dân cử.
Bauxite Việt Nam
Đó là ý kiến của TS Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. “Nếu dự án đó chưa vận hành, phải yêu cầu xây bể chứa bùn đỏ xong mới được vận hành, nếu cố tình vi phạm thì mới đình chỉ”, ông nói.
Bee.net.vn vừa có cuộc trao đổi với TS Nghiêm Vũ Khải xung quanh vấn đề bauxite đang được dư luận hết sức quan tâm.
Đừng cái gì cũng giả thiết vậy
Gần đây, nhiều nhân sỹ và chuyên gia bày tỏ mối lo ngại về hiệu quả cũng như nguy cơ môi trường từ tổ hợp bauxite nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đắk Nông). Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Cái người ta lo nhất là bùn đỏ ảnh hưởng tới môi trường. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, Chính phủ đã họp nhiều lần. Thậm chí, ngày 22/10, đích thân Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ TN&MT giám sát thật kỹ quá trình thi công của tổ hợp này để đảm bảo an toàn, nhất là sau sự kiện ở Hungary.
Theo Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đầu tư, việc đầu tư như hai dự án đó phải có báo cáo đánh giá tác động về môi trường, và khi hoàn thiện phải đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường mới được vận hành. Dự án này được xã hội và Nhà nước hết sức quan tâm nên nhà thi công chắc chắn phải thực hiện nghiêm túc. Rủi ro thì phải tính hết, nhưng cái gì cũng cứ giả thiết vậy, QH làm gì có điều kiện xem xét cụ thể..
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng nên dừng hai dự án này, để con cháu chúng ta khai thác?
Không tùy tiện đình chỉ được. Nếu dự án đó chưa vận hành, phải yêu cầu xây bể chứa bùn đỏ xong mới được vận hành, nếu cố tình vi phạm thì mới đình chỉ.
Trong quá trình vận hành nếu phát sinh vấn đề mới, Luật Bảo vệ môi trường tại Điều 49, Khoản 3 có quy định hình thức xử lý các cơ sở, tạm đình chỉ để khắc phục, khắc phục xong mới được vận hành. Nếu không phải di dời ra vị trí khác hoặc đình chỉ vĩnh viễn. Ngoài ra, đơn vị vi phạm còn chịu xử lý hành chính và nếu cần thì xử lý hình sự. Vấn đề là phải giám sát, kiểm tra để thực hiện cho đúng.
Còn ai nói đình chỉ là ý kiến của họ, chúng ta phải chiếu theo Luật mà làm, không nên dùng biện pháp hành chính trong việc đầu tư.
Tôi nghĩ vấn đề họ lo là chưa làm xong hồ chứa bùn đỏ, cứ sản xuất thì sẽ ra sao. Theo luật, xây xong nhà máy rồi nhưng chưa làm xong bể chứa bùn đỏ thì sẽ không được vận hành. Và cũng không ai dại gì mà thiếu trách nhiệm đến mức cho vận hành trước khi có bể chứa bùn đỏ. Vì đó là vi phạm pháp luật, ai cố tình làm thì phải chịu trách nhiệm.
Không cần đưa vào chương trình nghị sự
Nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự. Với cương vị là Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông có nghĩ như vậy không?
Tôi thấy chương trình QH đã được thông qua, nhưng thông qua không có hàm ý là cấm không được thêm vấn đề gì. Việc nêu ý kiến và phát biểu là quyền của các đại biểu. Đại biểu có thể phát biểu trong phần phát triển KT – XH hay chất vấn thành viên Chính phủ có liên quan.
Cá nhân tôi thấy không cần thiết phải đưa vấn đề này thành một danh mục trong chương trình nghị sự. QH rất nhiều vấn đề quan trọng phải bàn thảo, nhưng thời gian lại có hạn, nên tôi nghĩ nên tập trung vào các vấn đề chính. Chứ nếu vấn đề gì cũng bàn thì chắc có khi ta phải họp đến 3,4 tháng mới xong.
Nếu chiếu theo Nghị quyết 49 về các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, tổ hợp bauxite nhôm Tân Rai và dự án Nhân Cơ có thuộc diện này không?
Theo Nghị quyết 49, dự án công trình trọng điểm Quốc gia phải đạt các tiêu chuẩn về vốn, môi trường, di dân tái định cư, số lượng dân, quốc phòng an ninh…
Nếu xét từng công trình một, vốn theo quyết định mới đây nhất là phải từ 35 nghìn tỷ đồng trở lên, dự án này cũng chưa chạm, nên không đạt công trình trọng điểm quốc gia được.
Sau khi tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai (Lâm Đồng) và dự án Nhân Cơ (Đắk Nông) lần lượt được khởi công, tôi và nhiều nhân sĩ tri thức cả nước đã lo ngại về hiệu quả cũng như nguy cơ môi trường mà dự án có thể gây ra. Sự cố hồ bùn đỏ ở Hungary mới đây lại là một luận cứ rõ ràng dấy lên mối lo ngại mà trước đây chúng tôi từng đưa ra.
Chính vì thế, một lần nữa, tôi và các nhân sĩ lại gửi đơn kiến nghị đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội dù tôi biết, đặt lại vấn đề dừng triển khai khi dự án đang thi công sẽ khó hơn rất nhiều so với trước kia. Thế nhưng chúng ta cần có dũng khí quyết định dừng lại đúng lúc.
N.Yến