Không chỉ cứu ngư dân mà còn là tư thế quốc gia

Chín ngư dân can trường bị bắt vô cớ trên lãnh hải của Tổ quốc, sau 44 ngày đêm bị Trung Quốc giam giữ và mắc kẹt do gió bão, đã khóc khi nhìn thấy cờ Tổ quốc trên tàu cứu hộ.

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng 8 ngư dân đã khóc khi nhìn thấy lá cờ tổ quốc. Ảnh do gia đình cung cấp cho VietNamNet

Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu cùng 8 ngư dân đã khóc khi nhìn thấy lá cờ tổ quốc. Ảnh do gia đình cung cấp cho VietNamNet

Từ khi Trung Quốc, một cách vô cớ bắt giữ chín ngư dân hiền lành và dũng cảm của huyện đảo Lý Sơn, vẫn không ai nghĩ đây là một khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam, nhưng tình hình vẫn nóng âm ỉ từng ngày. Cho đến khi có tin kháng nghị của Bộ Ngoại giao ta đòi thả người “ngay lập tức và vô điều kiện” được đáp ứng, chúng ta vẫn chưa hết lo lắng.

Đáng tiếc là chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc vô cớ bắt trên lãnh hải Tổ quốc mình, bị tịch thu ngư cụ, phải nộp tiền phạt, thậm chí còn bị đánh đập là chuyện “thường ngày ở huyện”.

Vẫn biết khủng hoảng ngoại giao phải xuất phát từ một tình thế bế tắc, ở cấp độ nhà nước. Trong trường hợp chín ngư dân Lý Sơn, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã cương quyết đòi thả đồng bào ta ngay lập tức, vô điều kiện và Trung Quốc sau nhiều trì hoãn, cuối cùng cũng chấp thuận. Như thế ở đây chưa đến mức khủng hoảng.

Theo Bí thư huyện uỷ kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn Võ Xuân, địa phương đã vận động thêm tàu của ngư dân tham gia cùng tàu cứu hộ đưa đồng bào vào bờ. Huyện sẽ trang trải mọi chi phí cho tàu ngư dân làm nhiệm vụ nói trên.

Tính đến nay là đã mười ngày kể từ khi nhận được tin chín ngư dân trên tàu cá QNg 66 478 TS của ông Mai Phụng Lưu còn sống ngoài quần đảo Hoàng Sa. Ngay cả khi áp thấp nhiệt đới đã tan, bão số 6 đã qua nhưng trong lòng những người thân của chín ngư dân trên đảo Lý Sơn vẫn như có lửa đốt.

Được tin người thân trên đường về, nhưng “mắt chưa thấy lòng vẫn lo”. Không rõ tình trạng của những người bị hại như thế nào từ những ngày giữa mênh mông sóng dữ, phải dùng chăn mền làm cánh buồm vì không còn giọt nhiên liệu nào trên tàu nữa?

Suy ngẫm về cách hành xử của Trung Quốc mà thấy lạ! Bắt giam công dân nước ngoài (với một nước Trung Quốc tự nhận có quan hệ bạn bè tốt, láng giềng tốt) mà cả tháng trời không cho thăm lãnh sự, lúc thả người giữa biển không cấp bộ đàm, không cấp nhiên liệu, (lúc đầu) không báo cho quốc gia có người bị hại địa điểm, thời gian, nơi chốn thả…

Tình thần dân tộc, tư thế quốc gia

Vừa chứng kiến câu chuyện cổ tích thời hiện đại của Chile trong vụ giải cứu 33 thợ mỏ, không thể không liên tưởng đến tình cảnh của ngư dân ta. Hai hoàn cảnh “hơi bị” giống nhau, mặc dù không được quên, một bên là trời hại, một bên do người hại!

Trên thực tế nhà nước ta đã có thái độ kịp thời, kiên quyết trong việc đòi thả những ngư dân bị bắt vô cớ. Tuy nhiên, thông tin có lúc mù mờ như vừa qua thì dư luận bức xúc là chính đáng, vì không thể để phó mặc ngư dân giữa muôn trùng hiểm nguy. Ở đây không chỉ việc phải khẩn cấp cứu ngư dân mà còn là vấn đề tinh thần dân tộc, tư thế quốc gia!

Rồi đây liệu Việt Nam và Trung Quốc có ngồi lại để rút kinh nghiệm? Có lập đường dây nóng cấp thừa hành để tránh những tình huống như thế này?

Câu chuyện chắc không đơn giản như lòng mong muốn chân thành của phía bị hại! Muốn tránh những vụ việc như thế này, phải đàm phán và thỏa thuận ở cấp hoạch định chính sách.

Cần phân biệt hai tình huống: Ngư dân bị bắt khi đi lạc vào hải phận nước khác và ngư dân bị bắt ngay trên lãnh hải của tổ quốc mình. Nhưng dù tình huống nào thì thế giới văn minh vẫn tìm ra những cách hành xử văn minh.

Chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc vô cớ bắt trên lãnh hải Tổ quốc mình, bị tịch thu ngư cụ, phải nộp tiền phạt, thậm chí còn bị đánh đập là chuyện "thường ngày ở huyện".

Chuyện ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc vô cớ bắt trên lãnh hải Tổ quốc mình, bị tịch thu ngư cụ, phải nộp tiền phạt, thậm chí còn bị đánh đập là chuyện "thường ngày ở huyện".

Không chỉ cư dân mạng mà đồng bào cả nước đã và đang theo dõi sát sao số phận của chín con người không may. Mong sao họ được đón như những chiến binh dũng cảm đã góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tiếc rằng các điều kiện ở Việt Nam chưa hội đủ để họ được chào mừng như những người thợ mỏ Chile!

Với Trung Quốc, chúng ta càng nên tránh để bị kích động tinh thần dân tộc. Nhớ lời lời Bác dặn: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng!“. Đành rằng, nhân nhượng phải có nguyên tắc!

Thỏa hiệp vô nguyên tắc hay kích động hiềm khích giữa hai dân tộc Việt-Hoa đều có thể dẫn đến những tai hại như nhau!

Mong sao chín ngư dân ta được an lành, khỏe mạnh, được hỗ trợ sau lâm nạn thì xót xa sẽ vợi bớt và nguôi ngoai dần. Tuy nhiên, nỗi lo vẫn còn đấy! Chừng nào Trung Quốc chưa thay đổi yêu sách đòi 80% diện tích toàn Biển Đông, vẫn độc chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của Việt Nam, thì những chuyện tương tự vẫn có thể xảy ra mà ta chưa làm được gì nhiều để ngăn cản.

Cũng may vụ Lý Sơn không có những diễn biến xấu hơn, nếu không nó sẽ để lại dấu ấn tiêu cực trong năm hai nước Việt – Trung đang kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đối với khu vực nói chung và ASEAN nói riêng, câu chuyện Lý Sơn Việt Nam càng cho thấy nhu cầu cấp bách của việc Trung Quốc và ASEAN cần gấp rút và nhanh chóng đi đến thỏa thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) thay cho Tuyên bố chính trị cách đây 8 năm (DOC).

Một vấn đề cấp bách và sống còn đối với hàng triệu triệu người dân trong khu vực và trên thế giới không thể cứ “câu giờ” mãi như thế. Một lời hứa từ một nước lớn vẫn tự coi là có trách nhiệm ở cấp vùng và trên toàn cầu mà sau 8 năm vẫn không thực hiện thì sao còn là lời hứa nữa?!

Đ. H. T.

Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-10-26-khong-chi-cuu-ngu-dan-ma-con-la-tu-the-quoc-gia

This entry was posted in Hoàng Sa, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.