Bauxite Tây Nguyên là một vấn đề càng ngày càng nóng bỏng, thu hút sự chú ý của đông đảo người dân Việt. Bauxite Việt Nam xin đăng một bút ký của Nguyễn Hữu Nhàn, đăng trên tạp chí Hồn Việt tháng 9 năm 2010, kết quả của một ngày quan sát thực địa tại nhà máy Nhân Cơ. Tác giả cho biết là thành viên của một “đoàn nhà văn”, nhưng không cho biết đoàn nhà văn nào, có bao nhiêu người. Bài của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn làm người ta nhớ tới bút ký Bauxit và những điều khác của một nhà văn khác – Lã Thanh Tùng –, cũng là thành viên của một “đoàn nhà văn”, đăng trên báo Văn nghệ số 44 cách đây một năm, nhưng lại nói về nhà máy Tân Rai.
Bauxite Việt Nam
1. Đầu hè, Hà Nội, Huế, Sài Gòn đang nóng như lò lửa, nhưng ở Đắk Nông nắng vẫn dịu mát trải vàng trên miền đất đỏ bazan. Nguyễn Văn Hiếu – Chánh văn phòng Công ty cổ phần Alumin Nhân Cơ – TKV ra giữa sân nắng vẫy tay ra hiệu cho ô-tô chạy vào sát cửa hội trường. Chúng tôi đứng chờ ngoài cửa cho năm ba cán bộ kỹ sư người Trung Quốc thu dọn máy tính, thiết kế, bản đồ… sang làm việc tạm phía nhà ăn để nhường hội trường cho Công ty tiếp khách. Nguyễn Văn Hiếu cho biết: – Thông tin từ Hà Nội báo việc đoàn nhà văn đến đây bị “thất lạc” nên lãnh đạo công ty đều vắng mặt.
Tôi thoáng thấy quanh tường hội trường treo kín ảnh, khách đến Công ty. Thấy có Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Quốc phòng và nhiều Ủy viên Bộ Chính trị khác. Hiếu nói:
– Nhà máy này xây dựng với số vốn không nhiều. Nó không thuộc công trình trọng điểm quốc gia như Thủy điện Sơn La, nhưng do dư luận xã hội quan tâm quá, nên nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước phải đến tận nơi tìm hiểu.
Tôi hỏi:
– Vậy tại sao không thuê người Pháp, người Mỹ… vào làm mà cứ phải là Trung Quốc?
– Công ty của Pháp muốn góp vốn xây nhà máy và cùng sản xuất kinh doanh nhưng ta chủ trương đấu thầu quốc tế để công ty nước ngoài thiết kế xây dựng nhà máy rồi bàn giao cho công nhân của ta chạy thử thành công thì họ hết hợp đồng rút hết người về nước.
Năm ngoái một anh bạn ở Gia Lai cho biết hiện ở Đắk Nông có hàng vạn người Trung Quốc đang sinh sống khai thác quặng bô-xít. Tôi hỏi Hiếu:
– Người Trung Quốc đang sống ở đâu? Chúng tôi muốn đến để “thực tế”.
– Chưa có người nào cả. Chỉ có vài cán bộ kỹ thuật đến vài ngày xem xét chuẩn bị để tháng 10 họ mới cho công nhân đến xây dựng cho ta nhà máy sản xuất Alumin từ quặng bô-xít.
Đúng là có lửa mới có khói. Dư luận có vống lên nhưng không hẳn chỉ do kẻ thù tung tin đồn nhảm mà còn vì mối quan tâm đến an ninh quốc gia của mọi người Việt Nam yêu nước thấy chưa thật yên lòng trước vấn đề bô-xít Tây Nguyên hiện nay. Phải chăng vì ở đây do thiếu sự tuyên truyền giải thích mà dư luận cả nước về bô-xít ở Tây Nguyên mới nóng lên đến mức công ty này phải hoãn công việc một năm để chờ Quốc hội thảo luận biểu quyết cho tiếp tục thực hiện.
Hiếu bấm máy điện thoại di động mời các cán bộ phụ trách về kỹ thuật, đào tạo, đền bù và quản đốc công trường địa chất của công ty đến làm việc với chúng tôi.
Các nhà văn gặp từng người hỏi và ghi chép không ngừng.
Tôi nhìn thấy giữa bức tường hậu treo tấm bản đồ lớn. Giữa bản đồ in màu vàng nhạt viền xung quanh màu xanh đậm. Hiếu cho biết tấm bản địa hình bô-xít Đắk Nông của quân sự chụp từ trên không. Khu vực giữa có quặng bô-xít cây cối không mọc được nên có màu vàng sáng. Màu xanh viền quanh là các khu rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), một cánh rừng vùng biên giới Campuchia và khu bảo tồn Nam Lung. Con sông Đồng Nai như nét vẽ trắng xuyên qua mảng màu xanh.
Hiếu vừa chỉ lên bản đồ vừa giải thích cho chúng tôi biết: Tỉnh Đắk Nông có trữ lượng quặng bô-xít nhiều nhất cả nước. Mà Việt Nam lại có trữ lượng bô-xít lớn thứ 3 trên thế giới sau Guinea và Australia. Dự kiến tỉnh Đắk Nông sẽ xây bốn nhà máy sản xuất Alumin. Còn từ Alumin sản xuất ra nhôm kim loại còn phải qua công đoạn điện phân tốn rất nhiều điện phải chờ có nhà máy thủy điện Đồng Nai V, chuyên phục vụ cho sản xuất nhôm. Ta không có chủ trương xuất khẩu quặng bô-xít. Alumin không phải là sản phẩm thô, có giá trị thương mại cao nhưng biến nó thành nhôm kim loại thì mới thật sự có hiệu quả kinh tế.
Các tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt tỉnh Đắk Nông đang trông chờ vào các dự án khai thác bô-xít, sản xuất Alumin, nhôm để biến vùng đất nghèo thành giàu có.
Nguyễn Văn Hiếu, người miền Bắc học xong Cao đẳng Bản đồ liền vào đây thăm dò quặng bô-xít cùng với các chuyên gia Hunggari từ 1981. Hiếu nói:
– Các anh tìm hiểu thực tế sẽ rõ, dư luận cán bộ và người dân Đắk Nông rất ủng hộ dự án bô-xít, khác hẳn với dư luận ở các nơi.
Bóng nắng chạy vào sát thềm hội trường. Nắng to như nung đỏ sân công ty. Chúng tôi úp sổ ghi chép, có anh đội máy ảnh lên đầu khi ra xe để theo Hiếu đến xem mặt bằng nhà máy Alumin Nhân Cơ, còn gọi là “Dự án khai thác bô-xít và sản xuất Alumin Nhân Cơ” (Đắk Nông I).
2. Trước mắt chúng tôi là mặt bằng nhà máy đã san ủi hơn trăm ha, được bao quanh bởi các ngọn đồi hoang cằn trơ sỏi đá, mặt nền nhà máy trộn lẫn giữa đất đỏ bazan, đất sét màu hồng và đất hữu cơ màu nâu nhạt. Tất cả được lu lèn, bện chặt lấy nhau điểm xuyết thêm màu tím sẫm của những hạt quặng bô-xít để cả một vùng sáng rực như trải bằng một lượt vải hoa mới. Ven nền nhà máy đã xanh um cỏ vetiver được trồng để chống sạt lở.
Các nhà văn đua nhau chụp ảnh công trường. Cứ có dịp là tôi lại hỏi Hiếu và Mạnh, quản đốc Công trường địa chất của công ty về việc người Trung Quốc sắp đến xây dựng nhà máy ở đây.
Theo các anh nói thì ta tổ chức công khai đấu thầu quốc tế về việc thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất Alumin. Ta thuê một nước thứ ba xem xét đánh giá thẩm định mọi đồ án thiết kế của các nhà thầu. Khi tổ chức mở thầu có sự tham gia của trọng tài quốc tế. Cuối cùng chỉ có ba nhà thầu Trung Quốc tham gia. Các tập đoàn nhôm lớn trên thế giới chỉ muốn liên doanh, không muốn làm nhà thầu xây dựng nhà máy.
Qua đấu thầu, chọn được Chalieco là tập đoàn xây dựng, sản xuất Alumin – nhôm đứng hàng đầu thế giới. Chalieco đã từng xây dựng những nhà máy sản xuất Alumin – nhôm ở nhiều nước khác. Họ thực hiện theo công nghệ hiện đại của thế giới chứ không chỉ của Trung Quốc. Ra đấu thầu thế giới họ thường thắng thầu vì giá nhân công của họ rẻ. Họ đầu tư nhà ở lán trại cho công nhân viên cũng rất rẻ, không như các nước khác.
Ở Phú Thọ, người Thụy Điển đến xây Nhà máy Giấy Bãi Bằng. Xong việc, công nhân của họ về nước, khu nhà ở công nhân của Thụy Điển bỏ lại cho ta nay là khu nhà hàng khách sạn Bãi Bằng sang trọng. Chắc chắn cán bộ, công nhân của Trung Quốc không thể sống sang trọng như vậy. Mặt khác, có lẽ vì Trung Quốc đã nắm được công nghệ tiên tiến của thế giới, họ không phải tính chi phí đầu tư chất xám vào giá thành xây dựng nhà máy nên gói thầu của họ thường có giá thấp hơn các công ty nước ngoài khác. Tôi cười vỗ vai Hiếu nói:
– Nếu xét về kinh tế đơn thuần thì Trung Quốc thắng thầu là đúng quá rồi.
Hiếu là người láu lỉnh, phản ứng nhanh vỗ vào lưng tôi, nói:
– Cũng vì an ninh quốc gia mà Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam mới thống nhất với Bộ Quốc phòng để cho Công ty Đông Bắc của quốc phòng góp vốn đầu tư vào đây lớn nhất. Đại tá Bùi Quang Tiến làm Tổng Giám đốc công ty của chúng tôi là vì vậy. Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Nguyễn Phú Dương cũng từ Công ty Đông Bắc về đây. Hôm nay anh Dương cùng với cán bộ địa phương về công trường xây dựng nhà máy Alumin ở Lâm Đồng để tham khảo học hỏi kinh nghiệm quản lý người nước ngoài. Tôi cười, nói:
– Nếu dư luận xã hội về an ninh quốc gia… không nóng lên, liệu các ông có phải lo đến quản lý người nước ngoài không?
Trước mắt, chúng tôi là triền đồi hoang không có màu xanh. Ở thung lũng chân đồi có chiếc xe gầu đang múc đất cho ô-tô ben chở đi. Quanh đấy còn những cần cẩu lớn, xe lu… đó là khu bể chứa bùn đỏ.
Bùn đỏ là phần thải loại sau khi đã phân giải để lấy Alumin. Vì trong bùn đỏ có dính hóa chất độc hại nên người ta rất sợ để nó thấm xuống tầng nước ngầm thì tai họa khôn lường còn hơn cả Vê-đan giết chết sông Thị Vải. Dư luận xã hội đang nóng lên bùn đỏ ở Tây Nguyên.
Hiếu giải thích với chúng tôi về các biện pháp kỹ thuật sẽ xử lý bùn đỏ ở đây. Vì nhà máy chưa xây dựng, các hồ chứa bùn đỏ cũng chỉ đang đào bỏ tầng đất hữu cơ nên chưa thể “thấy gì ghi nấy” về việc này. Tôi có ý định sẽ về tìm hiểu kỹ để viết về việc xử lý bùn đỏ ở công trường xây dựng nhà máy Alumin Tân Rai huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ở đó công nhân Trung Quốc đang xây dựng nhà máy cho ta, ở đấy mới có nhiều điều để “thấy gì ghi nấy”.
3. Buổi chiều khi chúng tôi trở lại trụ sở Công ty, được Nguyễn Văn Hiếu giới thiệu một chị cán bộ địa phương đến để dẫn đường các nhà văn vào tìm hiểu dân địa phương có liên quan đến dự án khai thác bô-xít ở đây. Chị là người miền Bắc theo chồng vào đây từ lâu, nay đã trở thành cán bộ cốt cán xã Nhân Cơ huyện Đắk R’Lấp tỉnh Đắk Nông.
Đường vào bon Bu Dấp của đồng bào M’Nông đã được mở rộng, nửa ngoài được đổ bê-tông, các gia đình M’Nông ở theo ven đường, ven đồi.
Bu Dấp có 25 hộ dân được đền bù đất để làm mặt bằng nhà máy và đất có quặng bô-xít sẽ được khai thác để sản xuất Alumin. Đất có quặng bô-xít không thể canh tác nên dân được đền bù thì mừng lắm. Nhiều người dân đến công ty đề nghị giao đất để được đền bù. Nhưng lấy năm quả đồi có quặng, sản xuất nhiều năm liền mới hết nên nhà máy chỉ có thể thực hiện cuốn chiếu, làm đến đâu đền bù đến đấy.
Đồi sỏi sau khi lấy xong quặng, nhà máy phải lấp đất hữu cơ để trả cho địa phương trồng trọt và canh tác. Dự án bô-xít vì thế ngày càng hấp dẫn với người dân Đắk Nông. Từ khi Công ty thành lập, xã Nhân Cơ được hưởng lợi nhiều nên theo chị cán bộ xã thì quan hệ giữa Công ty với địa phương rất tốt. Công ty muốn tuyển dụng một số cán bộ địa phương nhưng chỉ mình anh Đ’Phương được nhận vào làm cán bộ đền bù cho công ty. Chúng tôi vào gia đình già làng của bon Bu Dấp. Đó là già làng Điểu Sơn, 82 tuổi. Hỏi về cảm tưởng của người dân với việc xây dựng nhà máy Alumin ở đây, già làng cười nói:
– Dân mình thích lắm, nhiều nhà giàu lên, có nhà tầng, có xe máy vì được đền bù đấy. Xưa kia cứ ông trời làm mưa là có cá về Bầu Ếch. Tát cá Bầu Ếch, cả bon lại chia đều mỗi nhà một phần cá, nay nhà máy lấy mất Bầu Ếch đền bù chia nhau mỗi nhà một triệu, hơi thiệt đấy nhưng nhà máy về dân mình mới có cái đường cái điện về bon chứ.
Chị cán bộ xã cho biết, khi Công ty đến vận động bà con giao đất Bầu Ếch có người nói ra nói vào nhưng già làng Điểu Sơn nói một câu, mọi người nghe theo ngay rồi vui vẻ chia nhau tiền đền bù.
Già làng Điểu Sơn và chị cán bộ xã còn cho biết hiện ở đây đã có bốn cháu nộp hồ sơ cho công ty để được công ty nuôi học trung cấp để thành công nhân nhà máy sản xuất Alumin.
Dự tính mỗi nhà máy sản xuất Alumin mọc lên cần có 1.000 đến 1.500 công nhân. Ở đây, Công ty đã xét tuyển 2 đợt được 756 em cho vào học trung cấp nghề. Công ty đã chi phí để nuôi các em ăn học hết hơn 20 tỷ đồng. Với con em đồng bào dân tộc sở tại thuộc phạm vi dự án chỉ cần học xong cấp hai, Công ty sẽ nuôi học tiếp văn hóa một năm rồi mới cho đi học 2 năm trung cấp để thành công nhân nhà máy.
Do được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp mà từ hôm đến Đắk Nông, hỏi bất cứ người dân nào người ta đều ủng hộ các dự án về bô-xít, chắc chắn nó sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt tỉnh Đắk Nông trong tương lai.
Từ nhà già làng Điểu Sơn, chúng tôi sang nhà ông Điểu Lônh (Lôi). Nhờ có tiền đền bù đất mấy trăm triệu, ông xây cho con gái, con rể ngôi nhà khang trang lát gạch men bóng lộn, xa lông, tủ chè, ti-vi, quạt điện… làm chúng tôi ngỡ mình đang ngồi ở thành phố chứ không phải là một bon hẻo lánh của người H’Mông.
Nhờ dự án khai thác bô-xít mà bon Bu Dấp và cả xã Nhân Cơ đang từng ngày thay da đổi thịt để trở thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa.
N. H. N.
Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn/Tu-lieu/Phong-su/Bo-xit-Tay-Nguyen-thay-gi-ghi-nay.aspx