Từ lâu Bắc Kinh luôn rao giảng về chính sách “trỗi dậy hòa bình”, “xã hội hài hòa”, “cùng thắng”, “chống bá quyền”…Đó đều là những mỹ từ mà nước này sử dụng nhằm trấn an và xua tan đi mối lo của láng giềng về “mối đe dọa” Trung Quốc. Và thực sự nước này đã thành công. Tuy nhiên, những hành động của Trung Quốc xung quanh vụ va chạm gần đây lại tạo điều kiện cho thuyết “mối đe dọa” Trung Quốc quay trở lại. Đề cập đến vấn đề này, CSIS ngày 20/10 đăng bài “Thắng lợi quá đắt của Trung Quốc“ (China’s Pyrrhic Victory) của PGS. Jeffrey Hornung, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Honolulu, Mỹ.
Vụ va chạm Trung – Nhật gần đây xung quanh việc Nhật Bản bắt giữ và xét xử thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc gần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã phủ bóng tối lên quan hệ song phương. Trong khi Tokyo bị dư luận trong nước chỉ trích vì đã nhượng bộ trước sức ép của Trung Quốc, bản thân Trung Quốc cũng bị dư luận phương Tây và Nhật lên án vì tỏ ra quá hung hăng nhằm mở rộng kiểm soát các vùng biển xung quanh. Mặc dù sự cố kết thúc với thắng lợi được cho là thuộc về Trung Quốc nhưng Bắc Kinh cũng chẳng có gì nhiều để ăn mừng.
Khi tòa án Nhật định xét xử thuyền trưởng tàu cá của Trung Quốc, phía Trung Quốc có những phản ứng ngày một quá mức: Hoãn các cuộc trao đổi cấp chính phủ và liên tục triệu đại sứ Nhật, ngừng đàm phán hiệp định khai thác chung các mỏ khí với Tokyo trong khu vực. Sau đó, Bắc Kinh tiếp tục leo thang một cách không cần thiết bằng việc áp dụng các biện pháp trừng phạt trong các lĩnh vực không hề liên quan tới sự việc như: Hoãn đón 1000 sinh viên đại học của Nhật sang dự Triển lãm Thượng Hải; hủy buổi biểu diễn nhạc pop ở Thượng Hải; kêu gọi các hãng du lịch Trung Quốc không bố trí các tua du lịch sang Nhật; ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật và tăng cường kiểm tra hải quan tạo chậm trễ và gây tốn kém thông quan cho tất cả các lô hàng xuất sang Nhật. TTg Trung Quốc thậm chí còn cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa hơn nữa nếu Nhật không thả người và cuối cùng là việc Trung Quốc bắt giữ 4 công dân Nhật với tội quay video các mục tiêu quân sự bất hợp pháp. Nhật đã phải thả viên thuyền trưởng của Trung Quốc.
Việc Trung Quốc xử lý vụ việc một cách thiếu kiềm chế sẽ để lại hậu quả tiêu cực lâu dài đối với hình ảnh phát triển hòa bình mà nước này đang cố gây dựng.
Trung Quốc từ lâu đã tìm cách rũ bỏ “thế kỷ bị lăng nhục” và trở thành một cường quốc. Trong khi phương Tây luôn cảnh giác với chương trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc với chi tiêu quốc phòng liên tục tăng hai con số trong suốt hai thập kỷ qua, lãnh đạo Trung Quốc phải cố gắng để trấn an các nước láng giềng rằng điều đó không có gì đáng sợ. Những hành động của Trung Quốc đối với Nhật Bản gần đây đã triệt tiêu những cố gắng trên, khiến người ta càng nhìn nhận Trung Quốc như một cường quốc đang trỗi dậy đầy hung hăng. Việc gắn các vấn đề không liên quan gì tới tranh chấp lãnh hải để trừng phạt Nhật dường như là một minh họa nữa cho thấy Trung Quốc đang ngày càng mạnh tay trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, biển Hoàng Hải, và cả biển Hoa Đông.
Những người chỉ trích Trung Quốc đã dùng các sự kiện trên để minh họa ý đồ đen tối của Trung Quốc cho dù Trung Quốc phản bác. Bên nào đúng không quan trọng. Mặc dù rất nhạy cảm trước dư luận quốc tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như không hiểu rằng các nước láng giềng nhìn vào hành động của Trung Quốc và coi Trung Quốc như một kẻ xâm lược tiềm tàng. Một khi các nước láng giềng càng lo ngại trước những hành xử cứng rắn của Trung Quốc trong xử lý các tranh chấp lãnh thổ, Trung Quốc sẽ càng khó có được ủng hộ của khu vực mà càng khiến các nước nghi ngại về động cơ đằng sau các nỗ lực hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc, khiến họ đoàn kết với nhau hơn và đẩy họ gần hơn về phía Mỹ, nước không có tranh chấp chủ quyền mà chỉ đề cao tự do hàng hải trong khu vực.
Từ lâu đã không còn những lo ngại về Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á của Nhật mà thay vào đó là những lo sợ về một Trung Quốc tìm cách tái lập sự thống trị trong khu vực giống như hệ thống triều cống Trung Hoa ngày xưa. Trung Quốc không thể khẳng định sự trỗi dậy hòa bình đối với khu vực nếu Bắc Kinh còn áp dụng các biện pháp ngoại giao nặng tay quá đáng. Bắc Kinh cần nhận ra rằng thắng lợi trước mắt có thể tạo ra thất bại lâu dài.
Hải Lý (gt)
Nguồn: http://nghiencuubiendong.vn/tin-ncbd/1118-thang-loi-qua-dat-cua-trung-quoc