Việt Nam dùng công nghệ “ướt” rẻ tiền

SGTT.VN – Trước hết, không thể xem nhẹ vấn đề bùn đỏ: mới chỉ có 700.000m3 khối chất thải độc hại chứa bùn đỏ tràn ra ngoài nhưng, ông bộ trưởng bộ Bảo vệ môi trường của Hungary đã gọi đấy là “thảm hoạ sinh thái”. Nên nhớ, Hungary là nước có nền công nghiệp alumin lâu đời.

Hiện trường khai thác bôxit tại Lâm Đồng. Bụi đỏ bám đầy trên nhà cửa cỏ cây. Ảnh: Nhất Hùng

Hiện trường khai thác bôxit tại Lâm Đồng. Bụi đỏ bám đầy trên nhà cửa cỏ cây. Ảnh: Nhất Hùng

Thứ hai, chất thải chứa bùn đỏ là độc hại: do còn chứa một tỷ lệ nhất định hoá chất độc hại như xút NaOH và dung dịch aluminat natri thường không thể thu hồi hết được. Bùn đỏ nếu dính vào da sẽ gây bỏng nguy hiểm cho con người (vì đây là một dạng bỏng hoá học). Ngoài ra, như thảm hoạ của Hungary còn cho thấy bùn đỏ có thể gây ra sự cố nghiêm trọng (ăn mòn, dẫn đến làm hỏng) cho đường ống dẫn khí hay đường sắt. Điều đặc biệt qua sự cố của Hungary cho thấy, nguy cơ bùn đỏ làm ô nhiễm các nguồn nước hạ lưu là không tránh khỏi khi bể chứa bị vỡ.

Thứ ba, công nghệ thải bùn “ướt” luôn chứa đựng nhiều nguy cơ: bùn đỏ có thể được thải ra theo hai công nghệ: thải “khô” và thải “ướt”. Thải “khô” là bơm bùn ra hồ chứa với hàm lượng chất rắn rất cao, tiết kiệm diện tích bãi chứa nhưng đòi hỏi công nghệ phức tạp. Thải “ướt” là bơm bùn ra hồ chứa với hàm lượng chất rắn thấp hơn (chất lỏng >54,4%, chất rắn <45,6%), đỡ tốn kém, nhưng rủi ro xảy ra sự cố rất cao. Công nghệ thải bùn đỏ ở Hungary là công nghệ “ướt”.

Phần lớn các nước đều đang chuyển dần các nhà máy alumin của mình từ công nghệ thải bùn “ướt” sang công nghệ thải bùn “khô”. Ngay cả các nước ở vùng nhiệt đới, có mưa nhiều cũng không áp dụng công nghệ “ướt”. Hai nhà máy alumin của Việt Nam dùng công nghệ “ướt” rẻ tiền, nên sẽ rất nguy hiểm bởi các lý do sau:

Với công nghệ “ướt” thì dung dịch bùn đỏ sẽ phân ly thành nhiều pha với các cỡ hạt khác nhau, trong đó có pha cỡ hạt siêu nhỏ gồm các kim loại nặng độc hại sẽ ngấm xuống đất, còn các pha cỡ hạt lớn lại không thể liên kết lại với nhau khi gặp mưa rất nguy hiểm, dễ bị trôi lấp; các đập của hồ bùn đỏ sẽ giống như các đập hồ thuỷ điện, phải chịu lực do áp lực thuỷ tĩnh của bùn đỏ ướt tạo ra, nên rất kém an toàn.

Thứ tư, vị trí đặt bãi thải bùn đỏ rất quan trọng: thảm hoạ bùn đỏ đang diễn ra ở Hungary cho thấy nếu xảy ra ở một vùng có địa hình cao, bùn đỏ sẽ trôi xuống những khu vực thấp hơn, mức độ tàn phá chắc hẳn sẽ khủng khiếp hơn gấp nhiều lần. Cũng chính vì thế, phần lớn các hồ chứa bùn đỏ của các nước đều nằm gần bờ biển. Chẳng may nếu xảy ra sự cố bể chứa thì bùn đỏ chỉ tràn ra biển và sẽ được nước biển “xử lý” (pha loãng) hạn chế rất nhiều mức độ nguy hiểm.

N. T. S.

Theo một bản tin của TTXVN số ra ngày 1.12.2009, ông Ngô Tố Ninh, phó tổng giám đốc công ty cổ phần alumin Nhân Cơ thuộc tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết, dự án sản xuất alumin Nhân Cơ khi đạt sản lượng 650.000 tấn alumin/năm sẽ thải ra gần 1,4 triệu tấn bùn đỏ/năm (tương đương khoảng 945.000m3). Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, sẽ tiến hành xử lý bùn đỏ bằng phương pháp chôn lấp, sau đó tiến hành hoàn thổ, phục hồi môi trường. Bùn đỏ trước khi thải ra bãi sẽ được rửa ngược dòng sáu bước nhằm tận thu kiềm và alumin kèm theo bùn đỏ.

Hồ chứa bùn đỏ (rộng hơn 200ha) có các lớp chống thấm tốt để kiềm bám bùn đỏ không bị thẩm thấu vào nước ngầm, nước chứa trong bãi chứa bùn đỏ được thu gom và bơm hoàn toàn về nhà máy.

Các thành phần bùn đỏ có hại cho môi trường được cách ly hoàn toàn, không để rò rỉ hay thẩm thấu gây ảnh hưởng tới môi trường; thành phần chất lỏng đi theo bùn đỏ hoặc sinh ra trong quá trình lưu trữ (như nước mưa hoà với bùn đỏ) sẽ được thu hồi, tái sử dụng tại nhà máy alumin.

Hồ chứa bùn đỏ xây dựng phải đảm bảo các tiêu chí như: không gây ra hiện tượng thẩm thấu các chất ô nhiễm môi trường; lòng hồ phải được xử lý thi công và lót vải địa kỹ thuật hoặc vải nhựa có độ thấm đạt các yêu cầu của tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam đối với bãi chôn lấp rác thải nguy hại.

Hồ thải bùn đỏ được lựa chọn là các thung lũng phía nam khu vực nhà máy alumin. Các đập ngăn sẽ được xây dựng để tạo ra các hồ thải theo các giai đoạn hoạt động của nhà máy. Tổng thể tích của các hồ theo tính toán đảm bảo được 30 năm vận hành cho nhà máy.

Nguồn: http://sgtt.vn/Goc-nhin/130795/Viet-Nam-dung-cong-nghe-%E2%80%9Cuot%E2%80%9D-re-tien.html

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.