Hungary: Lũ độc có thể biến thành mây bụi gây ung thư

Telegraph

08/10/2010

Hàng ngàn người dân Hungary đang phải chống chọi với lũ bùn đỏ độc hại được cảnh báo phải mang mặt nạ vì khi khô, loại bùn này có sẽ biến thành một đám mây bụi độc hại không kém.

Cho đến nay, các thiệt hại mới đến từ bùn, nhưng với thời tiết khô nóng, kèm gió mạnh, dự báo trong vài ngày tới, thảm họa môi trường này sẽ diễn biến phức tạp hơn.

Các nhà bảo vệ môi trường cho biết hàm lượng thạch tín và thủy ngân – các chất gây ung thư – trong nước bị nhiễm bùn ở mức khá cao. Nếu khô đi, bùn đỏ sẽ hóa thành bụi bay vào không khí, đe dọa hệ hô hấp con người.

Mức độ ô nhiễm – với 180 triệu ga-lông bùn đỏ thoát ra từ một hồ chứa công nghiệp – được so sánh với vụ hãng BP làm 200 triệu ga-lông dầu tràn ở Vịnh Mexico. Hiện đã có 7 người chết, 1 người mất tích và 150 người bị thương khi các dòng lũ bùn phun trào hôm thứ Hai, 04/10, tại một nhà máy alumina ở Ajka, cách Budapest 100 dặm về phía Tây. Nhiều người bị thương là do bỏng hóa chất.

Các quan chức Hungary muốn giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tai họa này khi cố nhấn mạnh rằng sông Danube – con sông dài thứ hai của châu Âu – vẫn an toàn. Các xét nghiệm nước đang được triển khai ở Serbia và Croatia, khu vực hạ lưu sông Danube. Thủ tướng Viktor Orban nói: “Sớm muộn chúng tôi cũng đã kiểm soát được tình hình”.

Lực lượng khẩn cấp đã mất 5 ngày để cố chế ngự các khe nứt, trút axit và đất sét xuống các nhánh sông Danube để trung hòa chất kiềm trong nước lũ.

Kolontar và Devecser là những ngôi làng chịu tổn thất nặng nề nhất. Khoảng 2.000 ha đất nhiễm bùn độc sẽ được đào xới lên.

Bộ trưởng môi trường Hungary Zoltan Illes thừa nhận rằng nước lũ chứa “một hàm lượng cao kim loại nặng”, mà một số chất trong đó có thể gây ung thư.

Tibor Dobson, người đứng đầu các dịch vụ cứu trợ thiên tai của Hungary, kêu gọi cư dân ở gần khu vực ngập lụt mang mặt nạ.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đưa ra các cảnh báo về chất thạch tín, crôm và lượng thủy ngân quá mức cho phép trong nước – những thứ có thể được cá hấp thu, cũng như gây ra các tổn hại môi trường lâu dài. Mức độ thạch tín có trong nước lấy từ Kolontar hôm thứ Ba cao hơn gấp 25 lần giới hạn nước uống cho phép. Herwig Schuster, một nhà hóa học của Greenpeace, cho biết “độ thạch tín trong bùn cao gấp đôi so với bùn đỏ thông thường “.

Barbara Szalai Szita, một người dân sống ở Devecser, nói: “Nếu đứng ở ngoài chừng 30 phút, tôi nhận thấy ngay vị hôi ở miệng và lưỡi cảm thấy kỳ lạ”.

Tất cả sự sống xung quanh sông Marcal đã bị tiêu diệt và người ta nhìn thấy xác cá chết nổi lềnh bềnh trên sông Danube.

Công ty thương mại và sản xuất nhôm Hungary (MAL), đơn vị sở hữu các nhà máy gây ra thảm họa, cho biết họ đã dành 110.000 euro (khoảng 96.000 bảng Anh) cho công tác thu dọn, làm sạch. Họ gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân nhưng vẫn khẳng định đã không làm gì sai cả.

Nguồn: http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/europe/hungary/8052160/Hungarys-toxic-flood-could-turn-into-a-cancerous-cloud.html

Quốc Ngọc dịch

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Bô-xít. Bookmark the permalink.