“Một số vấn đề cụ thể đối với dự án bauxite Tây Nguyên phải được các chủ dự án đặc biệt quan tâm khi cuối năm nay, chính thức khởi công hạng mục hồ bùn đỏ, đòi hỏi thi công đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế, đơn vị tư vấn độc lập phải tiến hành giám sát chặt chẽ” – TS Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, viết.
Thảm họa với đất nước có truyền thống chế biến quặng nhôm
Theo AFP, ngày 4/10 vừa qua Hungary gặp thảm họa do 1,1 triệu m3 bùn đỏ là chất thải từ nhà máy sản xuất nhôm tràn ngập làng Kolontar đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng và khoảng 150 người bị thương, gần nghìn người đi sơ tán và vẫn chưa có thống kê chính xác về mức thiệt kinh tế của vụ tràn bùn đỏ độc hại này.
Nguyên nhân dẫn đến sự cố tràn chất thải từ hồ chứa của nhà máy sản xuất nhôm vẫn chưa được xác định tuy nhiên mọi sự sống tại con sông Marcal ở gần đó, con sông bị bùn đỏ tấn công đầu tiên, đã không còn.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 9/10 đã lên tiếng có thể có đợt lũ bùn đỏ thứ hai sẽ tiếp tục tràn ra khu vực xung quanh do con đập ngăn chất thải lại tiếp tục xuất hiện nhiều vết nứt đáng ngại. Đúng là một thảm họa sinh thái đối với đất nước Hungary hiền hòa, xinh đẹp, có truyền thống trong công nghệ chế biến quặng nhôm.
Ngẫm đến ta
Trông người lại ngẫm đến ta, qua tham khảo các thông tin, tư liệu trong và ngoài nước, cần phải đặc biệt quan tâm đến công nghệ xử lý bùn đỏ ở các dự án bauxite Tây Nguyên của Việt Nam. Dự án tổ hợp Bauxit-Nhôm Lâm Đồng là dự án được đầu tư khép kín từ công đoạn khai thác, tuyển rửa, đến sản xuất ra sản phẩm Alumin dùng cho điện phân sản xuất ra nhôm kim loại. Quá trình khai thác-chế biến bauxit sẽ có nhiều tác động xấu đến môi trường đất, nước mặt, nước ngầm, không khí, tiếng ồn …Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến chất độc hại chủ yếu là bùn đỏ và bùn oxalat từ khâu rửa bã cuối cùng của dây chuyền công nghệ.
Công nghệ sản xuất Alumin được áp dụng là công nghệ Bayer Châu Mỹ thế giới hiện đang sử dụng để xử lý quặng bauxit loại gipxit (tương tự như quặng Tây Nguyên), nhiệt độ hòa tách 145độ C, áp suất khoảng 3-5 at. Về bùn đỏ và bùn oxalate, theo sơ đồ công nghệ, chúng được khống chế trong các hồ lắng gần nhà máy chế biến alumin.
Trên thế giới, người ta thường gia cố đáy hồ lắng bằng vật liệu chống thấm (đất sét, vải địa kỹ thuật, nilon nhựa hoặc cao su, ximăng bitum) để ngăn không cho nước mang theo các chất độc hại có trong bùn đỏ và bùn oxalate thẩm thấu ra ngoài, làm ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm khu vực.
Có 2 cách thải bùn đỏ là thải trên mặt đất (đất bằng hoặc các thung lũng có các bờ bao) hoặc thải vào nước (thải ra biển, sông suối hoặc vào các đầm phá ven biển).
Thải bùn đỏ trên đất có 2 phương pháp là thải khô hoặc thải ướt. Ngày 25/5/2010, Bộ Công Thương đã có Thông báo số 196/TB-BCT gửi Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về kết quả thẩm định thiết kế kỹ thuật Công trình hồ bùn đỏ thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình Tổ hợp Bauxite – Nhôm Lâm Đồng; Ghi nhận việc chủ dự án Tân Rai đang tích cực hoàn chỉnh thiết kế và chủ động thi công hạng mục này (tạo đáy hồ) khi chưa có thiết kế chi tiết. Tuy nhiên, tiến độ thiết kế chi tiết quá chậm; việc thi công khó đáp ứng tiến độ chung của dự án, đặc biệt việc thi công vào mùa mưa.
Cần phải giám sát chặt chẽ
Người ta đã tổng kết kinh nghiệm của các nước, sự cố thường xảy ra đối với hồ bùn đỏ ở vùng núi, mưa nhiều, gây lũ, làm tăng nguy cơ bùn đỏ bị tràn bờ. Bùn đỏ có cấu trúc hạt rất mịn, dễ phát tán ra không khí mang theo hóa chất độc hại. Đáy hồ thường bị nứt, gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Một số vấn đề cụ thể đối với dự án bauxite Tây Nguyên phải được các chủ dự án đặc biệt quan tâm khi cuối năm nay, chính thức khởi công hạng mục hồ bùn đỏ, đòi hỏi thi công đảm bảo chất lượng theo đúng thiết kế, đơn vị tư vấn độc lập phải tiến hành giám sát chặt chẽ. Cần lưu ý rằng: (1) Hungary nước đã khai thác quặng bauxite và sản sản xuất nhôm cả 100 năm qua và Công ty cổ phần nhôm (MAL) luôn tự hào, cam kết, về sự an toàn của đập hồ chứa bùn đỏ nhưng thảm họa sinh thái do vỡ đập vẫn đã xảy ra; (2) Kinh nghiệm sản xuất alumin, ý thức kỷ luật, dân trí và trình độ kỹ thuật của người Hungary chắc chắn cao hơn Việt Nam.
Do đó phía Việt Nam phải rà soát lại đồ án thiết kế, các biện pháp thi công, và trong tính toán phải có dự kiến tình huống bị vỡ đập hồ chứa bùn đỏ, không thể hứa ”khơi khơi” là sẽ bảo đảm không cho vỡ như bấy lâu nay. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất lợi, cần thường xuyên cập nhật các tài liệu khí tượng thủy văn, địa chất công trình để xử lý bổ sung các biện phó ứng phó thích hợp. Quan trắc môi trường theo định kỳ phải thực hiện nghiêm túc như cam kết trong báo cáo Đánh giá tác động môi trường và theo quy định của pháp luật.
Tài nguyên được xem là nguồn vốn quý của quốc gia nhưng không phải là vô hạn. Tình trạng khai thác lãng phí, thiếu quy hoạch càng làm cho nguồn vốn này mau cạn kiệt. Càng ngày, mọi người càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của khoa học công nghệ và vai trò tư vấn phản biện của các nhà khoa học trong việc hoạch định và thực thi các chiến lược, nhiệm vụ kinh tế xã hội nhất là những vấn đề liên quan đến tài nguyên và môi trường.
Đảng và Nhà nước đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020. Người dân mong muốn phải rà soát, điều chỉnh lại mục tiêu phát triển vì đất nước nói chung, vì chất lượng cuộc sống của thế hệ hôm nay và cũng phải vì tương lai cho con cháu chúng ta.
T. V. T.
Nguồn: http://bee.net.vn/channel/3724/201010/Tham-hoa-bun-do-Trong-nguoi-ngam-ta-1772300/