Bể chứa từng gây thảm họa bùn độc tại Hungary hồi đầu tuần trước sẽ tiếp tục vỡ và giới chức đang khẩn trương thực hiện mọi biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu tác hại của chất thải.
Gần 700 nghìn m3 chất thải tràn vào 7 làng sau khi bể chứa chất thải bôxít khổng lồ của một nhà máy sản xuất nhôm gần thị trấn Ajka ở miền tây Hungary vỡ hôm 4/10. Đây là thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất trong lịch sử Hungary. Ít nhất 7 người chết và khoảng 150 người bị thương vì bùn độc.
Bộ trưởng Môi trường Hungary, ông Zoltan Illes, hôm qua thông báo các kỹ sư phát hiện nhiều vết nứt trên thành bể chứa và nó có thể vỡ trong vòng một tuần.
Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, nói rằng khoảng 500.000 m3 chất thải có thể tràn ra nếu thành bể vỡ lần nữa. Vì thế chính phủ quyết định cho xây một con đê nhằm bảo vệ các làng từng bị bùn đỏ tràn qua. Đê dài 600 m, chiều rộng 5 m và chiều cao 7 m.
Bộ trưởng Illes khẳng định các công nhân phải xây xong đê trong vài ngày tới bởi một cơn mưa sẽ đổ xuống khu vực này.
“Một khi mưa rơi, phần chất thải còn lại sẽ bị cuốn trôi ra ngoài và phần phía bắc của con đê sẽ vỡ”, ông nói.
Theo các kỹ sư, phần chất thải còn lại có thể tích và độ đậm đặc lớn hơn nhiều so với phần đã tràn ra lần trước. Vì thế nếu thảm họa xảy ra lần thứ hai thì hậu quả sẽ khủng khiếp hơn nhiều.
Giới chức Hungary cũng đang cho sửa chữa bể chứa và sơ tán 800 người dân tại làng Kolontar tới thị trấn Ajka. Do Kolontar nằm gần bể chứa nhất nên đa số nạn nhân là người trong làng. Họ bị bùn đỏ giết chết, nhấn chìm hoặc cuốn trôi.
Cảnh sát cũng yêu cầu người dân trong thị trấn Devecser gần đó cho đồ đạc vào một vali duy nhất để họ có thể rời khỏi nhà nhanh chóng nếu bùn tràn ra.
M. L.