Rứa là 10 ngày Đại lễ đã xong. Đĩnh đạc. Đông đúc. Đẹp đẽ. Được được được. Đích đáng. Tốn kém thì đã tốn kém rồi, thôi không bàn nữa. Chỉ xin có ý kiến nhỏ như ri: lần sau có kỉ niệm chi thì Nhà nước chỉ lo cái phần lễ thôi, phần hội nên để cho dân họ mần, vừa đỡ tốn kém vừa đa sắc. Nhà nước thương dân xin chớ ôm rơm rặm bụng.
Nhiều người nói đang khi miền Trung chết chóc, khổ đau thì lễ hội nên thu gom lại nhỏ đi, đừng rộn ràng rình rang quá, hơi bị chướng, khó coi. Có lý. Nhưng thôi, nghìn năm mới có một lần, vì khổ đau mà lễ lạt sơ sài thì chính dân miền Trung cũng không muốn. Đang khi ngoi ngóp trong lũ mà dân Miền Trung còn lo Hà Nội bị mưa, hỏi đi hỏi lại ngoài nớ có mưa không, nữa là bây giờ nước đã rặc, cái chết không còn bị đe doạ nữa, chẳng người dân miền Trung nào muốn vì mình mà làm Hà Nội mất vui.
Có điều một còm sĩ của chiếu rượu Quê choa là Kim Dung (mụ ni nghe nói hồi trẻ xinh đẹp nổi tiếng Hà Thành, đi valse ngọt lịm sườn. Tiếc quá hồi đó tui không quen, hi hi) có một đề xuất cực hay, đăng ở Vietnamnet: Cần một phút mặc niệm cho Miền Trung trong ngày Đại lễ. Mụ Kim Dung nói: “Máu chảy, ruột mềm”. Câu thành ngữ từ ngàn đời xưa cha ông ta đã nói, hiển nhiên như một đạo lý sống. Hoạn nạn và khốn khó vì thiên tai những ngày này của đồng bào miền Trung, cũng chính là nỗi đau của người Hà Nội, của cả nước.” Đọc xong bài của mụ Kim Dung, Anh Ba Sàm đã vỗ đùi đánh đét, kêu to “Cực kì chí lí”. Ai cũng thấy chí lí chứ chẳng riêng gì Anh Ba Sàm. Sau đó báo Sài Gòn tiếp thị có hưởng ứng một bài của Tất Đạt: Xin một phút cho đồng bào miền Trung ruột thịt, anh nói cũng cực hay: “Một phút mặc niệm, đó không chỉ là sự đồng cảm, là tấm lòng của con người với con người, mà còn là văn hoá ứng xử. Đó còn là hành động của lương tâm và trách nhiệm. Cao hơn nữa, đó là thái độ đồng cảm, chia sẻ đầy tính nhân văn của mỗi con người, của cộng đồng.”
Rứa là mụ Kim Dung thì bảo cần, anh Tất Đạt thì khẩn khoản xin, còn thiên hạ đảm bảo trăm người như một đều nói phải lắm phải lắm. Nói thiệt nỏ có xứ mô như xứ mình, dân phải đi góp ý mấy chuyện đương nhiên phải làm như ri. Góp ý xong cứ ngồi lo nơm nớp, sợ người ta không làm, đã thế còn sẵn sàng chụp cho mình mấy cái mũ to đùng. Tui bận tối mắt tối mũi mà cũng cố xem hết cả buổi sáng lễ diễu hành, coi thử có khi mô họ dừng lại làm một phút mặc niệm không. Nhưng không. Không hề. Tui chú mục vào bài diễn văn của cụ Triết, bụng bảo dạ răng rồi cụ cũng dừng giữa chừng mời bà con một phút mặc niệm. Hu hu nỏ có, cụ đọc tuốt luột từ đầu tới cuối không một phút nào dừng lại (thừa nhận bữa ni cụ đọc hay). Buồn thiu. Có lẽ mấy ông viết diễn văn cho cụ không mở ngoặc: Dừng lại một phút tưởng niệm nên cụ cứ rứa chơi cho hết bài. Mở ngoặc cũng nguy lắm, ai cũng nhớ cái giai thoại có cụ đã đọc sang sảng Kính thưa đồng chí nếu-có-vỗ-tay rồi, sợ lắm. Mà để cụ nói vo ở cái nơi lễ trọng này thì không ai dám.
Nhân đây xin đính chính một chút xíu, cái câu cụ Triết nói chuyện Cu Ba, Việt Nam thức ngủ có người nói đó là câu của Bác Hồ. Tui nỏ biết câu đó có phải Bác Hồ đã nói không nhưng tui nhớ đó là thơ của nhà thơ Hải Bằng quê tui: “Khi Việt Nam ngủ Cu Ba thức/ Giữa thế kỉ này ta đổi canh nhau”. Tui không nhớ hai câu ni ở bài mô, chỉ nhớ bài ni Hải Bằng viết năm 1973 khi cụ Fidel đến thăm Quảng Bình.
Lại một đính chính nho nhỏ nữa. Bữa hôm cụ Triết phát biểu tại lễ khai trương tượng Thánh Gióng, cụ có nói: Thánh Gióng có đáng để cho ta học tập không? Thưa cụ, ngữ pháp Việt Nam nó phức tạp lằng nhằng lắm. Chữ đáng để nếu đặt vào câu khẳng định thì nó chứa nghĩa tốt, còn đặt vào câu nghi vấn thì nó mang nghĩa xấu, cụ hỏi rứa nỏ khác chi nói Thánh Gióng chả đáng để cho ta học tập. Chỉ là chuyện ngữ pháp thôi cụ, không có ý chi mô. Cái ni khi mô cụ vô Quảng Trị, ghé thăm o Nụ Cười, hỏi o nớ tui nói có đúng không.
Trở lại chuyện một phút mặc niệm, mặc dù tui đã mần đến tập 39 bộ phim ti vi cuối cùng của đời tui – Từ nay em cạch đến già/ Em chẳng dám mó đồ bà nữa đâu/ Đồ bà vừa xấu vừa sâu/ Vừa nhạt vừa nhão vừa lâu đồng tiền – định bụng cố cày cho nó xong quách đi, rồi nghỉ khoẻ nhưng rồi vẫn bỏ đó, ngồi phục cho được xem người ta có dành một phút mặc niệm không. Đề phòng mình hay bỏ đi hút thuốc, tui cẩn thận nhắn tin cho bác Mèo Hen, mụ Kim Dung, chú Fil, chú Hồng Chương coi giùm tui thiệt kỹ. Tóm lại không có là không có, một phút cũng không có.
Ngay khi nhận được tin nhắn của mụ Kim Dung: Bọ ơi không có hu hu, tui đứng bật dậy mặc niệm một phút, không phải mặc niệm cho những người dân xấu số quê tui, tui mặc niệm tui, vĩnh biệt những ảo tưởng ngu xuẩn. Than ôi cái vô tình của con người.
N. Q. L.