Ảnh: index.hu
Tại “ngôi làng chết” Kolontár, một con đê phòng hộ có chiều dài tổng cộng 1.550 m, rộng 20 m, cao 4-5 m, đã được hoàn tất chừng 70% trong đêm qua, có tác dụng ngăn chặn bùn đỏ để loại chất thải này không xâm nhập được vào khu vực chưa bị tàn phá trong làng.
Sở dĩ cần làm một con đê như vậy vì tối thứ Sáu, các chuyên gia đã phát hiện những vết rạn tại vách chắn phía Bắc của bể chứa bùn đỏ số 10, tại thành phố Ajka, nơi tọa lạc nhà máy luyện bauxite thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary.
Đê chắn phòng cơn tràn bùn thứ hai
Vết rạn lớn nhất dài 25 m, bề rộng 50 cm, khiến giới chức Hungary lo ngại cho một vụ tràn bùn thứ hai. Do đó, hơn 700 cư dân làng Kolontár đã được di dời vào rạng sáng thứ Bảy.
Trong ngày Chủ nhật, các vết nứt không bị rạn thêm như lo ngại ban đầu, tuy nhiên xét về tính chất của chúng, Quốc vụ khanh phụ trách môi trường Hungary Illés Zoltán vẫn khẳng định rằng “không thể tránh được một đợt tràn bùn mới” do đê vỡ, tất cả chỉ là vấn đề thời gian, có thể là trong vòng 1 tuần.
Giới khoa học cho rằng nếu bị tràn bùn lần thứ hai, lượng bùn đỏ cô đặc (ước tính chừng 500 ngàn m3) sẽ di chuyển chậm hơn và sự lan tỏa cũng không như đợt đầu, nên sẽ không đi được xa quá 500-1.000 m. Do đó, việc di dân tại làng Kolontár là cần thiết, nhưng chủ yếu cũng vì lý do cần xây một con đê phòng hộ trong làng để ngăn bùn đỏ, nếu tràn, không tới được một nửa của làng còn chưa bị hủy hoạt trong sự cố đầu tuần trước.
Làng Devecser cách đó 4 km, cũng bị hủy hoại nặng nề trong tuần trước vì bùn đỏ, hiện tạm được coi là có thể yên tâm.
Công việc xây dựng con đê phòng hộ với tổng chi phí chừng 500 ngàn USD (do Tập đoàn Nhôm Hungary – MAL Zrt. – chi trả) cũng được ông Illés Zoltán giới thiệu với báo giới. Theo vị Quốc vụ khanh, tối hôm nay hoặc chậm lắm là sáng mai (thứ Ba), đê sẽ được hoàn tất và dân làng có thể được về nhà.
Tuy nhiên, với việc con đê được xây dựng chia đôi làng Kolontár, phần diện tích bị bùn đỏ hủy hoại gồm 32 ngôi nhà ven bờ một con suối hoàn toàn bị khai tử. Ngôi nhà đầu tiên nằm trên vành đai của đê phòng hộ đã bị dỡ bỏ từ ngày thứ Bảy – chủ nhà sẽ được nhận một căn hộ mới và bản hợp đồng đã được ký kết.
Chính phủ Hungary, ngay từ những ngày đầu sau thảm họa, đã đặt vấn đề xây một khu dân cư mới ở phần còn lành lặn của làng để những ai muốn có thể tiếp tục ở lại làng trong khu vực này – việc xây dựng chuẩn bị được tiến hành, nhưng không rõ con số dân làng muốn ở lại nơi đây là bao nhiêu.
Bụi bùn khô nguy hại
Sau mấy ngày, bùn đỏ khô đã trở thành mối nguy hiểm mới: Viện Hàn lâm Khoa học Hungary cho biết, tác dụng phụ nguy hiểm nhất của lũ bùn đỏ lại chính là khi bùn đã khô, bụi nhiễm chất kiềm có thể gây bệnh nặng khi xâm nhập đường hô hấp của con người.
Do đó, từ ngày Chủ nhật hôm qua, những ai có mặt tại khu vực xảy ra sự cố tràn bùn đều buộc phải dùng mặt nạ chống bụi và đeo kính bảo vệ mắt vì theo Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia Hungary, hàm lượng bụi bẩn trong không khí tại đây đã vượt mức cho phép. Trước đó, hình thức bảo vệ sức khỏe này mới được khuyến dụ, nhưng chưa bắt buộc.
Để giảm thiểu tác hại của loại bụi độc hại này, tại hai làng Kolontár và Devecser bị ảnh hưởng trầm trọng nhất của bùn đỏ, một công nghệ đặc biệt của Hungary đã được áp dụng.
Được biết, việc áp dụng công nghệ khử bụi trung tính này đã được một công trình nghiên cứu đề xuất từ nhiều năm trước, đặc biệt là đối với những cơ sở thải ra nhiều bụi đỏ như khai thác bauxite. Tuy nhiên, khi đó, đề nghị này chưa được quan tâm thích đáng.
Cũng trong ngày Chủ nhật, Tập đoàn Nhôm Hungary ra thông cáo xin lỗi các nạn nhân và gia đình cùng công luận vì trong những ngày đầu sau thảm họa, họ đã không thể hiện được sự đồng cảm một cách thích hợp. Trước đó, trong một phát biểu của Ban lãnh đạo hãng, doanh nghiệp này đã tỏ ý tiếc vì thông qua cách diễn đạt thuần túy thiên về các nội dung kỹ thuật, công luận có thể nghĩ rằng họ vô cảm trước thảm họa.
Trong thông cáo, MAL Zrt. khẳng định hãng hoàn toàn đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Orbán Viktor khi ông tuyên bố cần truy ra những thủ phạm thực sự trong sự cố này, và Tập đoàn sẽ có trách nhiệm bồi hoàn mọi thiệt hại một cách thích đáng. Tập đoàn cũng hứa sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng và nỗ lực ở mức tối đa để khắc phục thiệt hại, cũng như để tình hình được trở lại bình thường một cách nhanh chóng nhất.
Trực tiếp chứng kiến hiện trường thảm họa
Trong một diễn biến có liên quan, lần đầu tiên sau khi thảm họa bùn đỏ xảy ra, giới ký giả Hungary và nước ngoài mới có dịp lên bờ đê chắn của bể chứa số 10 để tận mắt nhìn thấy những gì đã diễn ra.
Chừng 150 ký giả – trong đó có đại diện của các hãng tin, báo chí lớn thế giới như AFP, CNN và BBC, và cả các nhà báo đến từ các quốc gia xa xôi như Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn… – đã được mục kích nơi 1,1 triệu m3 bùn đỏ bị tràn do một mảnh vỡ ở vách tường chắn với độ dày ở khoảng giữa là chừng 20 m.
Có thể thấy rằng trong bể chứa số 10, đã vơi đi chừng 4-5 m, và lượng bùn tràn đã thoát ra – khiến 7 người thiệt mạng, 300 ngôi nhà bị hủy hoại và 40 con phố bị ngập – khi vách chắn bùn bị vỡ, để lại một khoảng rộng ít nhất 40 m. Quốc vụ khanh Illlés Zoltán cho hay: hiện tại vẫn còn chừng 2,5 triệu m3 bùn đỏ trong bể, nên việc xây lại đê chắn bằng bê tông cốt thép tại nơi đã bị vỡ – và khả năng là tại nơi hiện đang rạn nứt – là cần thiết.
Các nhà báo cũng có dịp tận mắt chứng kiến bể chứa bên cạnh, vẫn nguyên vẹn, và được coi là giống một ao nuôi cá khổng lồ (kích thước thông thường của một bể chứa như vậy là 500 m chiều dài và 300 m chiều rộng). Giới ký giả cho hay, nhìn cảnh tượng bể chứa, không ai nghĩ rằng dưới làn nước màu xám đục, có tới 2 triệu m3 bùn đỏ với nồng độ kiềm đậm đặc.
Những bản tin cập nhật tức khắc được truyền đi ngay tại hiện trường thông qua đủ các phương tiện kỹ thuật. Bên cạnh tường trình về các biện pháp kỹ thuật – như việc chừng 100 m3 nước được tìm cách hút khỏi bể chứa số 9 để giảm áp suất trong bể số 10, làm chậm lại sự sụp đổ của phần vách chắn phía Bắc – nhiều lời bình luận được truyền thông Hungary cho là trầm trọng và mang màu sắc cảm tính đã được phát đi.
Các ký giả cũng được cảnh sát và các nhân viên cứu hộ đặc biệt dẫn tới phần phía Bắc của bể chứa số 10, nơi đã có 4-5 vết rạn đủ để một người có thể bị nuốt trọn tại đó. Cuối chuyến tác nghiệp tại hiện trường kéo dài vài cây số đi bộ, nhóm phóng viên được nhận nước khoáng, thức ăn lạnh và kẹo sô-cô-la.
Sau đó, nhiều người đã lên đường về nhà vì hai làng Kolontár và Deverser đang được coi là khu vực cấm địa, không được quay phim và tác nghiệp tại đó, và cũng chưa rõ khi nào lệnh này mới được dỡ bỏ. Nhiều người cho biết họ sẽ trở lại ngay nếu có vụ tràn bùn mới.
(*) Bản tin đã đưa trên RFI.
H.N.
Nguồn: http://www.nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2582