Những người ký tên vào Hiến Chương 08

Hình như trên mạng bà con nhà mình chỉ nói về 303 người Trung Quốc đầu tiên ký tên vào bản Hiến Chương 08, mà người ký tên thứ 16, nhà văn Lưu Hiểu Ba, nguyên là giáo sư đại học ở Bắc Kinh, vừa đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010. Không mấy ai nói chuyện của hơn sáu nghìn người đã ký tên suốt gần hai năm nay, trong hai mươi hai đợt lấy chữ ký vào Hiến Chương 08 trên toàn Trung Quốc.

Tò mò vào mạng xem lướt qua những người ký tên tại Trung Quốc – tức tự ký tên vào án không tuyên – thấy một điểm thật thú vị: 303 người ký tên đợt đầu tiên hầu hết lại là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, người viết tản văn, người phụ trách chuyên đề tạp chí tại Trung Quốc, thư ký tòa soạn, biên tập viên nhà xuất bản, tức là những người thực sự dùng ngòi bút để nói, mà công việc gắn với chữ nghĩa và sáng tạo. Nhưng đa số này lại chỉ có quyền lực vô hình (với vị trí như là opinion leaders) đối với công chúng chứ không có tí tẹo quyền lực hay sức mạnh nào đối với bộ máy tư pháp hoặc chính quyền. Một số lượng đáng kể còn lại là các trí thức nổi tiếng, ví dụ như Phó tổng giám đốc của Tân Hoa Xã, các chuyên viên lĩnh vực tư pháp, pháp luật, luật sư, giáo sư, giảng viên đại học, nhà nghiên cứu. Chỉ có một vài người ký tên thuộc thành phần đối kháng, nhà hoạt động dân chủ.

Thế nhưng đến vài đợt ký tên tiếp theo, lượng sinh viên và học sinh tăng lên đột ngột, như thể các em bị đánh thức dậy, hoặc các em bị lôi, bị lay.

Kỳ lạ là từ đợt thứ 15 trở đi, khá nhiều người thuộc tầng lớp “tư sản” như chủ doanh nghiệp, lãnh đạo công ty, nhà kinh doanh xuất hiện trong danh sách ký tên Hiến Chương 08. Thậm chí tôi cảm thấy như thể những người có của sẽ cân nhắc lâu hơn người bình thường chúng ta một chút? Vậy rốt cuộc điều gì đã khiến những người có của nả thật ký tên mình?

Đồng thời với hiện tượng này là sự xuất hiện vô số những người chỉ ký tên nhưng giấu địa chỉ, giấu nghề nghiệp, chỉ ghi là “công dân” hoặc “người dân”. Thử đoán xem, những người bị giằng xé, vừa muốn ra mặt ký tên ủng hộ vừa muốn giấu mặt giấu mình như thế, họ đối diện với thách thức nào?

Nhưng cho dù trong đợt ký đầu hay cả các đợt sau, số lượng nữ giới khá ít, khoảng 15%, ngoài ra, nếu tính theo lứa tuổi thì đông đảo nhất là lứa những người ký tên nằm ở lứa tuổi từ 40-49 tuổi (gần 40%), đã trải qua Cách mạng văn hóa, và quan trọng hơn họ cùng lứa những sinh viên và giảng viên xuống đường trong sự kiện Thiên An Môn 1989, mà ngày xưa Trung Quốc gọi đó là bạo loạn, giờ đây Trung Quốc lại “gọi chệch” đi nhẹ nhõm là “biến cố chính trị”.

Có một đôi vợ chồng đều là giáo sư của ĐH Nhân dân TQ đã cùng ký tên, dù họ rất muốn ký hộ cả con trai nữa, người con đã bị xe tăng nghiến nát trên quảng trường Thiên An Môn trước đây. Năm 2000, hai giáo sư này từng xuất bản cuốn sách “Kẻ sống với kẻ chết – bởi tương lai Trung Quốc”.

Không rõ nếu phân tích bảng danh sách những người ký tên vào Kiến nghị Bauxite của Việt Nam vừa qua, liệu có gì thú vị hoặc tương đồng chăng?

T.H

Nguồn: http://trangha.wordpress.com/2010/10/10/nhung-nguoi-ky-ten-vao-hien-chuong-08/

This entry was posted in Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.