SGTT.VN – Lũ bắt đầu rút dần nhưng số người chết và mất tích vì mưa lũ vẫn tiếp tục tăng lên. Đến 18h chiều 7.10, ở miền Trung đã có 49 người chết, 26 người mất tích, thiệt hại ban đầu lên đến gần 2.200 tỉ đồng.
Quảng Bình vẫn là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất do lũ với 33 người chết, 22 người mất tích. Đến thời điểm này, Quảng Bình có 106 xã ở 6 huyện (Tuyên Hóa: 20 xã; Minh Hóa: 17 xã ; Bố Trạch: 11 xã; Quảng Trạch: 16 xã; Lệ Thủy: 27 xã; Quảng Ninh: 13 xã) đang ngập chìm trong nước. Theo ước tính ban đầu, đợt lũ bất thường đã làm thiệt hại cho Quảng Bình 1.272 tỉ đồng.
Hiện nay, 35 xã với hàng ngàn hộ dân của tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang ngập trong nước, tổng thiệt hại tính đến thời điểm này lên đến gần 850 tỉ đồng. Trước tình hình khẩn cấp của bão lũ, Hà Tĩnh đã xin hỗ trợ 5.000 tấn gạo, 400 tỉ đồng hỗ trợ dân sinh, 61 thuyền composite, ba xuồng y tế, 3.000 kg hóa chất xử lý nước sạch, 15.000 lít hóa chất khử trùng, 400 tấn giống lúa, 50 tấn ngô, 15 tấn hạt rau các loại… để giúp nhân dân vùng lũ ổn định cuộc sống. Địa phương này hiện đã có tám người chết và một người mất tích, tiếp theo đó, Nghệ An có năm người chết, ba người mất tích, thiệt hại 26 tỉ đồng; Quảng Trị có ba người chết…
Đến nay, mực nước ở các khe suối của các huyện miền núi đã rút nhưng một số huyện đồng bằng của Quảng Bình, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục chìm trong nước, vấn đề cấp bách nhất của nhân dân vùng lũ lúc này là lương thực và nước uống. Trước diễn biến phức tạp của bão lũ, ngày 7.10, đoàn công tác của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có mặt ở Hà Tĩnh, Quảng Bình để kiểm tra, chỉ đạo công tác cứu hộ nhân dân vùng lũ. Trước mắt Chính phủ hỗ trợ cho Hà Tĩnh 100 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo.
Bộ Quốc phòng đã tổ chức bảy chuyến bay chở 5 – 6 tấn hàng (mì tôm và nước lọc) tiếp tế cho nhân dân vùng bị cô lập của Quảng Bình và trợ giúp chuyên chở 43 lượt người; điều 2 tàu hải quân tìm kiếm tàu bị nạn trên biển; bộ đội Biên phòng cử 145 lượt cán bộ chiến sĩ cùng 16 phương tiện cứu 48 người và sáu tàu.
Hiện quốc lộ 1A đã thông xe toàn tuyến, đường Hồ Chí Minh chỉ còn tắc tại hai điểm thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Đến cuối ngày 6.10, đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Đăk Rông đi A Lưới (Thừa Thiên- Huế) đã thông tuyến.
Các tỉnh nói trên đang huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn dân tại các vùng bị ngập lụt và tàu thuyền đang bị trôi dạt trên biển, đặc biệt là tại Nghệ An và Quảng Bình, cung cấp lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm thiết yếu hỗ trợ cho các khu vực bị chia cắt bởi lũ, kiên quyết không để bất cứ người dân nào bị đói.
B. M. – N. V. – B. T.