Những vang vọng của một cuộc xung đột ý hệ

Asia Times Online
Trần Ngọc Cư dịch, talawas blog, 01/02/2010

Trung Quốc (TQ) đã phản ứng mạnh mẽ đối với bài diễn văn của Hillary Clinton, trong đó bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ (HK) kêu gọi TQ phải điều tra những vi phạm an ninh đã dẫn đến quyết định tuần qua của Google chấm dứt cộng tác với TQ trong việc kiểm duyệt Internet tại quốc gia này.

Vào hôm Chủ nhật, một người phát ngôn của Bộ Công nghiệp TQ đã bác bỏ thẳng thừng dư luận cho rằng TQ đã đứng đằng sau những vụ tấn công Internet mới đây. “Lời cáo buộc cho rằng chính phủ TQ nhúng tay vào bất cứ một cuộc tấn công nào trên không gian xi-be, dù được nói ra rõ ràng hay chỉ là ngụ ý, là hoàn toàn thiếu cơ sở,” người phát ngôn nói. “Chúng tôi cương quyết chống lại luận điệu này.”

Tờ báo nhà nước Trung Hoa Nhật báo (China Daily) nói rằng chiến lược của HK là “khai thác những lợi thế về ngân quĩ Internet, về khoa học kỹ thuật và khả năng tiếp thị nhằm xuất khẩu đường lối chính trị, thương mại và văn hoá của mình để phục vụ lợi ích chính trị, thương mại và văn hoá của siêu cường duy nhất trên thế giới”.

Diễn văn tuần qua của bà Clinton nói rõ lập trường của chính quyền Obama về tự do Internet và công khai kêu gọi nhà cầm quyền TQ điều tra những vi phạm an ninh mà Google cho rằng đã đưa đến quyết định của công ty là chấm dứt sự cộng tác của mình trong việc kiểm duyệt Internet tại TQ.

“Bất cứ ai phá hoại dòng luân lưu tự do của thông tin trong xã hội chúng ta hay bất cứ một xã hội nào khác cũng đều đặt ra một mối đe dọa cho nền kinh tế của chúng ta, cho chính phủ chúng ta và cho xã hội dân sự của chúng ta,” bà Clinton tuyên bố.

Vào ngày 12-1, Google loan báo sẽ chấm dứt việc kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm qua máy của mình (its search engine results) tại TQ và, nếu không đạt được một thoả ước nào với chính phủ TQ, công ty này sẽ đóng cửa văn phòng tại TQ.

Tuyên bố của Google đi kèm với những tố cáo cho rằng tin tặc TQ đã xâm phạm an ninh của công ty để vào các trương mục e-mail của nhiều nhà ngoại giao, ký giả nước ngoài và các nhà hoạt động nhân quyền TQ.

Quyết định của công ty này, trong việc công bố những vụ vi phạm an ninh internet và trong việc không chịu tiếp tục kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm qua máy của Google, đã mang lại sự chú ý đối với những nỗ lực kiểm duyệt của Bắc Kinh, cũng như đối với các tệ nạn gián điệp kinh tế và ăn cắp tài sản trí tuệ đang hoành hành tại các công ty nước ngoài.  Theo các tường trình, những tệ này diễn ra là do chính bàn tay của hoặc nhằm phục vụ quyền lợi của các công ty TQ.

Mặc dù chính phủ TQ đã bác bỏ mọi liên can đến việc xâm nhập các trương mục email của Google và lên tiếng cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhưng nhiều người ở HK vẫn cho rằng TQ chưa có nỗ lực nghiêm chỉnh để bài trừ những vi phạm như thế.

Theo báo cáo của Phòng Điều tra Liên bang (FBI) được báo Daily Beast tiết lộ, chính phủ TQ đã triển khai 180 ngàn gián điệp mạng, một hành động “tạo ra mối đe doạ khủng bố mạng duy nhất to lớn nhất cho Hoa Kỳ và có tiềm năng phá hủy cơ cấu hạ tầng trọng yếu, làm gián đoạn dịch vụ ngân hàng và thương mại, đồng thời gây thương tổn cho các cơ sở dữ liệu quốc phòng và quân sự nhạy cảm.”

Bản báo cáo, nếu đúng, sẽ làm cho lời tố cáo của Google về những mưu mô riêng lẻ nhằm xâm nhập các trương mục e-mail trở thành bé nhỏ như phần nổi của một tảng băng sơn, và gợi ý rằng khả năng TQ dùng gián điệp mạng để lấy các bí mật của công ty nước ngoài và dùng khủng bố mạng là một mối đe dọa chạy xuyên suốt qua các vấn đề như nhân quyền, dịch vụ ngân hàng và thương mại, cũng như an ninh quốc gia.

“Ngoại trưởng Clinton đã nâng tự do Internet lên hàng ưu tiên chủ yếu, bằng cách đối đầu với các chính phủ kiểm duyệt ngôn luận trên mạng và bằng cách ủng hộ các công ty dám đứng lên bênh vực nhân quyền,” Arvind Ganesan, giám đốc ban doanh nghiệp và nhân quyền của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã nói như vậy. “Cái khó khăn hiện nay là thực hiện cho được những tiêu chí này bằng cách đưa tự do Internet vào trong chính sách ngoại giao, chính sách mậu dịch và tạo sức ép đáng kể buộc các công ty phải hành động có trách nhiệm.”

Thật vậy, những người cỗ vũ quyền riêng tư của cá nhân và những nhóm bảo vệ nhân quyền đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Google khi công ty này đứng lên phản đối chế độ kiểm duyệt của Bắc Kinh. Bài diễn văn của bà Clinton không những điểm qua các ngụ ý thực tiển liên quan đến an ninh quốc gia [của Mỹ] trong các cuộc tấn công mạng (cyber attacks) do người TQ thực hiện, mà lại còn nhắc nhở đến cuộc đấu tranh ý thức hệ rộng lớn hơn đang trực diện với những công ty đến làm ăn với TQ, hay với các quốc gia chủ trương kiểm duyệt truyền thông.

Bà Clinton đã đúc kết nhận định của mình trong bối cảnh Internet ngày càng trở nên quan trọng trong việc nối kết người dân từ các quốc gia đa dạng như Iran sau cuộc tuyển cử đầy biến động tháng Sáu năm ngoái và Haiti sau vụ động đất tuần qua. Những bình luận bà Clinton đưa ra đã định nghĩa một học thuyết nói rõ lập trường của chính quyền Obama về tự do Internet và quyền riêng tư của cá nhân.

“Bản thân các công nghệ hiện đại không đứng về phe nào trong cuộc đấu tranh vì tự do và tiến bộ, nhưng Hoa Kỳ thì có lập trường dứt khoát,” bà Clinton nói.

“Chúng tôi đấu tranh cho một Liên mạng duy nhất (a single Internet) mà toàn nhân loại được bình đẳng tiếp cận tri thức và các ý kiến khác nhau. Và chúng tôi nhìn nhận rằng cơ sở thông tin hạ tầng này của thế giới [tức Internet, ND] sẽ giúp chúng ta cũng như bao nhiêu người khác rút tỉa nhiều điều khác nhau.

“Hiện nay, thách thức này dù còn mới mẻ, nhưng nghĩa vụ của chúng ta trong việc góp phần đảm bảo quyền tự do trao đổi ý kiến có gốc rễ từ ngày khai sinh nước cộng hoà của chúng ta. Lời của Tu chính hiến pháp Thứ nhất (the First Amendment) được ghi khắc trên 50 tấn cẩm thạch Tennessee nằm ngay trước bin-đinh này,” bà Clinton nói, nhắc nhở đến một bảng khắc cao 74 bộ Anh [trên 20m] ghi lại Tu chính Thứ nhất tại Viện thông tin (the Newseum) ở Washington DC, nơi bà đọc bài diễn văn. “Mọi thế hệ người Mỹ đã ra sức bảo vệ các giá trị truyền thống được khắc ghi trên tảng đá ấy,” bà Clinton đã nói ở Viện thông tin tại thủ đô HK.

Tường trình của báo chí gợi ý rằng hiện nay lập trường của Google có lẽ đã trở nên mềm dẻo hơn so với lời tuyên bố tuần trước của công ty này, lời tuyên bố nói: “Chúng tôi đi đến quyết định không muốn tiếp tục kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm trên Google.cn của chúng tôi, và vì vậy trong vài tuần lễ nữa chúng tôi sẽ thảo luận với chính phủ TQ về cơ sở theo đó chúng tôi có thể điều hành một máy tìm kiếm không sàng lọc thông tin (an unfiltered search engine) nằm trong khuôn khổ pháp luật, nếu chúng tôi còn tiếp tục nghiệp vụ tại TQ.”

Quyết định của Google thôi cộng tác trong việc kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm có nghĩa là cư dân mạng TQ không thể tiếp tục sử dụng máy tìm kiếm của công ty này tại TQ, nhưng vẫn còn khả năng để hai bên đạt được một tương nhượng (compromise), theo đó Google sẽ giữ lại một số văn phòng tại TQ, gồm kỹ sư và nhân viên tiếp thị, đồng thời dự phần bé nhỏ vào công nghiệp điện thoại di động tại TQ.

(Theo tin của Inter Press Service cọng thêm phần tường thuật của Asia Times Online.)

Nguồn: http://www.atimes.com/atimes/China/LA26Ad01.html

This entry was posted in Tin Tặc Tấn Công, Trung Quốc and tagged , , , . Bookmark the permalink.