(Tham luận tại hội thảo “Phát triển kinh tế hợp tác, xúc tiến, vận động “4 nhà” liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phẩm, tỉnh Long An, ngày 27 và 28/09/2010)
Hợp tác giữa các chủ thể cũng tham gia vào bất kỳ một chuỗi sản xuất – tiêu thụ của một loại sản phẩm nào đó là tất yếu khách quan để mang lại hiệu quả cao cho mỗi chủ thể. Sản xuất nông nghiệp trải rộng trong không gian và trải dài trong thời gian, nhiều, ít tùy thuộc vào từng loại ngành hàng (cây, con). Đối tượng sản xuất nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp là cây, con, những cơ thể sống. Do đó, chất lượng và năng suất, giá trị gia tăng của sản xuất nông sản lại càng phụ thuộc vào chất lượng của sự hợp tác giữa các chủ thể tham gia vào chuỗi ngành hàng, từ cung ứng nguồn lực đầu vào (giống, phân, nước, tiền vốn…), tổ chức sản xuất nông phẩm trên đồng ruộng, vườn cây, chuồng trại, ao hồ nuôi trồng thủy sản, đến mua gom, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông phẩm.
Hiện nay, qui mô sản xuất của mỗi nông hộ, loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trong nông nghiệp, còn nhỏ với 8-10 công đất trồng trọt, vài trăm con gia cầm hay vài chục con heo, bò, 1-2 ha hầm nuôi cá… Vì thế, số lượng nông sản hàng hóa của mỗi đơn vị sản xuất nông nghiệp (nông hộ) không nhiều, dễ dàng tiêu thụ ở chợ quê. Trong điều kiện đó, các nông hộ cần và có khả năng liên kết để thực hiện cung ứng nguồn lực đầu vào, dưới các hình thức như tổ đường nước, tổ hay câu lạc bộ khuyến nông và gần đây là tổ thu hoạch lúa bằng máy liên hợp gặt đập… Việc tiêu thụ nông sản do các thương lái mua gom tại ruộng, tại nhà hay ở chợ quê, bằng hợp đồng miệng – một hình thức liên kết dựa trên chữ “tín” và thông lệ truyền thống, phi chính thức.
Nhưng phát triển nền nông nghiệp hàng hóa qui mô lớn và hiện đại trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, thì sản xuất nông nghiệp nước ta buộc phải thỏa mãn các nhu cầu cao và khắt khe của thị trường; (i) Sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng với giá cả cạnh tranh; (ii) Đảm bảo khối lượng lớn nông sản cung ứng theo lịch trình thời gian nghiêm ngặt, phù hợp với nhu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ; (iii) Tổ chức kênh phân phối hợp lý, tiết kiệm và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường, của khách hàng. Điều này, tạo thành chuỗi ngành hàng từ “trang trại (nông hộ) đến bàn ăn” hay từ “cái cày đến cái đĩa”. Trong đó, nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện và phân chia giá trị gia tăng được tạo ra trong mỗi chuỗi ngành hàng, như các nhà cung ứng nguồn lực đầu vào của sản xuất nông nghiệp (giống, phân, nước, tiền vốn…), nhà nông làm ra nông phẩm trên đồng ruộng, chuồng trại, ao nuôi, đến thương lái thu gom nông sản với tư cách là nguyên liệu đầu vào của công nghiệp chế biến, nhà chế biến, bảo quản (sơ chế và chế biến sâu), nhà buôn bán sỉ, bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng. Các chủ thể này phải liên kết với nhau vì lợi ích của mình và tôn trọng lợi ích của các chủ thể khác trong chuỗi ngành hàng. Để đáp ứng được 3 yêu cầu nêu trên, nhà nông phải thực hiện sản xuất nông nghiệp theo GAP (Viet Gap hoặc Global Gap), nhà chế biến và nhà buôn phải thực hiện quy trình HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu hay là hệ thống kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm). Về phía nhà nông, để đáp ứng 3 yêu cầu nêu trên, giải pháp có thể là:
– Qui mô canh tác hay chăn nuôi của mỗi nông hộ gia tăng, nhờ tích tụ và tập trung tư bản và ruộng đất.
– Các nông hộ nhỏ liên kết trong các HTX để tổ chức lại nên sản xuất theo phương châm “liền đồng, khác chủ, cùng trà giống”. Trong điều kiện này, nhà nông và HTX của họ mới có thể áp dụng cơ giới hóa để nâng cao năng suất và thực hiện GAP để bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời tạo ra khối lượng nông sản lớn, cung ứng kịp thời theo yêu cầu của nhà chế biến – bảo quản nông sản.
Khi qui mô sản xuất của mỗi nông hộ (tức trang trại gia đình) và các loại trang trại khác gia tăng thì nhu cầu hợp tác, liên kết trong khâu tiêu thụ nông sản trở nên bức bách. Khi đó, HTX của các chủ trang trại mới có thể ra đời và chủ yếu để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông phẩm. Lúc đó, HTX là một chủ thể quan trọng trong chuỗi ngành hàng, từ “trang trại đến bàn ăn”, các HTX này kinh doanh với qui mô lớn, do tiêu thụ một khối lượng nông sản lớn của mỗi trang trại – xã viên, nên mới có thể thuê những nhà chuyên môn có trình độ cao về quản lý và kỹ thuật, nhờ trả lương cao theo mặt hàng của thị trường sức lao động. Vì thế, kinh doanh của HTX và của mỗi trang trại – xã viên, mới đạt hiệu quả cao. Lúc đó và chỉ lúc đó, HTX đích thực mới ra đời và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng của nền kinh tế nói chung và của nền nông nghiệp nói riêng. Từ đó, một xu hướng liên kết khác xuất hiện. Đó là sự liên kết giữa các trang trại lớn và HTX với các doanh nghiệp chế biến – bảo quản nông sản, hình thành và phát triển. Và cùng với quá trình này, vai trò của những thương lái thu gom sẽ giảm dần và có thể họ hòa nhập vào trong các HTX của các chủ trang trại hay trở thành đại lý mua gom của các doanh nghiệp chế biến – bảo quản nông sản. Trong mối liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến – bảo quản với các HTX và chủ trang trại, doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng”, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp của nông dân theo GAP và thực hiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp, giải quyết tốt 3 vấn đề mà nhà nông không tự làm được là (i) Thương hiệu và thị trường; (ii) Áp dụng công nghệ mới và (iii) Vốn kinh doanh.
Các doanh nghiệp chế biến – bảo quản nông sản không chỉ bảo đảm việc tiêu thụ nông sản cho nông dân hay HTX, mà còn hướng dẫn nông dân thực hiện GAP, thông qua việc cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và dịch vụ khuyến nông (trực tiếp cho các trang trại hay thông qua HTX). Nhờ đó, các doanh nghiệp này mới có nông sản nguyên liệu để chế biến, vừa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo HACCP, vừa đáp ứng đủ khối lượng và thời gian cung ứng sản phẩm theo yêu cầu của thị trường (thông qua xuất khẩu hay các siêu thị trong nước).
Lúc này, sự liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp không thể bằng hợp đồng miệng, mà phải bằng hợp đồng kinh tế theo luật pháp hiện hành. Nhờ đó, việc chế tài, buộc nhà nông và nhà doanh nghiệp giữ chữ “tín” mới có cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Nhưng để giải quyết tốt 3 vấn đề trên, nhà doanh nghiệp còn phải liên kết, hợp tác với nhà khoa học để giải quyết các vấn đề công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và cả trong chế biến – bảo quản nông sản, liên kết với các tổ chức tín dụng để giải quyết vấn đề vốn cho nông dân và cho chính mình.
Nhờ đó, thương hiệu nông sản gắn với từng doanh nghiệp mới được xác lập trên thị trường trong và ngoài nước, làm gia tăng giá trị của hàng nông sản.
Ngoài việc tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp chế biến – tiêu thụ nông sản còn phải chủ động bàn bạc với các chủ thể khác, trước hết là với nông dân, HTX, để phân chia lợi ích một cách hợp lý, hài hòa giữa các chủ thể cùng tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng.
Sự liên kết của các chủ thể này phải đặt dưới sự quản lý của nhà nước pháp quyền, bằng hệ thống luật pháp rõ ràng, công minh, bằng hệ thống tư pháp xét xử đúng luật đối với các trục trặc, bất đồng giữa các chủ thể trong quá trình hợp tác thực hiện chuỗi giá trị ngành hàng. Mặt khác, nhà nước cần có chính sách khuyến khích sự liên kết trong chuỗi ngành hàng, như tài trợ kinh phí khuyến nông để thực hiện GAP và trả phí để có chứng chỉ sản xuất nông nghiệp theo GAP, giảm thuế cho các doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất nông nghiệp theo GAP và bao tiêu nông sản cho nông dân…
Tóm lại, xu hướng hợp tác trong sản xuất nông nghiệp diễn ra trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ diễn ra như sau:
– Khi sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sự hợp tác giữa các nông hộ chủ yếu trong việc cung ứng nguồn lực đầu vào, bằng hình thức tổ hợp tác hay câu lạc bộ của nông dân. Việc tiêu thụ nông sản thông qua thương lái thu gom là chủ yếu. Thương lái trở thành cầu nối giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chế biến – tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước. Sự liên kết này là tương đối lỏng lẻo, chưa được pháp luật bảo vệ.
– Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nhờ tích tụ ruộng đất, các trang trại gia đình và các loại trang trại khác, có qui mô lớn ra đời, đòi hỏi phải hợp tác để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông phẩm. Nhờ đó, các HTX đích thực ra đời để chủ yếu giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản bằng hai cách:
(i) Trước mắt HTX hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, làm cầu nối giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp chế biến trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo GAP và mua nông sản của nông dân.
(ii) Khi đã lớn mạnh, HTX tổ chức ra các doanh nghiệp chế biến của mình.
Mặt khác, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các doanh nghiệp chế biến – bảo quản – tiêu thụ nông sản ra đời và lớn mạnh, cần có chân hàng cung ứng nông sản nguyên liệu đạt chất lượng, khối lượng đủ theo nhu cầu của công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Vì thế, sự hợp tác giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông (HTX) hình thành, phát triển mạnh mẽ, phổ biến trong các ngành hàng nông sản ở các vùng nông nghiệp sinh thái. Mặt khác, thực tiễn sản xuất nông nghiệp còn đòi hỏi sự hợp tác giữa nhà doanh nghiệp và nhà khoa học, giữa doanh nghiệp chế biến – bảo quản nông sản với các tổ chức tín dụng để giải quyết vấn đề công nghệ và vốn cho chuỗi sản xuất ngành hàng nông sản.
Sự hợp tác này bảo đảm thực hiện GAP trong khâu sản xuất nông phẩm và HACCP trong khâu chế biến – bảo quản – tiêu thụ nông phẩm và phân phối lợi ích hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia, trước hết là nhà nông (HTX) và nhà doanh nghiệp, nhà buôn. Sự hợp tác này còn được pháp luật, chính sách của nhà nước bảo vệ, tài trợ và khuyến khích.
Sự hợp tác này đòi hỏi nhà nước pháp quyền quản lý sự hoạt động của các chủ thể tham gia bằng hệ thống pháp luật rõ ràng, công minh và hệ thống tư pháp xét xử đúng luật đối với các tranh tụng xảy ra.
Nhờ vậy, nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả cao mới có thể hình thành và phát triển, mang lại lợi ích cho các chủ thể tham gia hợp tác, trước hết là nông dân, nhà chế biến – tiêu thụ và người dân sử dụng nông sản.
V. T. K.
Tác giả trực tiếp cho BVN