Nếu như thời phong kiến, những biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực chỉ dừng lại ở một số cá nhân thì nay, tại Việt Nam, tham nhũng, tiêu cực đã thành cả một… hệ thống. Chuyện tham nhũng tại Việt Nam phổ biến đến mức người ta coi nó là điều… bình thường, là chuyện đương nhiên. Thậm chí, ai trong sạch có thể bị coi là… hâm. Đó chính là lý do khiến công tác đấu tranh chống tham nhũng của bà Đức gặp muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Những ai dám đứng ra tố cáo các hành vi tiêu cực của quan chức, cán bộ coi như những người đó thực sự gan to, thực sự dũng cảm và còn hơn cả trên mặt trận chống giặc ngoại xâm. Vì người chống tham nhũng thường bị trù dập, bị gây khó dễ, thậm chí bị trả thù. Bà Đức cũng không nằm ngoài “quy luật” đó. Bà đã từng nhiều lần nhận được những lời đe dọa, quấy rối từ điện thoại, thư nặc danh. Thậm chí, có kẻ còn gửi cả “vòng hoa tang” đến trước cửa nhà bà.
Những kẻ tham nhũng tại Việt Nam thu lợi bất chính, đục khoét của nhân dân không chỉ “ăn” một mình mà còn phải “cống nộp” cho những cấp trên của họ. Vì thế, việc tham nhũng, tiêu cực thường do cả một ê kíp thực hiện. Có những vụ tham nhũng báo chí phát hiện ra, đưa lên công luận, nhưng thực tế chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, vì đằng sau những đối tượng đó còn có cả một hệ thống “chân rết”, một hậu phương “bí hiểm” nào đó. Và khi bị lộ tẩy, các đối tượng thường tìm cách lấp liếm, bưng bít thông tin hoặc bao che cho nhau. Có những vụ, họ còn sử dụng ngay chính báo chí để né tránh, đùn đẩy, đổ lỗi cho người khác nhằm đánh lạc hướng dư luận.
Trong số những đơn từ của người dân ở khắp nơi gửi đến, bà Đức lọc ra và thấy phần lớn là tham nhũng, tiêu cực ở lĩnh vực đất đai, nhà cửa. Một phần trong số đó là những tranh chấp giữa người dân với nhau, còn lại chủ yếu là các nội dung khiếu nại, tố cáo các quan chức, lãnh đạo chiếm đoạt đất của người dân. Đáng chú ý nhất, trong số những đơn từ gửi đến, có một người nông dân khiến bà Đức không thể nào quên. Bởi người nông dân này đã gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng từ khi 27 tuổi, đến nay ông đã 54 tuổi, nghĩa là 27 năm trôi qua, vụ việc vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Số đơn ông gửi đã đến con số 2.270 lá. Những tờ giấy biên lai, hóa đơn của bưu điện đó, người nông dân đã dán lại thành một “tấm thảm” rộng gấp mấy lần chiếc chiếu đôi ghép lại. Số lá đơn và số năm đeo đuổi vụ kiện đã làm người nông dân táng gia bại sản và nó kéo dài hết 1/3 cuộc đời của con người. Điều đó đủ thấy sự kiên trì của người dân cũng như sự thờ ơ, vô cảm và tắc trách của cơ quan chức năng. Hiện nay, người nông dân đó vẫn đang kiên trì hàng ngày tiếp tục gửi đơn tới các cấp lãnh đạo với hy vọng vụ việc của mình sẽ được không bị chìm lỉm trong tuyệt vọng, nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng.
Đây chỉ là một trong những vụ “đặc biệt” mà bà Đức nhớ nhất. Còn rất nhiều những vụ chiếm dụng đất đai khác mà nhân dân từ Nam chí Bắc gửi tới bà Đức, nhưng bà không thể xử lý được, vì bà không có quyền và trách nhiệm xử lý những việc đó. Bà chỉ có thể hướng dẫn người dân gửi đơn đến “cửa” nào mà thôi. Hơn nữa, bà đã có tuổi, sức khỏe yếu rồi, không thể tiếp tục “chiến đấu” được nữa. Nhưng dẫu sao, bà nói: “Tôi vẫn không thể chùn bước trên con đường đầy cam go này. Tôi sẽ mãi mãi luôn sát cánh cùng nhân dân tôi để giúp nhân dân tôi vượt qua mọi chông gai đi tìm bằng được công lý!”.
Hỏi ý kiến riêng của bà về loại “thuốc” chữa tham nhũng ở nước ta, bà nói: “Theo tôi, để quét sạch nạn tham nhũng là chuyện cực kỳ nan giải, bởi điều đó đòi hỏi những người có chức vụ, quyền hạn, đặc biệt là đảng viên, phải thực sự gương mẫu. Với trách nhiệm của mình, họ phải kiên quyết và nghiêm khắc xử lý đến cùng những hành vi tham ô, tham nhũng của cán bộ. Mọi hình thức xử lý phải công khai, dân chủ. Và điều quan trọng nhất là họ phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và vì nhân dân. Một yêu cầu quan trọng nữa, đó là: Đất nước rất cần những con người dám dũng cảm đứng lên tố cáo mọi hành vi tiêu cực và phải kiên trì đấu tranh đến cùng dù có mất mát, hy sinh đến cả sự tự do mà mình đang có. Có như thế, may ra “bệnh” tham nhũng mới dần dà lùi bước được, ít ra là trên những phương diện đang làm cho tiền của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng và đời sống người nông dân vô cùng điêu đứng bớt được phần nóng bỏng! Nhưng cả hai yêu cầu đó, nhìn trên mặt bằng đạo lý, pháp luật của xã hội hiện nay, e chỉ là ước mơ không tưởng”.
H. C.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN