Đừng vội với quy hoạch thủ đô

TT – “Chúng ta đừng vội với quy hoạch thủ đô mà phải thật bình tĩnh nghiên cứu đánh giá và nên có đối thoại, không thể anh làm việc anh, tôi làm việc tôi, nhất là khi xã hội ngày càng dân chủ”.

Người dân Hà Nội tham quan mô hình đề án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội trong một triển lãm - Ảnh: Xuân Long

Người dân Hà Nội tham quan mô hình đề án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội trong một triển lãm - Ảnh: Xuân Long

Ông HỒ UY LIÊM, phó chủ tịch thường trực Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật VN (LHH), nói như vậy với Tuổi Trẻ trước thông tin đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được trình Thủ tướng vào cuối tháng 9. Ông Liêm mở đầu cuộc trao đổi bằng một câu chuyện cũ:

Ông Hồ Uy Liêm - Ảnh: Việt Dũng

Ông Hồ Uy Liêm - Ảnh: Việt Dũng

– Trước đây, sau khi Chính phủ thông qua dự án khả thi xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, các nhà khoa học vẫn phản ứng, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý cho LHH đóng góp thêm ý kiến. Khi đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn là phó thủ tướng, đã mời các nhà khoa học đến giải trình xem tại sao lại đề nghị hạ thấp độ cao của công trình xuống. Chính phủ sau đó đã lắng nghe các nhà khoa học, quyết định lại.

* Với đồ án quy hoạch thủ đô lần này, trước khi Bộ Xây dựng thông báo cuối tháng 9 sẽ trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thủ đô, LHH đã có văn bản kiến nghị chưa thông qua đồ án là vì sao, thưa ông?

Quy hoạch cũ có được tiếp thu?

“Trước khi nhập vào Hà Nội, Hà Tây cũng có quy hoạch, vậy cái quy hoạch cũ có được tiếp thu không hay ta coi đó là một tờ giấy trắng, vẽ gì tùy thích? Hay chuyện nội ô Hà Nội hiện vô cùng lộn xộn, khu “ổ chuột” rất nhiều. Cái đó cũng phải được tính đến trong quy hoạch chứ. Quy hoạch cũng không nói đến các cơ quan đầu não của Hà Nội. Thủ đô thì trụ sở của cơ quan đầu não phải hoành tráng nhưng hiện nay lộn xộn lắm, không thành quần thể có kiến trúc hài hòa”.

– Vì đồ án chưa đáp ứng yêu cầu về một bản quy hoạch Hà Nội mở rộng, làm rất gấp gáp, còn nhiều vấn đề bất cập, không phù hợp, thiếu tính khả thi. Bộ Xây dựng là người chủ xướng đồ án nhưng lại đứng ra thẩm định thì rất khó coi. Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia và tôi cũng đã lên mạng tìm hiểu thì không thấy nói nhiều về ba đơn vị tư vấn nước ngoài. Mấy đơn vị này không nổi tiếng lắm, hơn nữa họ chưa bao giờ làm một đồ án lớn thế này.

Trong đồ án, từ phát triển đô thị, nhà ở, công nghiệp, nông nghiệp đến các thành phố vệ tinh đều chưa được các nhà khoa học thống nhất. Ví dụ, các thành phố vệ tinh đồ án đưa vào là những thành phố lớn, có cuộc sống độc lập chứ không phải vệ tinh. Hay đồ án đặt vấn đề phát triển Phú Xuyên thành thành phố, đưa công nghiệp dệt may, da giày về đấy, nhưng bên cạnh Phú Xuyên đã có khu công nghiệp của Hà Nam thì mối quan hệ giữa Phú Xuyên với Hà Nam thế nào không rõ.

Chúng ta không nên mỗi tỉnh là một khu độc lập mà phải kết hợp sự phát triển từng vùng để làm sao có sự tương tác giữa Hà Nội với tất cả các vùng xung quanh.

Rất nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội nên phát triển về hướng bắc và đông bắc chứ không phải hướng tây như đồ án đưa ra. Hướng bắc và đông bắc chúng ta còn đất. Sau này phát triển kinh tế thì hướng bắc và đông bắc vẫn là hướng vận chuyển chính.

Lên phía tây có gì? Khu công nghiệp nào trên đấy? Không có. Vậy chúng ta làm trục hồ Tây – Ba Vì lên phía tây làm gì? Lúc đầu bảo chạy thẳng tắp, giờ bảo hơi uốn. Chúng tôi thấy cái trục đó không có lý do tồn tại. Giao thông lên đó đã có đường Láng – Hòa Lạc, thêm nữa có đường 32 mở rộng, lại đang chuẩn bị xây dựng đường Tây Thăng Long, rồi sẽ có đường sắt dọc Láng – Hòa Lạc. Như thế với phía tây đã là quá đủ.

* Thưa ông, những kiến nghị của LHH có được tiếp thu?

– Ngay khi dự thảo đầu tiên của đồ án đưa ra, LHH đã góp ý kiến. Các đơn vị trong LHH đã góp ý. Sau đó, LHH tổ chức báo cáo tại Văn phòng Trung ương Đảng, tổ chức một nhóm chuyên gia báo cáo với ông Trương Tấn Sang, thường trực Ban Bí thư. Mới đây vì trong quy hoạch có sự điều chỉnh, Văn phòng Trung ương Đảng lại đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, LHH và Hội Kiến trúc sư VN có ý kiến.

Lần này LHH kiến nghị chưa thông qua quy hoạch và kiến nghị giao cho LHH tham gia làm một trong các bên của VN phản biện độc lập cho đồ án vì hiện mới chỉ có hai cơ quan phản biện nước ngoài. Quy hoạch của ta mà người VN không được tham gia phản biện thì vô lý.

Nhưng tất cả ý kiến của LHH tôi chưa thấy có trao đổi lại. Về phía Văn phòng Trung ương Đảng đang thu thập ý kiến để báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị, chứ Bộ Xây dựng chưa có ý kiến gì. Tôi nghĩ nếu Bộ Xây dựng quan tâm đến các tổ chức nghề nghiệp thì việc này không thể bỏ qua được.

Khi xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải chủ động làm việc với LHH và đề nghị tổ chức hội thảo, dù họ biết chắc chắn sẽ có ý kiến khác nhau nhưng họ vẫn lắng nghe.

* Ông có nghe những cảnh báo về sự tác động của các nhóm lợi ích đến việc xây dựng quy hoạch thủ đô, cũng như việc hoàn thành quy hoạch để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội?

– Xì xào thì đâu cũng có vì cách làm khiến người ta có cảm tưởng thế. Chẳng hạn ban đầu dự thảo nói chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì đã làm đất Ba Vì “nóng” ghê gớm một thời gian dài, sau rồi lại bảo thôi. Trong hàng trăm thủ đô, phần lớn người ta làm ở hạ lưu các dòng sông lớn chứ ít khi đẩy lên rừng, lên núi, ta lại đẩy lên phía tây nên nhiều nhà khoa học phân vân. Còn nếu lấy 1.000 năm Thăng Long làm mốc hoàn thành quy hoạch thì không nên.

Chúng ta nên bình tĩnh nghiên cứu đánh giá với sự tham gia của các chuyên gia, trong đó có chuyên gia độc lập. Ở cơ quan nhà nước, rất có thể thủ trưởng các cơ quan đó đưa ra chỉ đạo trước và thế nào cũng phải theo ý kiến của thủ trưởng. Khi xem xong đồ án, tôi cũng thắc mắc là Bộ Xây dựng toàn chuyên gia giỏi nhưng tại sao ý kiến của các chuyên gia đấy lại khác rất nhiều với ý kiến của chuyên gia độc lập.

Cái đó rất đáng suy nghĩ. Tôi cho rằng những vấn đề tác động đến sự phát triển của một lĩnh vực hay thành một chủ trương, chính sách thì cần có ý kiến của các chuyên gia độc lập.

* Dù LHH kiến nghị chưa thông qua nhưng Bộ Xây dựng vẫn dự kiến cuối tháng 9 trình Thủ tướng xem xét phê duyệt đồ án, ý kiến ông thế nào về chuyện này?

– Nếu trước khi ký phê duyệt, Thủ tướng lấy ý kiến LHH thì khi đó chúng tôi  sẽ trình bày những vấn đề LHH nêu ra không phải là suy nghĩ tức thời, mà là nghiên cứu của các chuyên gia rất sâu.

Nếu quy hoạch như hiện nay được duyệt thì hậu quả là sẽ không khả thi, không đáp ứng được quy luật phát triển của thủ đô. Vì vậy sẽ phải điều chỉnh rất nhiều, chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội và các vùng xung quanh. Điều đó sẽ nguy hại vô cùng.

KHIẾT HƯNG thực hiện

Nguồn: http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=401372&ChannelID=450

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.