Nhân đọc bài viết của Hoàng Hưng, xin chỉnh cho thật chính xác dăm điều riêng tư: từ vụ án VKB tôi phải đợi 6 năm, đến 1988, mới được về Việt Nam trong một phái đoàn GS Đại Học Canada được Bộ Ngoại Giao tiếp đón. Đến năm 1990, mặc dầu có giấy mời của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý Trung ương, về đến Nội Bài thì tôi được lịch sự mời ra…với lý do gì đến nay tôi cũng chưa biết, nhưng đoán là sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì phải cấp tốc xây hàng rào bảo vệ Hà Nội. Xin Visa vài lần sau đó mà không được, tôi biết thân mình, nhưng khi Trịnh Công Sơn viết thư nói: “… mình hết thời gian rồi”, tôi có gặp bà Đại Sứ Việt Nam thuở đó, xin và được phép về năm 1998. Như vậy, thời gian tôi bị cấm cửa không đến 20 năm như Hoàng Hưng viết: chúng tôi chưa bao giờ kể lể những chuyện này. Nhưng thôi, 20 hay 14, 15 năm thì cũng thế, vù đi một cái là hết kiếp phù sinh.
Cái oái oăm là có những nghịch lý khó chấp nhận: khi Sơn đến Quebec thăm tôi năm 1992, anh biết tôi ấm ức, bảo: “… cứ coi họ là những đứa bé nghịch ngợm lấy chân di một đàn kiến…”. Ngẫm nghĩ, anh an ủi cả anh lẫn tôi, tiếp: “… nhưng rồi đứa bé ấy cũng phải lớn lên chứ”. Lớn lên thế nào không biết, nhưng lớn đủ để chính thức nói một lời xin lỗi những con kiến càng cỡ Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… thì chưa!
Hoàng Hưng nhắc tập VKB có tranh minh họa của Bùi Xuân Phái khiến tôi nhớ đêm Giáng Sinh năm 81. Cùng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, và Văn Cao đến cà phê Lâm (toét), tôi đã giở từng tờ, lắng mình trong ánh đèn dầu một tốí Hà Nội mất điện. Tập thơ thật đẹp, và Thơ thật hay. Bây giờ, nó lưu lạc đâu rồi? Sau khi được “phục hồi”, Hoàng Cầm in VKB, giấy đen, mực lem nhem, gửi cho tôi, đề “Gửi em để nhớ một năm đầy oan nghiệt nhưng cũng đầy hạnh phúc”. Kèm VKB, anh cũng gửi tôi tập Ngựa Biển của Hoàng Hưng, dặn thơ hay phải đọc. Đấy, cái tội độc nhất của chúng tôi là yêu Thơ. Nhưng có tội, bỏ tù hay bắt lưu đày, cho chúng mày biết tội! Tội của những con kiến… Thế thôi, mà sao vẫn cứ chạnh lòng!
N. M. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho nhà thơ Hoàng Hưng