Mấu chốt là đổi mới thể chế kinh tế

TS. Võ Đại Lược tại buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam: vấn đề và giải pháp”. Ảnh: Lê Toàn.

TS. Võ Đại Lược tại buổi hội thảo “Kinh tế Việt Nam: vấn đề và giải pháp”. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Kinh tế Việt Nam bước qua ngưỡng nước kém phát triển, gia nhập các nước có thu nhập trung bình, nhưng để bứt phá lên hàng các nước phát triển thì cần phải vượt qua tư duy lỗi thời để hiện đại hóa thể chế kinh tế. Chuyên mục Sự kiện & Vấn đề tuần này nhìn vào những vấn đề lớn trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011-2020, từ chuyện thể chế đến chính sách tài chính và thương mại.

Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: vấn đề và giải pháp” do Ban chủ nhiệm Chương trình KX.01/06-10 (Những vấn đề cơ bản của phát triển kinh tế Việt Nam đến năm 2020) tổ chức hôm 8-9-2010 tại hội trường TBKTSG đã ghi nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn.

“Con dốc” thể chế

Theo ông Bùi Tất Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 20 năm qua, 1991-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam là 7,4%/năm. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam đã bước qua ngưỡng nước kém phát triển, gia nhập các nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tư duy phát triển và thể chế kinh tế hiện hành của Việt Nam, dù đã được đổi mới, vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của thời kỳ mới.

Thật vậy, căn cứ vào dự thảo chiến lược của Việt Nam trong thời kỳ tới, kể cả tầm nhìn, không thấy có sự bứt phá nào về tư duy hay thể chế, thậm chí vẫn còn những quan điểm mâu thuẫn in đậm dấu ấn của mô hình kinh tế Xô viết (như khẳng định phát triển kinh tế thị trường hiện đại nhưng đồng thời lại khẳng định kinh tế nhà nước là chủ đạo).

Hơn nữa, theo ông Võ Đại Lược, Chủ nhiệm Chương trình KX.01/06-10, những yếu kém của nền kinh tế hiện nay như chỉ số ICOR quá cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm chạp, sự bất bình đẳng trong tiếp cận và phân phối thành quả phát triển, mức độ ổn định kinh tế vĩ mô chưa cao (thâm hụt thương mại, lạm phát, nợ công, lãi suất và tỷ giá hối đoái)… chỉ được khắc phục hoàn toàn khi đổi mới tư duy phát triển và nâng cấp thể chế cho phù hợp với thời đại mới.

Còn chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Phúc cho rằng, để tránh cái “bẫy thu nhập trung bình” và trở thành nước phát triển, Việt Nam phải vượt qua rất nhiều “con dốc”, trong đó hai “con dốc” rất cao là “con dốc” đổi mới tư duy và “con dốc” nâng cấp thể chế. Với quan điểm “tư duy nào kinh tế đó”, ông Phúc nhận định: “Đổi mới tư duy để hiện đại thể chế là chìa khóa phát triển kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Nhưng muốn thay đổi tư duy không phải dễ. Thật vậy, nhiều trường hợp chúng ta thấy trước hậu quả nhưng vẫn không chịu thay đổi tư duy để giải quyết vấn đề. Như vấn nạn kẹt xe ở TPHCM chẳng hạn, nó đã được các chuyên gia, các nhà tư vấn nhìn thấy từ hơn 10 năm trước nhưng thực tế vẫn không tránh được.

Thể chế là những hệ thống quy luật kinh tế – xã hội được thiết lập và phổ biến, nhằm kiến tạo nên các mối tương tác xã hội. Thể chế có loại chính thức (hệ thống luật và quy định) có loại không chính thức (như nguyên tắc hành xử trong cuộc sống). Ví dụ luật chống độc quyền là một thể chế thúc đẩy sự cạnh tranh; các tiêu chuẩn đo lường là loại thể chế tạo ra sự minh bạch trong thông tin thị trường…

Leo “dốc” cách nào?

Nguyên nhân yếu kém của nền kinh tế đã được các chuyên gia kinh tế chỉ ra tại hội thảo, như: chỉ số ICOR cao do đầu tư dàn trải, kém hiệu quả; nhập siêu tăng vì không có ngành công nghiệp phụ trợ; tỷ lệ đầu tư nhà nước tăng do nhiều tập đoàn kinh tế ra đời nhưng đầu tư kém hiệu quả (Vinashin); ngân sách thâm hụt vì đầu tư cho các tập đoàn… Có ý kiến cho rằng không nên duy trì các tập đoàn vì nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước có các chính sách an sinh tốt chứ không phải lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo! (Trừ một số lĩnh vực thật sự cần thiết).

Theo ông Nguyễn Hoàng Bảo, Đại học Kinh tế TPHCM, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Còn theo ông Nguyễn Văn Cường, Công ty Trafast, bẫy tư duy hiện nay là tư duy lợi ích nhóm. “Tại sao chúng ta có lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp, du lịch lại không được đầu tư đúng tầm; trong khi công nghiệp chúng ta không có lợi thế thì lại đổ nguồn lực vào?”, ông Cường thắc mắc.

Theo ông Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty IMF Việt Nam, Nhà nước nên thay đổi tư duy về phát triển kinh tế đất nước. “Chúng ta sẽ hiện đại hóa, công nghiệp hóa như thế nào vào năm 2020 trong khi đến 70% dân số vẫn còn hoạt động trong khu vực nông nghiệp, sống ở nông thôn. Theo tôi, Nhà nước cần đầu tư cho nông thôn, khi nông dân giàu lên, tạo ra sức mua, khi đó mới dễ dàng công nghiệp hóa được”, ông Hòa nói.

Khi tư duy phát triển kinh tế thay đổi thì thể chế sẽ dễ dàng nâng cấp theo cho phù hợp. Ông Võ Đại Lược thừa nhận, về thể chế Việt Nam đang có sự bất cập từ luật pháp, bộ máy và cách điều hành. “Chúng tôi cho rằng vấn đề cải cách thể chế là quan trọng, là chìa khóa để hiện đại hóa đất nước”, ông Lược nói.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, “thay đổi thể chế trên diện rộng là khó, do đó chỉ nên bứt phá ở một nơi để thí điểm”, ông Lược đề xuất. Như vậy, liệu đến năm 2020 Việt Nam có trở thành nước công nghiệp không? Theo ông Bùi Tất Thắng, về lý thuyết một nền kinh tế có thể phát triển nhanh và bền vững; nhưng đi cùng với đó là các điều kiện, mà điều kiện tiên quyết là thể chế phải hiện đại. Và ở đây, người lãnh đạo có vai trò quyết định.

Các chuyên gia nói gì?

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phải bắt đầu công cuộc tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ ngay từ bây giờ

Việt Nam sắp bước sang Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm mới (2011-2020) và bản dự thảo chiến lược bắt đầu quá trình lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Việc đầu tiên cần nói đến là một số nước xung quanh ta có tốc độ phát triển nhanh hơn ta rất nhiều. Tại sao như vậy?

Vài con số cho thấy:

• Trung Quốc trong 32 năm(1977-2008) có 16 năm kinh tế tăng trưởng từ 10-15%/năm; 13 năm kinh tế tăng trưởng 8-10%/năm, chỉ có ba năm kinh tế tăng trưởng thấp, dưới 8%/năm.

• Hàn Quốc trong 34 năm tính từ 1963 có 11 năm kinh tế tăng 10-14%/năm; có 15 năm kinh tế tăng 7-10%/năm; có 8 năm kinh tế tăng từ 4-7%/năm….

Các nước xung quanh ta, theo tôi, cải cách hay đổi mới đều tốt hơn ta, mô hình phát triển khá hơn ta. Sau các cuộc khủng hoảng họ cũng phục hồi nhanh hơn ta.

Nước ta 10 năm đầu tiên (1991-2000), kinh tế tăng bình quân 7,5%/năm và năm cao nhất (1995) cũng chỉ 9,5%/năm. Mười năm tiếp theo, 2001-2010 bình quân chỉ tăng khoảng 7,2% /năm và cao nhất cũng chỉ 8,4%. Theo tôi, với tình hình như hiện nay và theo như dự báo nêu trong chiến lược sắp tới thì 10 năm tiếp theo cũng chỉ khoảng 7%/năm. Như vậy là chưa có bứt phá. Và việc đuổi kịp các nước xung quanh vẫn còn xa vời.

Muốn có bứt phá, phải cải cách nhanh, triệt để và phải bắt đầu công cuộc tái cấu trúc kinh tế mạnh mẽ ngay từ bây giờ. Trước hết là tái cấu trúc doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước; phải lập lại các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối năng lượng, các cân đối về giá trị… làm sao để nâng cao năng suất lao động nếu không sẽ bị thua thiệt trong cạnh tranh.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Chất lượng chứ không phải tốc độ tăng trưởng

Vấn đề chi phối sự phát triển kinh tế 10 năm tới phải là chất lượng tăng trưởng chứ không phải tốc độ tăng trưởng, tính hiệu quả của nó phải được đánh giá trong tương quan so sánh, phát triển nói chung của kinh tế thế giới một cách bền vững. Nếu không, kinh tế Việt Nam hoặc tụt hậu, hoặc tiến chậm hơn. Vài phần trăm tăng trưởng không thực có ý nghĩa vì hệ số ICOR của Việt Nam cao, lãng phí lớn, chất xám và hàm lượng khoa học, công nghệ thấp nên chi phí đánh đổi cho tăng trưởng là rất nhiều.

Chúng ta đã từng giải quyết các vấn đề lạm phát, suy giảm kinh tế tốt hơn một số quốc gia trong một vài năm gần đây. Nhưng đó là các vấn đề của ngắn hạn, mang tính tình thế, khi mà độ phức tạp của nền kinh tế Việt Nam còn thua xa các quốc gia phát triển đó. Do vậy, không nên xem đây là một thành tích mang tính bền vững mà phải hướng đến một cơ cấu, thể chế kinh tế chắc chắn hơn, hạ tầng xã hội phát triển, chất lượng nguồn lực được đào sâu, lọc kỹ. Những cái này chưa sửa được bao nhiêu thì chưa thể hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững được.

Ông Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Khoa học tài chính giá cả: Sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia như thế nào?

Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm (2011-2020) bắt đầu bằng kế hoạch năm năm không phải là tổng hợp kế hoạch từng năm mà phải có một tầm nhìn xa, xuyên suốt với những định hướng rõ ràng. Sau 10 năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia như thế nào? Tăng trưởng cao cũng tốt nhưng tăng trưởng cao nhất là 7,2%/năm cho những năm tới thì quy mô kinh tế sau 10 năm dù tăng gấp đôi hiện tại tính ra cũng không thể khiến GDP bình quân đầu người lên 2.000 đô la Mỹ.

Nhưng vấn đề không chỉ có vậy. Hiện tại tôi còn chưa nhìn thấy sự rõ ràng trong chiến lược và kế hoạch, chưa thấy vấn đề tái cơ cấu kinh tế, vốn được nhắc đến thường xuyên, có những dấu hiệu khởi động rõ hơn. Ngay cả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 vẫn là làm theo bài bản cũ, điền những con số tăng trưởng thế này, lạm phát thế kia.

Bên cạnh đó, ngay cả câu từ trong chiến lược kinh tế 10 năm, về các thành phần kinh tế thì dường như chưa có sự thống nhất về quan điểm, khi còn những cuộc tranh cãi về thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước là chủ đạo và kinh tế tư nhân chỉ là động lực mà thôi? Có đúng là như vậy hay sẽ đột phá theo nhận thức khác để có kết quả tốt hơn, rõ ràng hơn.

Không ai đoán được diễn biến kinh tế toàn cầu 10 năm tới sẽ theo hướng nào nhưng việc chuẩn bị của nền kinh tế có xuất phát điểm thấp như Việt Nam không bao giờ là thừa và phải kiên quyết đi theo những mục tiêu có tính dài hạn đó để khi gặp những tác động bên ngoài, khả năng đề kháng sẽ tốt hơn, tránh được rủi ro hơn.

Ngọc Lan ghi

Q. C.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/sukien/40504/

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.