Trước tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Bắc Kinh, kinh tế gia Lê Đăng Doanh cảnh báo về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam, cả về kinh tế lẫn chính trị.
Với việc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Trung Quốc liên tục nỗ lực đẩy mạnh vị thế của đồng nhân dân tệ trên thị trường quốc tế.
Tại khu vực, Bắc Kinh đã bước đầu thành công với việc thuyết phục Indonesia và Malaysia chấp nhận loại tiền tệ này trong quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc.
Hồi tháng 04/2009, tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại London, Trung Quốc đã đề xuất xây dựng một “giỏ” gồm các loại tiền tệ mạnh trên thế giới, trong đó có đồng nhân dân tệ, thành đơn vị thanh toán quốc tế mới thay thế cho đồng đô la Mỹ.
Tới hội nghị thượng đỉnh khối Bric (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) diễn ra tại St Petersburg, Bắc Kinh tiếp tục ráo riết vận động cho đồng nhân dân tệ.
Chưa đạt thành công trong các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc tiếp tục xúc tiến chủ đề này tại Hội nghị các bộ trưởng kinh tế khối Asean được tổ chức tại Đà Nẵng cuối tháng 8 vừa qua, với lời kêu gọi các nước trong khối Đông Nam Á hãy sử dụng nhiều hơn nữa đồng nhân dân tệ trong quan hệ thương mại song phương với Trung Quốc.
Nhận định về việc Indonesia và Malaysia chấp nhận dùng nhân dân tệ và các đồng bản tệ của mình làm phương tiện thanh toán với Trung Quốc, ông Lê Đăng Doanh cho rằng hai nước này được hưởng lợi nhờ có cán cân thương mại khá quân bình với Trung Quốc.
Tuy nhiên, với trường hợp của Việt Nam thì ông cảnh báo: “Việt Nam nhập siêu quá nhiều đối với Trung Quốc. Hiện Việt Nam nhập siêu tới 10 tỷ đô la, tức là tới 90% so với tổng nhập siêu của Việt Nam đối với tất cả các đối tác thương mại quốc tế. Vì vậy, nếu làm việc này [dùng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán] thì Việt Nam phải hết sức thận trọng, bàn bạc tính toán kỹ xem Trung Quốc chấp nhận Việt Nam đồng đến đâu,”
“Nếu Trung Quốc đòi hỏi như vậy [thanh toán toàn bộ bằng nhân dân tệ] thì Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào đồng nhân dân tệ. Đó là một cái bẫy.”
Ông Lê Đăng Doanh cũng cho rằng ảnh hưởng về kinh tế, tiền tệ chắc chắn sẽ dẫn tới ảnh hưởng về chính trị:
“Hiện nay, với việc phụ thuộc thương mại và với việc tới 90% các gói thầu về điện và xây dựng ở Việt Nam rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc, Việt Nam đang tự phát hiện ra là mình đã phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Theo tôi, điều ấy đã hơi muộn, song nhận thức được vấn đề còn hơn là chưa nhận thức được.”
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/av/2010/09/100910_ledangdoanh_chinacurrency.shtml