Tôi là độc giả của báo Quân đội Nhân dân (QĐND) từ rất lâu. Khi tôi mới 12 tuổi, anh trai tôi đặt mua báo QĐND theo năm. Cứ hàng sáng, người đưa báo là một ông già lặng lẽ đến cửa nhà tôi thả qua khe cửa tờ báo QĐND. Bây giờ tôi không biết, ngày đó kỹ thuật in lạc hậu lắm, báo giấy in đen trắng, đến ngày Chủ nhật báo mới có chữ đỏ trên trang nhất. Anh cũng mua cả tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tuần tin tức nữa. Ngày ấy tôi say sưa với những truyện ngắn trên tạp chí VNQĐ và những bài báo đanh thép, hào hùng về tinh thần anh dũng của chiến sĩ Việt Nam trên tuyến đầu biên giới, những người lính phong trần ở biên giới phía Nam.
Bỗng nhiên năm 1989 anh tôi đột ngột không mua tờ báo nào nữa. Tôi cũng không biết lý do thật sự, tôi cũng chả để ý mà hỏi, năm sau tôi vào quân đội. Ba năm sau ra quân với món tiền trợ cấp bằng nửa chỉ vàng.
Tôi vẫn nhớ như in phiên hiệu đơn vị, từng người đồng đội, từng vị chỉ huy. Thỉnh thoảng trong vòng 5 năm sau khi ra quân, tôi vẫn đến đơn vị thăm những vị chỉ huy mà tôi có tình cảm. Với tôi, Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn là một phần ký ức đẹp mà tôi đã sống. Tôi vẫn nhớ những lần về phép, lên xe mọi người nhường chỗ, phụ xe không lấy tiền. Anh ấy nói nhẹ nhàng:
– Chú bộ đội, còn ghế kia kìa ngồi đi.
Tôi cũng nhớ những ngày đơn vị giúp trường học xây bể nước, đào mương cho dân. Những cô học sinh cấp 3 và lính chúng tôi trêu nhau, hẹn hò. Những người dân lén mang bát thịt kho bẽn lẽn xin Thủ trưởng cho chúng tôi ăn. Cả Trung đoàn chúng tôi có 17 người Hà Nội, còn lớp lính đầu quân với tôi có 8 thằng. Hôm đưa tiễn ở Thượng Thanh, Thượng Cát, có thằng được người yêu đưa, cô ấy khóc như mưa. Nghĩ mà ngộ quá, tôi mới 18 tuổi còn trẻ con lắm, thế mà thằng Tiến ở Hàng Thiếc bằng tuổi tôi lại có người yêu đưa tiễn khóc như phim. Anh trai tôi đi cùng một anh bạn buôn ở chợ trời tiễn tôi đi, hai người đàn ông đó chỉ lặng lẽ hút thuốc lá nhìn chúng tôi lên xe. Có lẽ trong 8 thằng Hà Nội đi nhập ngũ hôm ấy, có trường hợp tôi là lặng lẽ nhất.
Hôm nay tôi kể lể những dòng này, để muốn nói với quý báo QĐND rằng: Một phần từng là người lính trong tôi chưa bao giờ phai nhạt, dù có đến gần 20 năm đã qua.
Hồi ấy chúng tôi đọc trơn tuột những câu Trung với nước, Hiếu với dân…, có lẽ nếu bây giờ tôi khó đọc được như vậy, vì có lẽ chủ thể đã thay đổi. Cũng như giờ tôi mới hiểu tại sao anh trai tôi không đặt mua báo QĐND nữa.
Báo QĐND có slogan:
– Vì nhân dân phục vụ.
Có lẽ duy nhất dòng chữ này với cái tên báo là còn nguyên.
Bữa cơm lính ngày ấy có hai bát cơm vơi, vài cọng rau luộc. Đêm đến đói quá, thằng Ái ở Khâm Thiên mang chăn ra nhà dân gõ cửa nằn nì xin đổi lấy bánh gai, bánh vừng vòng. Nhìn vẻ mặt năn nỉ của nó nài thêm cái bánh với chủ nhà, tôi ứa nước mắt khóc vì tủi thân phận lính khi nó dúi cho tôi chiếc bánh gai. Bữa cơm ngày nay lính ăn không hết, thịt dày như ngón tay, phụ cấp mua được gần 20 bao thuốc lá, chúng tôi chỉ mua được 2 bao, mà cũng chả kịp lĩnh vì căng tin lĩnh hộ trừ nợ.
Nhiều thứ trong xã hội đã đổi thay, có những tiến bộ về đời sống vật chất so với 20 năm trước là rất nhiều. Người lính về vật chất đầy đủ hơn, người dân cũng có nhiều tiện nghi hơn…
Nhưng về tình nghĩa, khó mà nói hơn so với trước kia. Nhiều nhà xã hội học nghiên cứu cho rằng đó là quy luật của kinh tế thị trường.
Xã hội là vậy, thế còn Quân đội Nhân dân Việt Nam thay đổi vật chất, có thay đổi tinh thần không? Còn vì nhân dân phục vụ không?
Hay phục vụ làm viễn thông, kinh doanh xăng dầu, ngân hàng, xây dựng và phục vụ nhân dân trên báo bằng cách thêm mục ”chống diễn biến hòa bình”?
Trong khi ở ngoài khơi, những quần đảo của tổ tiên để lại bị quân thù chiếm đóng bằng vũ lực; những người ngư dân Việt Nam hiền lành, chất phác, cần cù lao động kiếm miếng ăn nuôi sống gia đình, chốc lại bỏ mạng vì tàu nước ngoài bắn giết. Con thơ, vợ dại chờ chồng về mang theo cá trong khoang lạnh, khoang muối không thấy, thay vào đó là xác chồng, xác cha còn nguyên đầu đạn quân bành trướng trong người. Rồi ngư dân còn bị tàu nước ngoài xâm nhập trái phép bắt cả người lẫn tàu về nước họ. Tàu bị tịch thu, người bị bắt, phải chuộc tiền.
Báo QĐND ơi, lúc đó phóng viên của báo ở đâu?
Đang theo dự án kinh tế của quân khu hay của cấp sư đoàn?
Báo còn vì nhân dân phục vụ hay phục vụ ai?
Hay đang đi tìm kẻ thù ẩn nấp trong nhân dân?
Ngày hôm nay xem báo QĐND có 11 mục, chỉ có một mục duy nhất là an ninh – quốc phòng. Không có mục nào bênh vực cho người dân, không có bài nào, mục nào nói đến kẻ thù bắn giết ngư dân, đến lãnh thổ thiêng liêng bị mất vào tay ngoại bang, đến những chiến sĩ hải quân bỏ mình trên đảo xa của tổ quốc.
Trái lại mục ”phòng và chống diễn biến hòa bình” đầy ắp kẻ thù, những kẻ thù hoàn toàn là người Việt Nam.
Thì ra kẻ thù của QĐND bây giờ chính là những tên dân Việt Nam đòi chủ quyền, đòi dân chủ, là những nhân sĩ, trí thức, cựu tướng lãnh quân đội đòi kiến tạo đất nước một cách thực tế và khoa học hơn… Thật buồn và thật đáng suy ngẫm khi đặt câu hỏi tại sao lại có những kẻ thù như vậy.
Nhưng kẻ thù cũng phải phân biệt kẻ thù của ai. Của ngư dân bị giết, bị cướp, của những người nông dân bị thu hồi đất với giá rẻ mạt, của hàng triệu người bị quyết định về mất sức không được hưởng chế độ lương hưu hồi thập kỷ 90, của những thanh niên nam, nữ bần hàn lao động thêm giờ kiệt sức trong các khu công nghiệp, của các bậc phụ huynh với món tiền học phí cho con, phí bệnh viện ngày càng cao?
Báo QĐND có vì nhân dân phục vụ mà đi tìm hiểu, đấu tranh xem nhân dân đang tâm tư thế nào, đang thực sự thù ai? Hãy tìm những kẻ thù gây tội ác rành rành, chứ đừng tìm kiếm kiểu áp đặt những kẻ thù không hề gây tội ác nào với nhân dân để cố tình khoác tội.
Xin hãy xứng đáng với dòng slogan của mình bằng nhận thức của lý trí, của trái tim.
Đó mới là Vì Nhân Dân Phục Vụ.
N.B.G.
Nguồn: http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/162/162