Fidel: “Mô hình của Cuba thậm chí không còn áp dụng được cho chính chúng tôi nữa”

Có rất nhiều điều ngạc nhiên về chuyến thăm ngắn ngày của tôi  ở Cuba gần đây (ngoại trừ buổi trình diễn cá heo mà tôi sẽ đề cập đến ở phần sau của bài), nhưng một trong những điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là sự tự phê bình bản thân của Fidel Castro. Tôi không có nhiều trải nghiệm với những nhà độc tài cộng sản (tôi có nhiều trải nghiệm hơn với những nhà độc tài phi cộng sản) nhưng thật là một điều bất ngờ khi Castro sẵn sàng thừa nhận sai lầm của mình vào giờ phút quyết định của cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba (bạn có thể đọc về những điều ông nói ở phần cuối bài viết trước của tôi – tuy nhiên ông cho biết rất rõ ràng rằng ông hối tiếc về việc nhờ Khruschev dùng vũ khí hạt nhân đánh Mỹ).Một điều bất ngờ hơn nữa là điều ông cho tôi biết vào bữa trưa trong ngày đầu gặp mặt. Chúng tôi ngồi quanh một chiếc bàn nhỏ. Những người có mặt bao gồm Castro, vợ của ông – Dalia và con trai – Antonio; Randy Alonso – một quan chức cấp cao của ngành truyền thông do chính phủ kiểm soát; và Julia Sweig – người bạn tôi đưa đi cùng để đảm bảo rằng tôi không nói điều gì ngu ngốc (Julia là một học giả hàng đầu về châu Mỹ Latin ở Hội đồng đối ngoại). Ban đầu tôi chỉ ngồi xem Fidel ăn – ông gặp khó khăn trong vấn đề tiêu hóa – căn bệnh đã suýt cướp đi mạng sống của ông, vì thế tôi nghĩ rằng có thể tiến hành một cuộc ‘nội soi dạ dày’ và để ý xem ông ăn những gì (tổng kết lại, ông ăn một lượng nhỏ cá và salad, một ít bánh mỳ nhúng trong dầu oliu, và uống một cốc rượu vang đỏ). Tuy nhiên trong suốt cuộc trao đổi thân mật (chúng tôi vừa dành 3 tiếng để nói về Iran và Trung Đông), tôi hỏi ông ấy còn tin rằng mô hình của Cuba có đáng để  các nước khác học tập hay không.

Ông nói: “Mô hình của Cuba thậm chí không còn áp dụng được cho chính chúng tôi nữa”.

Điều này khiến tôi rất bất ngờ tưởng mình nghe nhầm. Có phải nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng thực chất chỉ nói: “Đừng bận tâm”? [Nguyên văn: “This struck me as the mother of all Emily Litella moments. Did the leader of the Revolution just say, in essence, “Never mind”?”. Cuối những năm 1970 vào tối thứ Bảy, trong một chương trình hài trên kênh truyền hình NBC có nhân vật một bà già nghễnh ngãng tên là Emily Litella. Khi được nhắc là đã nghe nhầm, bà già lại nói “Đừng bận tâm” – BVN]

Tôi nhờ Julia giải thích kết luận gây sửng sốt đó. Cô nói: “Ông ấy không phủ nhận mục đích của cuộc Cách mạng. Tôi nghĩ ông ấy cho rằng trong “mô hình của Cuba” chính phủ đóng vai trò quá lớn đối với nền kinh tế của đất nước”.

Julia chỉ ra rằng mục đích của câu nói này là để mở đường cho em trai của ông – đương kim Chủ tịch Raul, tiến hành những cải cách cần thiết nhưng bị những người cộng sản chính thống trong Đảng và bọn quan liêu chống lại. Raul Castro đang nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. Gần đây ông tuyên bố rằng những công ty nhỏ có thể được phép hoạt động và những nhà đầu tư ngoại quốc có thể mua đất ở Cuba. (Sự giễu cợt trong tuyên bố này tất nhiên là nhắm vào việc Mỹ không thể đầu tư vào Cuba, không phải vì chính sách của Cuba, mà do chính sách của Mỹ. Nói cách khác, Cuba đã bắt đầu tuân theo những chính sách kinh tế mà Mỹ đã đòi hỏi từ lâu, nhưng Mỹ không được phép tham gia vào thị trường tự do này vì chính sách cấm vận tự hại mình một cách xuẩn ngốc của Mỹ). Tất nhiên chúng ta sẽ hối tiếc vì điều này khi những đối tác của Cuba là châu Âu và Brazil sẽ mua hết những khách sạn tốt nhất.

Nhưng tôi lại chuyển sang chủ đề khác. Đến cuối bữa trưa dài và thân mật này, Fidel cho chúng tôi thấy rằng ông thật sự đã về một nửa. Ngày hôm sau là thứ Hai, là ngày đa số các nhà lãnh đạo bận rộn điều hành nền kinh tế, bắt giam những người bất đồng chính kiến và những việc tương tự. Tuy nhiên Fidel lại rảnh rỗi. Ông hỏi chúng tôi: “Các vị có muốn đến hồ cá với tôi để xem biểu diễn cá heo không?”.

Tôi không chắc là tôi nghe chính xác những gì ông nói. (Điều này xảy ra một vài lần trong chuyến thăm) .”Xem biểu diễn cá heo nhé?”.

“Cá heo là động vật rất thông minh”, Castro nhận xét

Chúng tôi cho ông biết rằng chúng tôi có một cuộc gặp đã được lên lịch trước với Adela Dworin – chủ tịch của cộng đồng người Do Thái ở Cuba vào sáng mai.

“Nói cô ấy đi cùng”, Fidel đáp lại

Một người ngồi cùng bàn cho biết hồ cá đóng cửa vào thứ  Hai. Fidel đáp lại: “Hồ cá sẽ mở cửa vào ngày mai”.

Và đúng là hồ cá mở cửa thật.

Cuối buổi sáng hôm sau, sau khi đón Adela ở Giáo đường Do Thái, chúng tôi gặp Fidel trên bậc thềm của khu trình diễn cá voi. Ông hôn Dworin một cách có chủ định trước ống kính máy quay (có lẽ là một thông điệp gửi Ahmadinejad). Chúng tôi đi vào một căn phòng lớn được chiếu sáng bằng ánh đèn màu xanh dương, có một bể cá heo khổng lồ và khép kín bằng kính. Fidel giải thích khá dài dòng rằng trình diễn cá heo ở Havana là cuộc trình diễn tốt nhất trên thế giới, thực sự “rất độc đáo”, vì đây là một buổi trình diễn dưới nước. Ba thợ lặn lặn xuống nước mà không có dụng cụ hỗ trợ thở, và trình diễn những động tác nhào lộn hết sức phức tạp với những con cá heo. “Anh có thích cá heo không?”, Fidel hỏi tôi.
‘Tôi rất thích cá heo,’ tôi đáp lại

Fidel gọi Guillermo Garcia, giám đốc của hồ cá (tất nhiên mọi nhân viên của hồ cá đều đến làm việc – một cách “tự nguyện”, tôi được cho biết như thế) đến ngồi cùng chúng tôi

“Goldberg, hỏi anh ta về cá heo đi”, Fidel nói..

“Hỏi cái gì ạ?”, tôi đáp lại

“Anh là nhà báo mà, hỏi những câu thú vị vào”, Fidel nói, và sau đó ngắt lời chính mình. “Anh ta không biết nhiều về cá heo đâu. Thực ra anh ta là nhà vật lý nguyên tử”, Fidel cho biết, chỉ về phía Garcia.
“Thật vậy à?”, tôi hỏi lại.

“Vâng, đúng vậy”, Garcio đáp, hơi có vẻ hối tiếc.

“Tại sao anh lại quản lý hồ cá?”, tôi hỏi.

“Chúng tôi bố trí anh ấy làm ở đây để ngăn không cho anh ta làm bom nguyên tử!”, Fidel trả lời, rồi phá lên cười.

“Ở Cuba, chúng tôi chỉ sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình”, Garcia thật thà cho biết.

“Tôi không nghĩ là tôi đang ở Iran”, tôi đáp lại.

Fidel chỉ vào tấm thảm lót dưới chiếc ghế quay đặc biệt mà cận vệ mang theo cho ông “Thảm Ba Tư đấy!”, ông ta nói, và lại cười. Rồi ông nói: “Goldberg này, hỏi những câu về cá heo đi”.

Ngay lập tức, tôi hướng về phía Garcia và hỏi: “Những con cá heo ở đây nặng bao nhiêu?”

Chúng cân nặng khoảng từ 100 đến 150 kg, anh ta cho biết.

“Anh dạy cá heo biết diễn trò bằng cách nào?”, tôi hỏi.

“Đây là một câu hỏi thú vị”, Fidel nói.

Garcia gọi một trong những bác sĩ thú y của hồ cá lại để giúp trả lời câu hỏi này. Tên cô ta là Celia. Vài phút sau đó, Antonio Castro cho tôi biết họ cô ấy là Guevara

“Cô là con gái của Che à?”, tôi hỏi.

“Vâng”, cô đáp lại.

“Cô có phải là bác sĩ chữa bệnh cho cá voi không?”

“Tôi chăm sóc tất cả những động vật ở trong hồ cá”, cô trả lời.

“Che rất thích động vật”, Antonio Castro cho biết.

Cuộc trình diễn bắt đầu. Ánh đèn mờ đi, và những người thợ lặn xuống hồ. Không tả tỉ mỉ cuộc trình diễn, nhưng tôi phải khẳng định lại, với tất cả sự ngạc nhiên, rằng tôi đồng ý với Fidel: Cuộc trình diễn cá heo ở hồ cá Havana là cuộc trình diễn ngoạn mục nhất trong những lần tôi từng đi xem với ba đứa con của tôi. Tôi cũng phải khẳng định một điều: Tôi chưa từng thấy ai tỏ ra thích thú khi xem trình diễn cá heo bằng Fidel Castro.

Trong những bài báo tiếp theo, tôi sẽ đề cập đến những vấn đề như lệnh cấm vận mà Mỹ ban hành, tình hình tôn giáo ở Cuba, số phận của những nhà bất đồng chính kiến, và cuộc cải cách kinh tế. Bây giờ, tôi sẽ kết thúc bài viết với một bức ảnh ở hồ cá (tôi ngồi trên chiếc ghế thấp; con gái của Che ở phía sau tôi, với mái tóc ngắn màu vàng nhạt; Fidel là người mặc bộ quần áo rất giống với mẫu quần áo ở L.L. Bean):

DTKT dịch

Nguồn: http://www.theatlantic.com/international/archive/2010/09/fidel-cuban-model-doesnt-even-work-for-us-anymore/62602

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN

This entry was posted in Dân chủ, kinh tế. Bookmark the permalink.