Nghi vấn Trung Quốc thắng thầu nhờ “đi đêm”

Lễ ký kết Hợp đồng sau khi Công ty China Huadian Engineering (CHEC) Trung Quốc trúng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, hôm 30-06-2010. Photo courtesy of dautu.vn

Lễ ký kết Hợp đồng sau khi Công ty China Huadian Engineering (CHEC) Trung Quốc trúng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương thuộc Trung tâm Điện lực Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, hôm 30-06-2010. Photo courtesy of dautu.vn

Bộ Kế hoạch Đầu tư đang chuẩn bị báo cáo Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hệ lụy chọn nhà thầu giá rẻ mà báo chí phản ảnh.

Theo đó Trung Quốc trúng thầu 90% các công trình thượng nguồn ở Việt Nam.

Lợi bất cập hại

Báo chí đưa lên mạng khá nhiều bài viết mổ xẻ về tình trạng nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu giá thấp, thắng thầu ở khắp các công trường dự án. Hệ quả của tình trạng này là lợi bất cập hại vì phẩm chất công trình thường thấp, thời gian thi công kéo dài, đó là chưa nói đến sự kiện nhà thầu, đội ngũ chuyên viên công nhân xây dựng Việt Nam trở thành những người đứng bên lề các đại công trường của đất nước mình.

Ông Vũ Khoa, Chủ Tịch Hiệp Hội Nhà Thầu Xây Dựng VN phát biểu trên Thanh Niên Online, Hiệp Hội đã cảnh báo từ những năm 1994, 1995 về nguy cơ lớn của đấu thầu giá thấp là phá sản dự án, vỡ tiến độ. Tuy nhiên những khuyến cáo về vấn đề này không được chú ý.

Nhiều ý kiến đặt vấn đề về cơ chế chính sách và luật lệ, nhưng trên thực tế yếu tố con người là quan trọng hơn cả.

TS Nguyễn Quang A chuyên gia nghiên cứu độc lập từ Hà Nội nhận định về vấn đề này:

“Tham nhũng ở trong những dự án đầu tư lớn thì rất thường xảy ra  nếu chủ đầu tư và nhà thầu lại ‘đi đêm’ với nhau trước rồi thì lúc đó là vô phương và phải có những giải pháp khác để giải quyết, chứ còn chỉ bằng các thủ tục đấu thầu thì không nổi. Khi các chủ đầu tư mà ham giá rẻ thì nhiều khi dẫn đến chất lượng kém. Một nhà máy lớn được sinh ra, vòng đời của nó 30-40 năm và lúc đó nó kéo theo hệ quả mà vài thế hệ mới có thể  sửa được thì đấy là một điều rất là nguy hiểm.”

Người TQ đảm trách mọi việc?

Đại diện Xí nghiệp TTTB Quang Minh và đại diện Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010. Photo courtesy of congthuong.com.vn

Đại diện Xí nghiệp TTTB Quang Minh và đại diện Tập đoàn CMC Trung Quốc ký hợp đồng tổng thầu E.P.C dự án xi măng Trường Sơn, Hải Phòng, hôm 15/05/2010. Photo courtesy of congthuong.com.vn

Tại Việt Nam việc các nhà thầu Trung Quốc thắng tới 90% các hợp đồng tổng thầu EPC, thiết kế-mua sắm-xây dựng còn gọi là hợp đồng chìa khoá trao tay mang tới nhiều hệ quả. Chẳng hạn như người Trung Quốc đảm trách tất cả mọi việc, ngay cả công nhân vệ sinh các công ty Trung Quốc cũng mang theo từ nước họ. Với giá thắng thầu rẻ, nhà thầu Trung Quốc mua sắm trang thiết bị máy móc vật liệu sản xuất ở nước họ, chất lượng các công trình khi hoàn thành là một vấn đề được dư luận quan tâm. Đáng quan ngại là các gói tổng thầu EPC đảm trách thực hiện các công trình thượng nguồn như khai khoáng, luyện kim, nhà máy điện.

Hợp đồng tổng thầu EPC chìa khóa trao tay được nhiều nước trên thế giới áp dụng, lợi thế là nhanh gọn, dễ theo dõi giám sát và rạch ròi mức tổng đầu tư ngay khi dự án được khởi động.

Theo TS Nguyễn Quang A, chuyên gia nghiên cứu độc lập ở Hà Nội, cách làm EPC là theo thông lệ quốc tế, nhưng ở Việt Nam việc soạn thảo và áp dụng điều kiện dự thầu như thế nào lại là chuyện khác. Ông nói: “Đầu tiên phải thỏa mãn tất cả thủ tục về mặt hình thức, sau đó phải thỏa mãn tất cả yêu cầu về mặt kỹ thuật về mặt chất lượng. Nhưng yêu cầu về mặt kỹ thuật, chất lượng như thế nào, nếu chủ đầu tư không nêu được một cách rõ ràng chặt chẽ thì những ‘ông’ đáng lẽ bị loại cũng có thể lọt vào. Sau đó đến bước cuối cùng tất cả những người còn lại mới tính đến ai trả giá thấp, chuyện đó là do tài năng am hiểu của chủ đầu tư mà có thể lọt vào những nhà thầu không đạt chất lượng.”

Kiến trúc sư Trần Thanh Vân ở Hà Nội, một người có nhiều hiểu biết về đời sống xã hội Hoa Lục đặc biệt quan ngại về tình trạng công ty Trung Quốc thống lĩnh các công trường dự án ở Việt Nam:

Đưa giá thấp để thắng thầu đâu có nghĩa là làm được tốt, mà người ta cần kiểm tra xem qui trình công nghệ, các giải pháp kỹ thuật để làm sao tiết kiệm được vật tư, tiết kiệm lao động để ra được hiệu quả mới là việc quan trọng.”

Nhận định của kiến trúc sư Trần Thanh Vân vừa nêu, có lẽ bất cứ người chủ đầu tư nào cũng biết, các chủ đầu tư dự án quan trọng ở Việt Nam là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không thể không biết. Vấn đề là chuyện Trung Quốc thắng thầu: góc khuất không nằm ở giá rẻ.

N. N.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Chinese-bidders-won-EPC-contracts-please-blame-ourselves-NNguyen%20-09062010155032.html

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.