Obama đã quyết định đúng khi tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc

Khi Barrack Obama được bầu làm tổng thống, Bắc Kinh đã nghĩ rằng ông sẽ tỏ ra cứng rắn trong vấn đề nhân quyền và thương mại mậu dịch, chứ không phải là an ninh quốc gia. Một năm rưỡi sau, những chính sách của Obama đã cho thấy sự khác biệt một trời một vực so với dự đoán này.

Thay vào việc gây áp lực cho Trung Quốc về bằng chứng của việc vi phạm nhân quyền, ông Obama đã bỏ lại vấn đề này phía sau. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hillary Clinton cũng xác nhận quan điểm này trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 2/2009. Để tránh làm mất lòng các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 11 năm ngoái, ông Obama thậm chí trì hoãn một cuộc gặp riêng tư với Đạt Lai Lạt Ma. Tổng kết lại, chính quyền Obama đã đề cập rất ít đến vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc

Chính sách về thương mại cũng thế thôi. Bất chấp sự phản đối ngày càng tăng của Quốc hội về việc gắn đồng nhân dân tệ với đồng đôla, ông Obama từ chối gọi Trung Quốc là “kẻ thao túng thị trường tiền tệ”. Sự thật là, ngoài việc ban hành một vài hình phạt về chống bán phá giá, chính sách thương mại của ông không khác gì so với Tổng thống George W. Bush.

Tuy nhiên, trong vấn đề an ninh quốc gia, chính quyền Obama đã tỏ cứng rắn một cách ngạc nhiên, đặc biệt là trong những tháng gần đây. Bất chấp phản đối từ Bắc Kinh, Washington điều động một đại đội hải quân diễn tập quân sự với hải quân Hàn Quốc ở Biển Nhật Bản như là một sự răn đe đối với Bình Nhưỡng. Để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á, Mỹ đã tái viện trợ cho quân đội Indonesia, và gần đây nhất gửi một tàu sân bay trong một cuộc diễn tập quân sự đường biển chưa từng có với Việt Nam.

Washington cũng tuyên bố một kế hoạch gây nhiều tranh cãi khi dự định bán công nghệ hạt nhân phục vụ mục đích dân sự cho Hà Nội. Trong một báo cáo thường niên gần đây về sức mạnh của quân đội Trung Quốc, Lầu Năm Góc đã chỉ trích nặng nề chương trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc và hậu quả của chương trình này đối với sự cân bằng quyền lực ở châu Á.

Nhưng có vẻ như người thả quả bom lớn nhất là bà Clinton hồi tháng 7 ở Hà Nội. Chia sẻ với diễn đàn khu vực Asean, bà tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc dụ dỗ các nước láng giềng. Lần đầu tiên, Washington coi Biển Đông là khu vực mà Mỹ có quyền lợi quốc gia về “sự tự do đi lại bằng đường biển, khả năng tiếp cận với thị trường chung ở biển và sự tuân thủ luật quốc tế của châu Á”. Có vẻ như đây là một phát biểu trung lập, nhưng Bắc Kinh (gần đây tuyên bố rằng Biển Đông là “lợi ích cối lõi” của mình) chắc chắn cảm thấy bàng hoàng và giận dữ.

Tại sao chính sách của ông Obama với Trung Quốc lại thay đổi nhiều đến như vậy? Những sai lầm của Bắc Kinh là một phần nguyên nhân. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối những nỗ lực ban đầu về một mối quan hệ khăng khít hơn với Mỹ. Chuyến thăm của ông Obama đến Trung Quốc vào tháng 11 năm trước được coi là một sự thất bại nặng nề vì Bắc Kinh đã không cho ông tiếp cận với người dân Trung Quốc. Phản ứng thái quá của Bắc Kinh về vụ mua bán vũ khí đã được lên kế hoạch từ lâu của Mỹ với Đài Loan, và cuộc gặp (diễn ra muộn hơn dự kiến) của ông Obama với Đạt Lai Lạt Ma đầu năm nay cũng không giúp gì cho mối quan hệ giữa hai nước. Trung Quốc cũng ngăn chặn nỗ lực ban hành lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và lên án vụ đánh đắm tàu chiến Nam Hàn của Bắc Hàn.

Quan trọng hơn, ông Obama đã phải sử dụng lại những nguyên tắc cũ của Mỹ để đối chọi với những thế lực hùng hậu đang trỗi dậy. Bởi vì khi mà Mỹ tự tin có thể khống chế được sức mạnh kinh tế ngày một lớn của Trung Quốc, và hy vọng sự phát triển kinh tế sẽ tự do hóa hệ thống chính trị Trung Quốc, thì siêu cường quốc duy nhất trên thế giới này không thể để đối thủ mới của mình trở thành thế lực bá quyền ở châu Á.

Trên rất nhiều bình diện, chính sách của ông Obama đối với Trung Quốc thực tế là hợp lý. Bằng việc từ bỏ những lời lẽ ngọt ngào kiểu “đối tác chiến lược”, chiến lược mới cân bằng nhưng cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc phản ánh chính xác hơn mối quan hệ phức tạp giữa hợp tác kinh tế và cạnh tranh địa chính trị của Mỹ với Bắc Kinh. Đây cũng là một chính sách để trấn an các nước láng giềng lo sợ về Trung Quốc rằng Mỹ cam kết giữ vững sự cân bằng chiến lược ở châu Á.

Trong những năm tới, khi mà Washington tiếp tục theo đuổi chính sách này, chúng ta chờ đợi sẽ có những sự bất đồng quan điểm thường xuyên hơn về vấn đề an ninh, thậm chí khi mà hai nước vẫn giữ vững mối quan hệ về hợp tác kinh tế. Quan trọng là, việc cải tố chiến lược đối chọi với Trung Quốc là một sự tiếp nối của “chiến lược phòng hộ” (strategic hedging)  của ông Bush – một chiến lược chắc chắn sẽ vẫn còn tồn tại khi Trung Quốc duy trì chế độ độc đảng, và tiếp tục có những chính sách đối ngoại thực dụng nhằm thách thức trật tự của thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo.

Tác giả là giáo sư tại tại đại học Claremont Mckenna và là một cộng tác viên lâu năm ở Quỹ Carnergie vì Hòa bình thế giới

DTKT dịch từ: http://www.ft.com/cms/s/0/7aa3ba86-b460-11df-8208-00144feabdc0.html

Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in Hoa Kỳ, Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa and tagged . Bookmark the permalink.