Đừng thấy đỏ mà ngỡ là chín!

Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh quả là người dày dặn kinh nghiệm khi tiếp xúc với anh láng giềng bất trị phương Bắc, nắm rất vững tim đen của anh ta trong những lời hù dọa trắng trợn cũng như những cái vỗ vai ngọt ngào đối với đàn em. Có điều, vị tướng từng trải trong hàng ngũ các bậc lão thành cách mạng của chúng ta cũng là người hiểu rõ hơn ai hết rằng, giữa tình thế hết sức nhạy cảm trên trường quốc tế hôm nay, rất cần những con người thật sự tâm huyết với dân với nước cũng như cần một bản lĩnh cao cường và sáng suốt như thế nào để đối thoại với đám ngoại giao kẻ cả kia nhằm giữ vững phẩm chất Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, cũng phù hợp với đường đi nước bước khôn ngoan mà cứng cỏi của một dân tộc không bao giờ cam tâm làm nô lệ. Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên tướng Vĩnh là một trong 38 người mới vừa đây thôi đã ký tên vào Kiến nghị không tán thành đề bạt ông Nguyễn Chí Vịnh. Cứ ngẫm nghĩ những điều ông Nguyễn Chí Vịnh phát ngôn về cái gọi là “ba không” gần đây thì càng hiểu vì sao giờ phút này vị tướng già lại phải xuất đầu lộ diện, nói cách khác, điều mà vị lão tướng muốn nhắn gửi không phải chỉ là nói về kẻ thù và nói cho kẻ thù.

Bauxite Việt Nam

SGTT.VN – Sự nghiệp hiện đại hóa Trung Quốc (TQ) từ nay có còn là “dò đá qua sông” hay phải tập trung tìm lời giải cho các nan đề đang đặt ra? Nhu cầu điều hành quốc gia bằng pháp trị như một số người, kể cả ở cấp cao, đang cổ vũ có thể là lối ra cho những mâu thuẫn hiện nay sau 30 năm TQ cải cách và mở cửa. Tuy nhiên…

Một tòa nhà cao tầng mới đang được hoàn thiện ở thành phố Quảng Châu, của tỉnh Quảng Đông, phía Nam vùng duyên hải Trung Quốc. Sau những thập kỷ cải cách, các tỉnh duyên hải vẫn là khu vực giàu lên nhanh nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một tòa nhà cao tầng mới đang được hoàn thiện ở thành phố Quảng Châu, của tỉnh Quảng Đông, phía Nam vùng duyên hải Trung Quốc. Sau những thập kỷ cải cách, các tỉnh duyên hải vẫn là khu vực giàu lên nhanh nhất ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, lãnh đạo TQ đang đối mặt với bài toán muôn thuở là tập trung quyền lực về trung ương để gìn giữ ổn định, hay phân quyền cho các địa phương để phát triển nhưng là quá trình phát triển không đồng đều trên một lãnh thổ có ba vùng chênh lệch: trung nguyên, biên trấn và nội địa. Đấy là chưa nói đến sự móc nối giữa một số tập đoàn ngoại quốc với các công ty ở trong nước.

Những nan đề của Trung Quốc

Hơn mười năm trước, Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ phát động “Tây tiến”, kêu gọi đầu tư vào các tỉnh lạc hậu bị “khóa” trong lục địa. Nhưng thiên nhiên hiểm trở và thị trường lý tài đã làm cho phong trào không đi tới kết quả. Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo sau này đề cao khẩu hiệu “tiểu khang” để nhắc nhở đến quyền lợi của khối nhân quần bên dưới. TQ quảng bá “xã hội hài hòa” như là một chế độ pháp trị dựa trên công lý và bình đẳng xã hội.

Nhưng địa lý vẫn là nhân tố bất trị. Sau những thập kỷ cải cách, tại khu vực trung nguyên, các tỉnh duyên hải làm giàu nhanh nhất. Ở khu vực nội địa (nằm phía Tây) và khu vực biên trấn (vùng trái độn có ý nghĩa phòng thủ), nông dân vẫn thấy mình bị thiệt thòi, đất đai canh tác bị cưỡng đoạt cho công cuộc đô thị hóa. Hố sâu giàu nghèo bị đào sâu giữa các thành phần dân cư và giữa các tỉnh thành.

Bài toán hợp tan TQ là làm sao thống nhất được trung nguyên, kiểm soát được canh nông, khống chế được nội địa và bảo vệ được vùng biên trấn. Ngay tại trung nguyên, một vấn đề khác cũng từng đặt ra là làm sao quản trị trên vùng đất trù phú và đông dân nhất trong khi mâu thuẫn Bắc – Nam đã nhiều lần xảy ra. Ngày nay, ở miền Nam vẫn nói tiếng Quảng Đông, miền Bắc nói tiếng Quan Hỏa, và giữa hai vùng là nhiều ngôn ngữ địa phương khác.

Thách đố đặt ra cho lãnh đạo TQ nằm trong hệ thống chính trị quá tập trung. Hệ thống này không có khả năng giải quyết bài toán về hợp tan và phân quyền, vốn dĩ nằm trong cơ cấu địa dư hình thể và cả văn hóa của xứ này. TQ đạt kết quả tăng trưởng cao nhưng lại tốn nhiều tài nguyên vì quyền đầu tư chủ yếu nằm trong tay nhà nước. Đấy là một cách phân bố tài nguyên lãng phí, hiệu năng thấp, chỉ có lợi cho thành phần có đặc quyền. Ngoài ra TQ cũng ngập nợ mà bên ngoài không biết. Các công ty đầu tư địa phương được chính quyền lập ra để đi vay tiền và tính đến đầu năm nay mắc nợ ít ra là 1.700 tỷ USD, trên 30% GDP. Hệ thống ngân hàng vẫn nằm trong tay Nhà nước và đang chìm dưới một núi nợ xấu, có thể lên tới 40% GDP. Nếu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế thì nhiều ngân hàng đã phá sản về pháp lý mà vẫn được nhà nước duy trì. Người dân ký thác vào ngân hàng tiền tiết kiệm, tổng cộng khoảng 3.600 tỷ USD.

Thê đội lãnh đạo hiện nay không còn nhiều thời gian để “dò đá qua sông” mà phải giải quyết các thách thức về chất lượng tăng trưởng trước khi muốn chuyển sang một “pha” mới của cải cách. Thủ tướng TQ tung ra những ý kiến cổ vũ cải tổ chính trị vừa qua có thể là để tìm cách làm an lòng dư luận.

Lão tướng – Đại sứ lâu niên Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta suốt 13 năm tại TQ, nhận định về những động thái gần đây trên chính trường TQ. Ảnh: Mai Kỳ

Lão tướng – Đại sứ lâu niên Nguyễn Trọng Vĩnh, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta suốt 13 năm tại TQ, nhận định về những động thái gần đây trên chính trường TQ. Ảnh: Mai Kỳ

Với bên ngoài, đại chiến lược không thay đổi

Trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới về GDP, TQ chuyển dịch từ một cường quốc tiếp nhận thành một đế chế điều hành. Sau một thập kỷ gia nhập WTO, TQ hiện được yêu cầu tham gia trong G20, chứ không chỉ thụ động như trước đây. TQ cùng một lúc đang hoạt động trên cả hai cấp độ: vừa là cường quốc tiếp nhận theo lối truyền thống trên phạm vi quốc tế, vừa trở thành một đế chế điều hành ngày càng năng nổ ở khu vực.

Sẽ không thực tế nếu chờ đợi một TQ như thế mà lại không đóng một vai trò rộng lớn và nổi trội hơn trên thế giới. Vừa có nhu cầu tiếp tục trỗi dậy, vừa muốn quảng bá cái uy của một đại cường đang lên, TQ bắt đầu mở rộng các đòi hỏi về chủ quyền. Ngoài Tây Tạng và Đài Loan là “lợi ích quốc gia cốt lõi”, nước ngoài không được can thiệp, TQ giờ đây bắt đầu áp dụng chính sách này đối với cả Biển Đông.

Nói với cộng tác viên của Sài Gòn tiếp thị về những động thái gần đây trên chính trường TQ, bao gồm cả những lời kêu gọi cải cách chính trị, vị tướng già, cây đại thụ trong làng ngoại giao Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta suốt 13 năm tại TQ Nguyễn Trọng Vĩnh khẳng định: “Cho dù một nước TQ như hiện nay hay một nước TQ cải tổ nhiều hơn nữa như lãnh đạo và các giới tinh hoa của Bắc Kinh vừa kêu gọi thì mục tiêu đại chiến lược của TQ không hề thay đổi”. Tướng Lưu Á Châu chẳng đã từng tuyên bố chiến tranh Trung – Việt năm 1979 là để phục vụ cải cách và mở cửa đó sao?

Lão tướng – Đại sứ lâu niên Nguyễn Trọng Vĩnh trầm ngâm khi ông từ quá khứ liên hệ tới hiện tại và tương lai: “TQ luôn luôn muốn giữ Việt Nam trong phạm vi ảnh hưởng của mình. Các triều đại phong kiến Việt Nam xưa và nền cộng hòa dân chủ 65 năm qua của chúng ta luôn luôn thi hành chính sách hòa hiếu nhưng độc lập và tự chủ với TQ. Phải luôn nhớ rằng, mọi đe nẹt của TQ đối với bên ngoài nhiều khi chỉ là mặt trái của sự lo lắng bên trong!”.

Đ. H. T.

Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/Quoc-te/128563/Dung-thay-do-ma-ngo-la-chin.html

This entry was posted in Trung Quốc. Bookmark the permalink.