Tàu ngầm cắm cờ dưới đáy đại dương

Tàu nghiên cứu khoa học Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền trong thời gian lặn thử nghiệm ở biển Đông

27-08-2010

Hôm qua người thiết kế con tàu cho biết tàu ngầm Trung Quốc cắm một lá cờ quốc gia sâu dưới đáy biển Đông trong thời gian lặn thử nghiệm hồi tháng trước để củng cố tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc.

Bộ Khoa học Công nghệ và Cơ quan Quản lý đại dương Nhà nước Trung Quốc cùng tuyên bố hôm qua rằng, một tàu ngầm nghiên cứu khoa học Trung Quốc với thủy thủ đoàn gồm ba thành viên dân sự đã khám phá địa hình không rõ ở vị trí nào, ở độ sâu hơn 3.700 mét tại trung tâm biển Đông. Trước khi nổi lên trên mặt nước, họ đã cắm một lá cờ Trung Quốc dưới đáy đại dương.

Thông báo chính thức không cho biết vị trí, nhưng Giáo sư Zhao Junhai, người thiết kế chính của chiếc tàu ngầm cho biết, nó nằm ở phía Đông Nam của đảo Hải Nam, giữa Trung Quốc và Philippines.

Ông Zhao, kỹ sư thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học tàu bè Trung Quốc, người thiết kế thân tàu ngầm, cho biết: “Chúng tôi được truyền cảm hứng từ người Nga, đã cắm một lá cờ ở Bắc Cực bằng tàu ngầm MIR [sâu dưới đáy đại dương]. Nó có thể khiêu khích một số nước, nhưng chúng tôi sẽ không gặp trở ngại gì. Biển Nam Trung Hoa thuộc về Trung Quốc. Hãy xem người nào dám thách thức điều đó“.

Trung Quốc cho thấy ngày càng kiên quyết sử dụng ưu thế vượt trội trên vùng biển giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng, vùng biển mà một số nước láng giềng tuyên bố chủ quyền.

Tên của tàu ngầm phản ánh xu hướng chung. Khi dự án được đưa ra hồi năm 2002, tàu ngầm này được gọi là Ocean Base One (Căn cứ Đại dương 1). Sau đó tên đã được đổi thành Harmony (Hài hoà) để nói lên khẩu hiệu “xã hội hài hòa” của lãnh đạo. Bây giờ nó được gọi là Sea Dragon (Rồng Biển).

Ông Zhao cho biết, tàu ngầm đã hoạt động tốt đúng như tên gọi mới của nó. Với độ sâu hoạt động tối đa 7.000 mét, nó đã qua mặt tàu MIRs của Nga và độ sâu thử nghiệm của Hoa Kỳ, Pháp và Nhật Bản.

Vấn đề là chẳng có nơi nào gần bờ biển Trung Quốc có thể có một nơi đủ sâu để thử nghiệm.

Ông Zhao nói: “Càng gần Philippines thì biển càng sâu hơn. Chúng tôi sẽ đặt các lá cờ quốc gia trên đường đi cho đến khi chúng tôi đụng tới biên giới của họ. Và sau đó chúng tôi sẽ đi xa hơn và nhắm tới Mariana Trench“.

Mariana Trench, chỗ sâu nhất trên trái đất với độ sâu tối đa là 11.034 mét, nằm ở phía Đông Bắc Philippines.

Ông Zhao cho biết công việc chính của tàu ngầm là tiến hành khảo sát khoáng sản.

Ông nói: “Chúng tôi đã thấy rất nhiều sinh vật biển kỳ lạ ở dưới đáy biển Nam Trung Hoa, chẳng hạn như tôm, cua, cá, tất cả dường như bị mù nhưng khi chạm vào thì chúng đi nhanh không ngờ, và đó không phải điều mà chúng tôi cương quyết đi tìm. Chúng tôi đi tìm khoáng sản“.

Trang bị hai cánh tay robot nhạy cảm, do Shenyang Institue of Automation, thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc chế tạo, bắt chước chức năng của cánh tay con người, Sea Dragon thường lặn dưới đáy biển với một cái giỏ trong một tay và một cái xẻng ở tay kia. Các thủy thủ đoàn được đào tạo để phát hiện dấu hiệu của các mạch tiếp xúc với khoáng sản trên các chỏm núi dưới biển và lấy mẫu.

Sea Dragon cũng đến thăm các lỗ thông thủy nhiệt của các núi lửa đang hoạt động do khoáng sản quý hiếm thường tập trung ở đó.

Ông Zhao nói: “Chúng tôi như những người đi tìm vàng, mạo hiểm đi vào khu vực chưa bao giờ có người khám phá trước đây. Chúng tôi bất thình lình tìm thấy mỗi ngày“.

Tuy nhiên, mỗi giờ dưới nước tốn rất nhiều tiền. Tăng dần theo độ sâu, chi phí cho tàu ngầm hoạt động theo giờ bắt đầu từ 100.000 nhân dân tệ (114.000 đô la Hongkong). Bản thân tàu ngầm cũng tốn kém nhiều. Thực ra, chi phí quá đắt khiến chính phủ trung ương bị sốc và đã lên kế hoạch hoãn dự án. Nhưng với sự căng thẳng trên biển Đông ngày càng tăng, chính phủ đã quyết định chế tạo thêm một Dragon Sea khác.

Ông Zhao nói: “Một con rồng đơn độc có một khiếm khuyết không thể chữa được. Nếu có trục trặc gì đó và nó vẫn còn ở dưới đáy biển, thuỷ thủ đoàn sẽ chết. Một cặp rồng sẽ không thể bị đánh bại.”

Ông Hou Deyong, một nhà thiết kế khác của trung tâm nói rằng, Sea Dragon là một tàu ngầm dân sự được xây cho mục tiêu khoa học. “Chúng tôi không vũ trang, có nghĩa là không có mối đe dọa“, ông Hou nói.

Theo ông Zhao, Sea Dragon cần sự hỗ trợ của Hải quân Trung Quốc. Ông nói: “Hải quân đã hộ tống tất cả các chuyến công tác của chúng tôi trước đó và tôi nghĩ rằng họ sẽ tiếp tục làm như thế. Chúng tôi càng đi xa hơn, chúng ta càng cần có nhiều cần súng để tự vệ“.

Ngọc Thu dịch

Nguồn: http://www.viet-studies.info/kinhte/submarine_plants_flag.htm

This entry was posted in Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa. Bookmark the permalink.