Biển Đông căng thẳng do đâu?

Gần đây, việc Hoa Kỳ ngỏ ý quan tâm giải quyết tranh chấp Biển Đông đã làm dư luận chú ý. Có ý kiến cho rằng sự tham gia này có thể giúp khai thông quá trình, nhưng cũng lại có quan điểm cho rằng tình hình có thể còn phức tạp hơn.

Đô đốc Robert Willard nói Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tại Biển Đông

Đô đốc Robert Willard nói Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tại Biển Đông

BBC đã nói chuyện với Tiến sỹ Richard Cronin, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Chiến lược Stimson của Hoa Kỳ về chủ đề Biển Đông.

BBC: Thưa ông, câu hỏi đầu tiên là theo ông nguyên nhân nào gây căng thẳng Biển Đông hiện nay?

TS Richard Cronin: Tôi cho rằng động lực của tranh chấp tại Biển Đông không phải là kỳ vọng vào nguồn lợi thiên nhiên tại nơi đây, mà là các yếu tố khác như chủ quyền, tham vọng, lòng tự hào dân tộc, v.v. Bên cạnh đó, là yếu tố vô cùng quan trọng về an ninh nữa.

Chúng ta nhớ lại sự kiện xảy ra với tàu Impeccable của Hoa Kỳ, khi tàu này đang khảo sát vùng đáy biển tại Biển Đông. Theo như tôi được biết thì có lẽ việc này được cho là có liên quan tới hoạt động tàu ngầm trong tương lai và vụ Impeccable xảy ra là như vậy.

Rõ ràng là những gì đang xảy ra tại Biển Đông không liên quan gì nhiều tới nguồn tài nguyên, cho dù khu vực này có thể có trữ lượng khoáng sản hay dầu khí lớn. Vấn đề là ở chỗ, một nước Trung Quốc đang lớn dậy coi Biển Đông là ao nhà của mình.

Cũng còn những yếu tố về địa chính trị, về lịch sử và ý đồ của các quốc gia.

Thí dụ đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra như một di sản của lịch sử. Trung Quốc muốn giành đặc quyền khai thác khu vực bên trong ranh giới đó.

Thế nhưng điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không đạt được ý định này vì cách thức mà Trung Quốc đưa ra không phải là cách phù hợp để giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ.

BBC: Khả năng xảy ra xung đột tại Biển Đông có cao không, thưa ông?

TS Richard Cronin: Bắc Kinh đang muốn dùng sức mạnh để ép các công ty dầu khí quốc tế không hợp tác với các nước tham gia tranh chấp trong khu vực, và đã thành công trong một vài trường hợp. Nhưng Trung Quốc sẽ không thành công mãi được trong việc hù dọa các tập đoàn.

Với việc giá dầu ngày càng tăng và nhu cầu ngày càng lớn, sẽ không có gì ngăn cản được các công ty lao vào khai thác những gì khai thác được. Hiện tình hình thăm dò khai thác tại Biển Đông đang bị ngưng trệ vì tranh chấp lãnh thổ nhưng tôi nghĩ cuối cùng thì tiền vẫn sẽ có tiếng nói cuối cùng.

Kịch bản như thế nào thì còn là điều phải suy nghĩ: có thể sẽ có đối đầu, nhưng cũng có thể sẽ có nhượng bộ. Bản thân tôi thì không cho rằng sẽ xảy ra đụng độ vũ lực lớn tại Biển Đông vì lý do năng lượng.

Việc sử dụng quân sự nếu có sẽ liên quan nhiều hơn tới an ninh, xung đột lợi ích giữa các quốc gia.

BBC: Nay người ta thấy hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông ngày càng lớn. Xin ông cho biết đánh giá của mình về sự tham gia của Mỹ trong giải quyết xung đột tại đây?

TS Richard Cronin: Động lực lớn nhất cho sự tham gia của Hoa Kỳ là tiếp cận quân sự và hàng hải trong khu vực.

Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông dựa trên các lý lẽ về lịch sử và cả các nguyên tắc của luật quốc tế về chủ quyền biển, ngăn cản tiếp cận của hải quân các nước và Hoa Kỳ, ngược lại, làm mọi cách để bảo vệ quyền tự do đi lại của mình.

Thế nhưng theo tôi, căng thẳng Mỹ-Trung bắt nguồn từ những vấn đề rộng lớn hơn là Biển Đông.

Đó là các vấn đề địa chính trị, ai sẽ giành phần quyết định trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư…

Quan hệ Trung-Mỹ cũng còn có những ràng buộc khác nữa về kinh tế, đối ngoại và nhiều mặt khác nên tôi cho là Biển Đông không phải là yếu tố chính gây quan hệ xấu giữa hai bên.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/08/100824_us_scs.shtml

This entry was posted in Hoa Kỳ, Hoàng Sa, Trường Sa. Bookmark the permalink.