Bộ Xây dựng thuê PPJ hay PPJ thuê Bộ Xây dựng?

Hôm qua, lại một lần nữa lãnh đạo Bộ Xây dựng gặp mặt báo giới để lên tiếng phê phán UBND TP Hà Nội về chuyện cơ quan này có văn bản góp ý cho đồ án quy hoạch Hà Nội.

Còn nhớ trung tuần tháng 10-2009, Thủ tướng ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định đồ án này với Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.

Chính vì thế mới thắc mắc, tại sao Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng lại có thể có quan điểm đối chọi, mâu thuẫn nhau về một vấn đề? Cần nhìn nhận thế nào về hai thái độ này?

Ngay sau khi văn bản góp ý của UBND TP Hà Nội được công khai, khá nhiều ý kiến tỏ ý đồng thuận, bởi đó là quan điểm chung của nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội. Có ý kiến đề nghị TP Hà Nội cần tiếp tục thể hiện trách nhiệm như vậy trước nhân dân.

Còn về phía Bộ Xây dựng, trước câu hỏi của báo Pháp Luật TP HCM rằng:  “Tại sao nhà thầu PPJ, đơn vị đã ký hợp đồng và nhận tiền để thiết kế đồ án, không xuất hiện để thuyết minh, giải trình, bảo vệ phương án thiết kế của mình trước TP Hà Nội, dư luận và các chuyên gia, mà luôn luôn là lãnh đạo Bộ Xây dựng?”, câu trả lời lại càng gây bức xúc.

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nói rằng đại diện PPJ “Tây” nên điều kiện phiên dịch phức tạp, khó khăn, nhất là lúc “nước sôi, lửa bỏng”; Bộ Xây dựng có chức năng tổng hợp ý kiến nên truyền đạt thay… Thực sự phát ngôn này là khó chấp nhận, bởi một liên danh nhà thầu quốc tế được chỉ định quy hoạch thủ đô cho một quốc gia mà không đủ cán bộ làm phiên dịch thì sao gọi là “đủ năng lực”?!

Bởi vì vào tháng 12-2008, chính Bộ Xây dựng là người ký hợp đồng tư vấn với Liên danh nhà thầu tư vấn PPJ (gồm: Perkins Eastman của Mỹ, Posco E&C và Jina của Hàn Quốc) với tổng trị giá hợp đồng gần 7 triệu USD. Do đó, Bộ Xây dựng cũng như UBND TP Hà Nội – là những cơ quan được Chính phủ trao nhiệm vụ – phải khắt khe, nghiêm cẩn với PPJ để đồ án đảm bảo cao nhất lợi ích đất nước.

Nhưng lại thấy quý Bộ ra mặt biện hộ, bảo vệ giùm PPJ, thậm chí khi đồ án chưa được duyệt mà Bộ đã đồng ý cho làm sẵn mô hình (trị giá 60 tỷ) để trưng bày, ngược với Điều 53 Luật Quy hoạch đô thị.

Nhiều người thắc mắc: Bộ Xây dựng thuê PPJ hay PPJ thuê Bộ Xây dựng?

P. L.

Nguồn: http://butlong.multiply.com/journal/item/668/668

This entry was posted in xây dựng. Bookmark the permalink.