Bùi Quang Vơm
Tại sao TQ cố tình gây ra sóng gió cho khu vực này? Theo logic thông thường thì Trung Quốc lại đang chơi trò tung hoả mù, dương đông kích tây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang làm gì đó ở một nơi khác, và ở đấy mới là chỗ Trung Quốc “làm” thật.
Binh sĩ Ấn-Trung tại đường ranh giới kiểm soát trên thực tế. Nguồn: internet
Mâu thuẫn bùng nổ tại biên giới Trung Ấn từ hơn một tháng nay. Căng thẳng bắt đầu nổ ra khi một trung đội Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 8/6 lợi dụng đêm tối lặng lẽ tiến vào cao nguyên Doklam nằm giữa biên giới Trung Quốc và Bhutan, phá bỏ những lô cốt mà quân đội hoàng gia Bhutan đã xây dựng cách đây nhiều năm để phục vụ cho kiểm soát biên giới.
Đến ngày 16/6, một đơn vị công binh Trung Quốc với xe ủi, xe lu và máy xúc tiến vào Doklam nhằm xây dựng một con đường chạy xuyên qua cao nguyên, nhưng vấp phải sự phản đối của quân đội Bhutan. Cho rằng Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi nguyên trạng được hai nước ký năm 1998, lính Bhutan đã tranh cãi, thậm chí xô xát với lính Trung Quốc. Tuy nhiên, lính Trung Quốc không chịu rút đi, buộc Bhutan phải nhờ Ấn Độ giúp đỡ. Hai ngày sau, khoảng 300-400 lính Ấn Độ tiến vào Doklam, ngăn chặn đơn vị công binh Trung Quốc, khởi đầu cho cuộc khủng hoảng đang kéo dài tới tuần thứ tư.
Tới ngày 10/7 Ấn Độ triển khai thêm 2.500 binh sĩ, bất chấp người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng yêu cầu “Ấn Độ lập tức rút quân khỏi khu vực tranh chấp ở biên giới nhằm tránh leo thang căng thẳng giữa hai nước”. Và Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại một khu thuộc Tây Tạng gần biên giới Ấn Độ.
Thiên hạ lại một phen đổ dồn mọi con mắt. Nhưng chiến tranh không xảy ra và sẽ không thể xảy ra. Trung Quốc sẽ chỉ doạ, vì Trung Quốc sẽ chỉ cần tạo ra sự ồn ào, rối ren, rồi dừng. Trung Quốc cần hỗn loạn nhưng lại rất sợ chiến tranh.
Tại sao TQ cố tình gây ra sóng gió cho khu vực này? Theo logic thông thường thì Trung Quốc lại đang chơi trò tung hoả mù, dương đông kích tây. Điều này có nghĩa là Trung Quốc đang làm gì đó ở một nơi khác, và ở đấy mới là chỗ Trung Quốc “làm” thật. Trong những nơi khác đó khả dĩ có Biển Đông, Vịnh Bắc bộ hoặc Scarborourgh, có thể là biên giới Mianmar, có thể Senkaku, có thể là THAAD tại Nam Hàn, có thể là Đài Loan, lại có thể là chuẩn bị phát động một vụ gián điệp ăn cắp bí mật quân sự tại Mỹ, có thể là một cuộc đảo chính tại Hà Nội, v.v… không ai biết được ở đâu, chuyện gì, “ai có thân thì lo”, vậy thôi.
Nếu trước đây, khi kéo giàn khoan HD-981 vào khu vực không tranh chấp thuộc hải phận chủ quyền của Việt Nam gây nên sự ồn ào chưa từng có trên thế giới và một phong trào biểu tình sôi động phản kháng trên cả nước Việt Nam, người ta tưởng Trung Quốc cố tình khai thác dầu tại khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam, khiêu khích Việt Nam phải bộc lộ thái độ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, thăm dò quyết tâm chủ quyền của chóp bu Hà Nội lẫn việc đo lường nhân tâm dân Việt. Không phải. Tất cả những sự khuấy động đó thực chất chỉ là hỏa mù. Thực chất của âm mưu nằm ở chỗ khác.
Trung Quốc cần một tháng để kéo tên lửa ra các hòn đảo tự tạo thuộc Trường Sa. Trung Quốc cần di chuyển các thiết bị thi công cỡ lớn và khối lượng lớn vật tư thiết bị nhằm kết thúc nhanh chóng việc tạo ra các hòn đảo giả đủ điều kiện để đưa con người ra sinh sống, cùng các thiết bị quân sự, một mặt tăng cường ý chí chủ quyền, một mặt nâng cấp năng lực phòng vệ và tấn công tại vùng biển chiến lược này.
Và Trung Quốc đã thành công. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành việc khảo sát lập bản đồ tài nguyên và quyết định rút giàn khoan. Chính phủ Việt Nam vỗ ngực tự khoe sáng suốt. Thế giới hạ nhiệt. Nhưng quay lại Trường Sa thì mọi việc đã được Trung Quốc “cơ bản hoàn thành” trên cả 7 thực thể. Việc cơi nới mở rộng diện tích cũng như việc xây dựng các công trình quân sự, mở rộng, kéo dài đường băng, dựng hanga máy bay, các loại kho tàng, các nhà chứa và bệ phóng tên lửa, các trạm rada v.v… mọi việc cần đã được thiết lập và không thể đảo ngược. Một bước tạo ra “việc đã rồi” đã được thực hiện hoàn thành.
Việt Nam và thế giới chỉ còn việc tố cáo Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng những gì vừa được tạo ra một cách phi pháp trên các thực thể chiếm đoạt phi pháp thì không có gì vì tố cáo mà biến mất, và trở thành những tài sản của nhà nước Trung Hoa để xác quyết quyền chủ quyền.
Từ sau phán quyết của Toà án PCA, tháng 7/2016, bác bỏ quyền chủ quyền nhân tạo của Trung Quốc đối với các thực thể thuộc các quần đảo đá trên toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc đã âm thầm rút mọi hoạt động vào bí mật.
Trung Quốc không ồn ào tiếp tục xây dựng (vì đã cơ bản hoàn thành), có vẻ như không chuyên chở tiếp các thiết bị quân sự ra các hòn đảo nhân tạo này (vì đã quá sức chứa của các thực thể bé nhỏ và thiếu điều kiện), Trung Quốc tái cho phép ngư dân Philippines và Việt Nam được đánh cá trên các vùng biển chưa ngã ngũ tranh chấp. Trung Quốc tránh mọi đề cập quốc tế liên quan Trường Sa và Hoàng Sa. Không có xung đột, luật ứng xử COC đang được chính Trung Quốc chủ trì soạn thảo và đang được khẩn trương để có “thể nhanh chóng hoàn thành kết thúc”!
Trung Quốc đã biết rằng ầm ĩ thì “lộ chuyện”, và găng quá thì thiên hạ co cụm lại thành khối khó “nuốt”.
Trung Quốc thay đổi chiến thuật, làm như không còn quan tâm, nhưng bên trong, âm mưu và khát vọng chỉ càng nung nấu hơn. Sự kìm nén chỉ làm cho các thủ đoạn càng trở nên tàn độc.
Triều Tiên lập tức ồ ạt thử tên lửa, hung hăng tuyên bố sẵn sàng chiến tranh ngay cả với Mỹ. Một quốc gia đói khát, bị bao vây cô lập mọi nguồn thu, nhưng có thể hơn một tháng bốn lần thử tên lửa (14/5, 21/5, 8/6, 4/7). Với trò hung hăng, ồn ào, làm như chiến tranh xảy ra đến nơi, khiến Mỹ và thế giới cuống quýt hoảng sợ. Mọi ánh mắt, mọi sự chú ý dồn cả vào khu vực bé nhỏ này. Thậm chí cả Trung Đông và Ukraine đều lùi về phía sau. Ở vụ việc Bắc Triều, Trung Quốc là nhân vật duy nhất có khả năng giải quyết. Hãy biết và thừa nhận vai trò của Trung Quốc đối với vận mệnh nhân loại. Đấy là thông điệp của Bắc Kinh gửi thế giới.
Nhưng thằng hề Bắc Hàn đang hết vai trò. Nó chỉ hò hét làm trò, nhưng chính nó cũng biết rằng nó chỉ sống sót được vài ngày sau khi chiến tranh bùng nổ, dù có thể làm khối người chết theo. Chả có ai biết chết mà vẫn làm, trừ khi người đó mất trí.
Vụ phóng tên lửa ngày 4/7 vừa rồi, Mỹ có hơn một tiếng theo dõi từng hành vi của Kim Jong-un, nhưng không thèm hành động. Nếu Mỹ thực sự sợ chiến tranh của anh chàng “tâm thần” này, Mỹ sẽ chẳng tiếc một quả rocket.
Đội đặc nhiệm của Mỹ có thể tìm tới nơi trú ẩn bí mật ở tận Pakistan, để trực tiếp xả đạn tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden là một bằng chứng, rằng Mỹ đang vẫn còn cần mạng sống của Kim Jong-un, và vẫn muốn chơi trò diễn kịch với Trung Quốc.
Trung Quốc cần một mồi khói khác. Vì vậy mà chuyện nguy cơ chiến tranh Trung-Ấn bùng phát. Mặc dù về bản chất, Bắc Kinh luôn cần càng nhiều khói càng tốt.
Cứ ở đâu có dính với Trung Quốc, ở đó phải đều có thể có khói. Trung Quốc đụng với Nga, và vẫn nuôi nguồn đụng với Nga, kể cả bên ngoài có thể là liên minh. Trung Quốc đụng với Nhật và sẽ không bao giờ tắt nguy cơ chiến tranh. Trung Quốc đụng Philippines và sẽ nuôi khói thường trực với Phi để thổi thành lửa bất cứ lúc nào. Trung Quốc từng nô dịch Việt Nam hàng nghìn năm và không lúc nào buông bỏ dã tâm thôn tính. Trung Quốc luồn sâu vào lãnh thổ Lào và sẵn sàng giải giáp chế độ vào mọi lúc. Trung Quốc giữ khói trên dọc biên giới với Myanmar bằng các cuộc đụng độ của quân đội ly khai như một thứ con tin, mặc cả ổn định của chế độ.
Trung Quốc không chơi với ai mà thực tâm. Nếu Trung Quốc chơi với ai thì chỉ để “ăn thịt” người đó, vào một lúc nào đó.
Vì vậy, nếu có nguy cơ chiến tranh bùng nổ ra trên biên giới Trung-Ấn, thì thứ nhất, nó không là chuyện gì bất thường, vì không phải là nơi duy nhất. Thứ hai là phải tin rằng sẽ chẳng có gì sẽ thực xảy ra cả. Trung Quốc chỉ là con hổ giấy, không phải vì Trung Quốc yếu, mà vì Trung Quốc rất kém về việc tổ chức và vận hành chiến tranh, và còn vì Trung Quốc là tổ sư của chủ nghĩa thực dụng. Chả có cuộc chiến tranh nào không có nguy cơ thất bại và thực sự có lợi. Và vì thực dụng nên người Trung Quốc nhát gan và rất dễ phản bội, khi không thấy còn có lợi. Trong lịch sử 5 nghìn năm, Trung Quốc chỉ tự đánh lẫn nhau và Trung Quốc thua mọi cuộc chiến chống người ngoài.
Cho nên, cần phải rút ra một kết luận rằng, cứ ở đâu có Trung Quốc, thì ở đấy có hỗn loạn, nhưng ở đâu thấy có hỗn loạn thì ở chỗ ấy có an toàn. Chỗ mà Trung Quốc phá hay cướp là chỗ im lặng ít người để ý nhất. Trung Quốc có thể tự đốt nhà mình chỉ để lẻn vào ăn cắp nhà người khác. Lúc Trung Quốc thân thiện nhất chính là lúc Trung Quốc đã chuẩn bị xong cú “xuống tay” quyết định.
Chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” của Hà Nội chính là món ăn mà Bắc Kinh mong đợi nhìn thấy trên mọi mâm cơm của cả Mỹ và châu Âu. Cái “khôn ngoan sáng suốt” của Hà Nội chính là cái “ngu xuẩn” của Bắc Kinh. Trump và thế giới có vẻ đã quên Biển Đông, vì vậy, phải nghĩ ngay rằng hành động thực của Trung Quốc có thể lại là ở chỗ này!
B.Q.V.
Tác giả gửi BVN