Xung đột sắc tộc ở Tây Nguyên

 Dương Quốc Chính 

Tây Nguyên nguyên là 2 nước Thuỷ Xá và Hoả Xá, đến thời Minh Mạng vẫn chỉ là thuộc quốc của Đại Nam. Có lẽ chúa rồi vua Nguyễn cũng không định xâm lược và sát nhập. Khi Pháp chiếm Đông Dương thì vùng này mới được nhập vào An Nam (Trung Kỳ), vì người Pháp muốn tận dụng được lợi thế về đất đai và tài nguyên ở đây. Các đồn điền cafe, cao su… mới chỉ có từ khi người Pháp xâm lược. Có nghĩa là đây là vùng đất cuối cùng được nhập vào Việt Nam. 

Đến giai đoạn Quốc gia Việt Nam, vùng này được quy chế tự trị dành riêng cho Hoàng gia, gọi là Hoàng triều cương thổ. Các lãnh đạo địa phương chỉ thần phục Quốc trưởng Bảo Đại. Đến thời Việt Nam Cộng hoà (VNCH), ông Diệm thống nhất quốc gia nên xoá bỏ Hoàng triều cương thổ, nhập vào VNCH. 

Trong chiến tranh Việt Nam, dân Tây Nguyên vẫn có những nhóm chống quân cộng sản, chứ không phải trên dưới một lòng theo Việt Cộng như sách báo chính thống viết đâu. Điển hình là vụ thảm sát Đắk Sơn, anh em Google để biết chi tiết, có cả ảnh. Đây là một vùng ở Đăk Lăk. Tức là mầm mống xung đột nó có từ lâu đời rồi. 

Khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì tổ chức FULRO vẫn tồn tại ở Tây Nguyên đến 1992. Anh em Google tiếp để biết FULRO là tổ chức nào. Đại khái đây là tổ chức đấu tranh để giành độc lập cho các dân tộc Tây Nguyên, gồm cả người Chăm và Khmer. Có nghĩa là họ chống lại sự cai trị của người Kinh gồm cả VNCH lẫn Việt Nam Cộng sản. 

Năm 1999, nhà nước DEGAR được thành lập, đây là nhà nước tự xưng của người dân tộc ở Tây Nguyên. Thủ đô cũng ở Đắk Lắk. Google để biết chi tiết. Nhà nước này trên lý thuyết vẫn tồn tại, dù lãnh đạo đang ở lưu vong. 

Mấy hôm trước, trùng hợp thay, có ông thầy giáo cũng ở Đắk Lắk mới bị kết án vì kêu gọi dân chủ, nhân quyền trên FB. Nên mình mới bảo là vùng này rất nhạy cảm chính trị, nên dân mà ngo ngoe chống đối là bị dính án ngay. Hôm qua xảy ra vụ cũng ở Đắk Lắk, hiện chưa công bố nguyên nhân chính thức dẫn tới vụ khủng bố, nhưng nhiều người đồn đoán là tổ chức Degar đứng sau? Cũng có người cho rằng chỉ là tranh chấp đất đai? 

Mình tóm lược lại một số thông tin về sự nhạy cảm chính trị, nguy cơ ly khai của vùng này để mọi người hiểu bản chất của lịch sử xung đột ở vùng đất Tây Nguyên. Chuyện tương tự diễn ra khá phổ biến trên thế giới. Đặc biệt là ở các nước Cộng sản hay độc tài thì nó diễn ra càng bạo lực hơn. Bên Tàu thì Tân Cương, Tây Tạng cũng không khác gì Tây Nguyên. Các vụ khủng bố rồi đàn áp đẫm máu diễn ra nhiều ở Nga, Trung Quốc… vì nguyên nhân sắc tộc. Vùng Kosovo cũng vậy, đang tái diễn bạo lực. 

Nói chung là việc cai trị những vùng đất mới có lịch sử, văn hoá, dân tộc quá khác biệt với các nơi khác là không hề đơn giản. Ở nhiều nước hay nhiều giai đoạn lịch sử thì các vùng đất này phải có quyền tự trị tương đối thoáng. Ngay ở TQ cũng có khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây giáp Việt Nam. Nga cũng có nước Cộng hoà tự trị. Việt Nam hiện không có dù đã từng có ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc (người Mèo). 

Hiện tại chưa rõ nguyên nhân vụ vừa xong là gì nhưng mâu thuẫn sắc tộc thường không được công bố là nguyên nhân chính thức, dễ bị lái thành mâu thuẫn thuần tuý hình sự.

P/S:

Nhìn danh sách người chết toàn lãnh đạo xã, công an và dân đều người Kinh hết, nên nếu bảo thuần túy đất đai nó sai sai. 

Xã làm sao mà có thẩm quyền thu hồi hay cưỡng chế đất đai được. Thường xung đột vì đất đai thì là dân (chủ đất) với đội ngũ cưỡng chế đất đai (thường có công an). Nhưng CA cấp xã thì chỉ đi theo chứ không chỉ huy cưỡng chế. 

Đa số các vụ xung đột này diễn ra vào thời điểm cưỡng chế hoặc thời điểm đàn áp. Vụ này không có những đặc điểm đó.

D.Q.C.

Nguồn: FB Dương Quốc Chính

This entry was posted in Tây Nguyên. Bookmark the permalink.