Anh hùng xuất thiếu niên

Chu Mộng Long

Sáng nay tôi giảng một luận đề mỹ học: cái đẹp cứu thế giới. Tôi dẫn âm nhạc như là sự hoá giải xung đột, giai điệu, tiết tấu âm thanh đánh thức rung động của trái tim, từ đó làm cho người gần người hơn…

Tôi nhớ trong một bộ phim, khi Đức quốc xã tấn công một thành phố, giao tranh đang khốc liệt, bỗng từ gian phòng của một chung cư đổ nát vang lên một khúc dương cầm, bọn lính hung hăng nhất cũng lắng tai nghe và tiếng súng im bặt. Sức mạnh của nghệ thuật là vậy!

Khi cho trao đổi, thảo luận, một học viên hỏi tôi:

– Thưa thầy, vụ cô giáo xung đột với học sinh, lại là trong giờ học nhạc. Vậy điều thầy dạy liệu có mâu thuẫn?

Tôi khen câu hỏi rất hay. Câu hỏi này làm tôi phải động não mấy phút. Thật khó hiểu khi giờ âm nhạc mà lại diễn ra xung đột. Âm nhạc thư giãn chứ căng thẳng thì là âm nhạc gì vậy? Tôi hình dung mấy lý do: 1) Cô giáo dạy nhạc nhưng hát dở gây khó chịu cho học sinh, giống như nhiều người hát karaoke làm cho hàng xóm phải bực mình muốn cho một dao; 2) Cô không hát hay tổ chức cho học sinh hát mà dạy thứ nhạc lý trừu tượng rồi bắt học sinh chép nhạc như chép phạt; 3) Nhạc cô dạy cho học sinh rất có vấn đề, đó không phải là loại "nghệ thuật không biên giới" mà là thứ âm nhạc khiêu khích, kích động hận thù…

Tôi thiên về lý do 2 và 3. Xem chương trình và sách dạy nhạc cho học sinh phổ thông, tôi thấy giáo viên chủ yếu dạy nhạc lý. Những đứa trẻ không có năng khiếu âm nhạc vẫn phải học xướng âm, ký âm rất khổ sở, kể cả hát không hay cũng bị bắt phải hát, những đứa trẻ đó có thể rơi vào mặc cảm, xấu hổ. Nhưng sâu xa hơn, có lẽ trẻ phải học chủ yếu là nhạc cách mạng, đúng nghĩa là nhạc chiến tranh. Nếu học những bản nhạc với những câu thế này: "Cầm gươm ôm súng xông tới… Ôi xương tan máu rơi lòng hận thù ngút trời" thì ắt trẻ con cũng nổi máu đánh nhau. Loại âm nhạc này không "cứu thế giới" mà chẻ đôi thế giới.

Ấy đấy. Ở nền giáo dục này học văn thì chủ yếu học anh hùng ca, mà chọn văn bản thì toàn chọn đoạn đánh nhau. Đến học nhạc thì học loại nhạc khiêu chiến. Trẻ con ở tuổi dễ kích động không nổi máu anh hùng mới lạ. Thời chiến trẻ hăng hái ra chiến trường đánh giặc. Nay khi thầy cô giáo xem học trò như giặc ắt trẻ con cũng nhìn thầy cô như giặc. Mỹ cút, ngụy nhào đã lâu nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Vẫn là thời đại anh hùng xuất thiếu niên. Hô lên "Giáo dục là trận đánh", bây giờ các thầy cô nên tự hào về thành quả giáo dục của mình chứ kêu ca như kẻ thất trận làm gì?

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.