Tư vấn cho thủ tướng, những kinh nghiệm đã qua

Kính Hòa

“Hiện chưa có một công trình nghiên cứu tổng kết một cách đầy đủ và khách quan, nhưng rõ ràng là thời kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều gánh nặng kinh tế nặng nề. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi, bội chi ngân sách thì tăng lên, nợ công tăng nhanh chóng. Đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép các tập đoàn nhà nước được kinh doanh đa dạng hóa, ví dụ như Tập đoàn dầu khí kinh doanh cả du lịch, khách sạn, taxi, và có rất nhiều các công ty con khác. Bây giờ chúng ta thấy là Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề, tài chính, tiền tệ, rất nhiều vấn đề tiêu cực” – Lê Đăng Doanh.

Nếu nói cho thật nghiêm chỉnh thì một người như ông Nguyễn Tấn Dũng suốt đời chỉ nên làm một y tá, đúng như nghiệp vụ ông ấy được đào tạo. Rất tiếc ông ấy lại cố phấn đấu để trở thành đảng viên cộng sản, rồi quân đội Mỹ và VNCH lại vinh danh cho ông ấy một vết thương. Và với tính cách tự chủ-tự tin-tự tung tự tác của con người này, đó là một cơ hội để ông ấy được trao không phải là chiếc gậy thần mà là một “cây tầm vông” để ông dọc ngang một cõi trong suốt mười năm, phá nát toàn bộ đất nước, góp phần thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh… xuống vực thẳm, như tình hình thê thảm chưa có cách gì cứu gỡ nổi hiện nay. Giải tán lập tức Ban Nghiên cứu Kinh tế do ông Phan Văn Khải lập ra đương nhiên chỉ mới là việc nhỏ nhất trong hàng loạt những phá phách đầy kiêu hãnh mà ông ta đem ra thực thi trong suốt hai nhiệm kỳ Thủ tướng lừng danh, đến nay nhắc lại có lẽ vẫn chưa một ai nguôi cảm giác bàng hoàng e sợ.

Vấn đề là: con đường trèo lên khỏi vực trước mắt là con đường nào? Con đường ấy gần hay xa (nói như Tản Đà: Hai vai gánh nặng con đường thì xa), hay là một con đường mỏi mắt nhìn không thấy đích? Tin hay không tin vào Ban tư vấn vừa mới được TT Ngyễn Xuân Phúc thành lập, đối với giới trí thức dân sự đã trải qua kinh nghiệm thực tế chua chát nhiều năm trên nhiều phương diện, đều có lý do của nó, không dễ trong một phút chốc có thể kết luận như đinh đóng cột việc đó là hay hay dở, kết quả cuối cùng sẽ tốt hay không, dù rằng một số người trong số đó là người có thực tài.

Bauxite Việt Nam

clip_image001


Thủ tướng mãn nhiệm Phan Văn Khải (trái), và tân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong kỳ họp Quốc hội 2006
AFP

Cuối tháng 7, 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú ký quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng gồm có 15 chuyên gia kinh tế Việt Nam cả trong và ngoài nước.

Các tổ chức tư vấn như vậy đã được thành lập trước đây.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từng là người sáng lập Viện IDS, một tổ chức tư vấn tư nhân đã bị giải tán dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng sự có mặt của một Tổ Tư vấn Kinh tế cho Thủ tướng là điều rất cần thiết, nhưng ông e ngại rằng hiệu quả của tổ tư vấn có thể bị giảm do cơ chế làm việc không thường xuyên của nó:

Tổ tư vấn làm việc không phải thường xuyên lắm mà là định kỳ, mấy tháng một lần, nó cũng giống như 13 người tư vấn cho ông Dũng của nhiệm kỳ trước mà thôi. Cái hình thức của ông Dũng và ông Phúc là giống nhau. Hình thức tư vấn của ông Kiệt và ông Khải thì khác, nó rộng nhưng có một nhóm trong tổ tư vấn hay ban nghiên cứu đấy là hoạt động thường xuyên, tức là một ngày tám tiếng, ngày làm việc thì tổ đấy ngồi đấy, có thể tư vấn cho ông Thủ tướng một cách liên tục

Ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc thực thi các chính sách, các đạo luật trong công việc hàng ngày của Chính phủ, và nếu như tổ tư vấn có những người làm thường trực thì sẽ có tác dụng lớn hơn là chỉ tư vấn cho việc hoạch định chính sách mà thôi.

Năm 1993, dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một tổ chuyên gia về cải cách kinh tế và hành chính được thành lập để góp ý kiến cho Thủ tướng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Năm 1996, tổ này được đổi tên thành Tổ Nghiên cứu Đổi mới Kinh tế-Xã hội- Hành chính. Năm 1998, dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, tổ này được nâng cấp lên thành Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng. Ban này bị giải tán dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, người tham gia công việc tư vấn cho Thủ tướng từ năm 1993 nói với chúng tôi:

Tổ tư vấn có những người làm việc thường trực thì sẽ có tác dụng lớn hơn -Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

“Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải thì có lập tổ tư vấn và ban nghiên cứu các vấn đề kinh tế xã hội. Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ tổ chức tổ tư vấn các vấn đề tài chính tiền tệ thôi, phạm vi đó hẹp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì đã giải thể ngay Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải sau khi lên nhậm chức. Đó là quyết định đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Nhận định về công việc của Tổ Tư vấn và Ban Nghiên cứu Kinh tế thời hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, ông Nguyễn Quang A cho rằng họ đã đạt được những thành tựu rất quan trọng trong công cuộc cải cách kinh tế lúc đó.

Là thành viên của Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhớ lại về những hoạt động của mình:

“Chúng tôi đã hoạt động rất tích cực theo định hướng cơ chế thị trường. Thứ hai là chúng tôi thúc đẩy các quan hệ quốc tế, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế, thương mại, kể cả những quan hệ chính trị giữa Việt Nam và các nước, tránh Việt Nam phụ thuộc quá đáng vào một đối tác, nhất là đối tác đó là một nước láng giềng lớn. Điều thứ ba là chúng tôi đẩy mạnh cải cách các doanh nghiệp nhà nước, cảnh giác với các nhóm lợi ích. Chúng tôi đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, Ban nghiên cứu đã hỗ trợ rất tích cực trong việc xây dựng Luật doanh nghiệp”.

Bà Phạm Chi Lan, một thành viên của Ban Nghiên cứu Kinh tế lúc đó viết trên báo chí trong nước vào ngày 1 tháng Tám, năm 2017, rằng Luật Doanh nghiệp ra đời vào năm 1999 là một sự thúc đẩy cho kinh tế Việt Nam. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm là những đạo luật và chính sách lúc đó khi được Thủ tướng chuẩn thuận thường không vấp phải những sai sót, hay phản ứng của báo chí và công luận, và Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất lắng nghe ý kiến các thành viên Ban nghiên cứu.

Ông Lê Đăng Doanh nói rằng Ban nghiên cứu mà ông là thành viên đã tư vấn cho Thủ tướng Phan Văn Khải loại bỏ 286 giấy phép con cản trở hoạt động của doanh nghiệp. Khi được hỏi rằng với những thành quả như vậy thì việc ký sắc lệnh giải tán Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có phải là một sự trì hoãn hoạt động cải cách kinh tế và xã hội của Việt Nam hay không, ông Lê Đăng Doanh nói:

“Cái đó thì phải để cho lịch sử phán xét. Hiện nay chúng ta thấy có rất nhiều các vụ án, các vụ việc có liên quan đến thời kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hiện chưa có một công trình nghiên cứu tổng kết một cách đầy đủ và khách quan. Nhưng rõ ràng là thời kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều gánh nặng kinh tế nặng nề. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi, bội chi ngân sách thì tăng lên, nợ công tăng nhanh chóng. Đặc biệt là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho phép các tập đoàn nhà nước được kinh doanh đa dạng hóa, ví dụ như Tập đoàn dầu khí kinh doanh cả du lịch, khách sạn, taxi, và có rất nhiều các công ty con khác. Bây giờ chúng ta thấy là Tập đoàn dầu khí Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều vấn đề, tài chính, tiền tệ, rất nhiều vấn đề tiêu cực”.

Những vụ việc liên quan đến Tập đoàn dầu khí Việt Nam mà ông Lê Đăng Doanh đề cập bắt đầu bùng lên vào năm 2016, với thông tin nhiều công ty làm ăn thua lỗ, những nghi án liên quan đến tham nhũng, một số cán bộ của tập đoàn này bỏ trốn ra nước ngoài, hai viên chức cao cấp thời kỳ đó là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, và ông Đinh La Thăng từng đứng đầu Tập đoàn dầu khí quốc gia bị kỷ luật, cách chức.

Khi được biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Tổ tư vấn kinh tế mới, bà Phạm Chi Lan và ông Lê Đăng Doanh đều rất hoan nghênh và hy vọng đây là cơ hội mà các chuyên gia có thể tư vấn cho Chính phủ trong thời kỳ khó khăn và phức tạp của nền kinh tế như hiện nay.

Thời kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều gánh nặng kinh tế nặng nề. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm đi, bội chi ngân sách thì tăng lên, nợ công tăng nhanh chóng -Tiến sĩ Lê Đăng Doanh.

Ông Nguyễn Quang A, từ góc độ quan sát bên ngoài bộ máy nhà nước, nhận định về các thành viên của tổ tư vấn mới thành lập:

Tôi biết nhiều người trong số 15 người đấy. Rất nhiều người cổ vũ cho kinh tế thị trường, có đầu óc suy nghĩ chín chắn, rất là đáng quý. Nhưng tôi cũng được nghe là có một số người khi tư vấn cho người này thế này, tư vấn cho người khác với cùng một vấn đề thì hoàn toàn ngược lại. Có thể có những người như vậy, và cũng khó mà tránh. Tôi được nghe thế thôi, không rõ như thế nào, nhưng những người tôi biết thì đều là những người đáng trân trọng”.

Và khi thực hiện bài viết này chúng tôi có tìm cách liên lạc với một số thành viên của tổ tư vấn, nhưng không liên lạc được, và có một thành viên từ chối phát biểu.

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.